|
Một vách triển lãm cung cấp nhiều thông tin về quá trình làm báo của Nguyễn Ái Quốc tại Pháp |
Triển lãm gồm 36 vách là các hình ảnh liên quan đến nhà báo Nguyễn Ái Quốc và báo Le Paria - Người cùng khổ. Điển hình như: hành trình báo chí của Nguyễn Ái Quốc từ 1919 đến 1925; một số bài viết đầu tiên của Nguyễn Ái Quốc trên báo L’Humanité, lời kêu gọi tham gia hội hợp tác xuất bản báo Le Paria (10/2/1922); trưng bày 29 trên tổng số 38 số báo Le Paria đã xuất bản; cùng một số tác phẩm hội họa về Bác của họa sĩ Nguyễn Quốc Thắng và cố họa sĩ Phạm Văn Đôn…
|
Lãnh đạo các sở, ngành và Hội Nhà báo TPHCM đến dự khai mạc triển lãm |
|
Các đại biểu cắt băng khai mạc triển lãm |
Khởi đầu với những bài viết Bản yêu sách của nhân dân An Nam, Tâm địa thực dân, Vấn đề dân bản xứ…, người thanh niên yêu nước Nguyễn Ái Quốc bắt đầu học làm báo và sử dụng báo chí là vũ khí sắc bén trên con đường hoạt động cách mạng của mình từ năm 1919. Đến năm 1922, trên đất Pháp, Nguyễn Ái Quốc cùng các nhà hoạt động cách mạng quốc tế đến từ các nước thuộc địa khác của Pháp lập Hội liên hiệp thuộc địa và xuất bản tờ Le Paria.
Chính thức ra số đầu tiên vào ngày 1/4/1922, Le Paria khẳng định tôn chỉ mục đích là “sẵn sàng vào cuộc chiến đấu” với sứ mệnh “giải phóng con người”. Trong đó, Nguyễn Ái Quốc trực tiếp lãnh đạo và là linh hồn của Le Paria. Những bài báo của Người không chỉ vạch trần chính sách áp bức bóc lột đến tận xương tủy của thực dân Pháp đối với nhân dân Việt Nam, nhân dân Đông Dương mà còn chỉ rõ bộ mặt tàn bạo của chủ nghĩa thực dân đối với nhân dân các nước thuộc địa khác trên thế giới.
|
Chủ tịch Hội Nhà báo TPHCM Trần Trọng Dũng chia sẻ nhiều bài học trong nghề báo đúc kết từ quá trình làm tờ báo Le Paria của Bác |
Phát biểu khai mạc triển lãm, Chủ tịch Hội Nhà báo TPHCM Trần Trọng Dũng khẳng định, sự ra đời của Le Paria đã góp phần quan trọng vào việc truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào Đông Dương và các nước thuộc địa, cổ vũ các tầng lớp nhân dân bị áp bức, bóc lột đứng lên đấu tranh và là dấu mốc quan trọng trong phong trào giải phóng dân tộc ở nước ta và các nước thuộc địa.
“Xem tư liệu về báo Người cùng khổ, có thể thấy được đi đến bất cứ đâu, Bác đều nghĩ đến đầu tiên là thành lập một tờ báo để làm công cụ tuyên truyền tư tưởng giải phóng dân tộc, chủ nghĩa Mác - Lênin cho các tầng lớp trong xã hội. Với Bác, ngòi bút thay cho vũ khí trong cuộc cách mạng và thể hiện rõ ở tờ Le Paria. Người vừa lãnh đạo vừa viết báo, vừa biên tập vừa vẽ minh họa, thậm chí tự bán báo, quảng cáo… để duy trì tờ báo trong điều kiện vô cùng khó khăn. Tất cả thể hiện tư cách một người làm báo lỗi lạc - làm tất cả những gì có thể để đưa bằng được tờ báo đến tận tay độc giả. Tác phẩm báo chí làm ra không đến được công chúng là thất bại.
Bài học vắn tắt mà người làm báo luôn phải học hỏi ở Bác là: “Viết cho ai? Viết để làm gì? Viết như thế nào?” cũng là nhằm mục đích đưa tác phẩm báo chí đến đúng đối tượng độc giả của mình” - ông Trần Trọng Dũng chia sẻ.
|
Nhà báo Trần Kim Hoa, Giám đốc Bảo tàng Báo chí Việt Nam, giới thiệu với các đại biểu về triển lãm và lịch sử tờ Le Paria. "Hiện tại, chúng tôi đã sưu tập được 29/38 số báo Le Paria. Sắp tới sẽ triển khai dịch thuật và các hoạt động tuyên truyền để có thể đưa bộ sưu tập quý giá này đến với công chúng" - bà Trần Kim Hoa cho biết. |
|
Hình ảnh một số báo Le Paria và các hoạt động của Bác trên đất Pháp |
|
Báo Le Paria duy trì hoạt động được 4 năm (1922 - 1926), xuất bản được 38 số. |
|
Một số bài báo từ Le Paria đã được dịch sang tiếng Việt |
|
Bức tranh Nguyễn Ái Quốc ở Paris của cố họa sĩ Phạm Văn Đôn tại triển lãm |