Tham dự, có đồng chí Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM, cùng cộng đồng doanh nhân trên địa bàn và các chuyên gia kinh tế, sở ban ngành.
Nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp tăng mạnh trong thời gian qua nhưng để tiếp cận nguồn vốn rất khó khăn. Do đó, để 97% doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tiếp cận được gói tín dụng tốt nhất giúp tái đầu tư sản xuất phục hồi phát triển, HUBA kiến nghị các ngân hàng thương mại có chính sách giúp doanh nghiệp vay vốn.
Đồng thời, doanh nghiệp mong muốn được hỗ trợ thúc đẩy triển khai nhanh chóng gói hỗ trợ lãi suất 2% từ ngân hàng.
Tương tự, bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực, thực phẩm TPHCM cho rằng, doanh nghiệp đang hết sức khó khăn do nguyên liệu đầu vào để sản xuất kinh doanh đang tăng cao, có loại vượt 40%. Do đó, kiến nghị các ngân hàng nên đánh giá lại tài sản là bất động sản đang thế chấp để tăng nguồn vốn vay…
Trả lời những vấn đề đại diện doanh nghiệp đặt ra, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước TPHCM Nguyễn Đức Lệnh cho rằng, từ đầu năm đến nay đã triển khai nhiều nhóm giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp như chương trình kết nối ngân hàng doanh nghiệp với hơn 90.000 tỷ đồng lãi suất thấp.
“Về gói hỗ trợ lãi suất 2%, TPHCM đang triển khai xây dựng, tập huấn, tư vấn cho khách hàng, nếu doanh nghiệp có nhu cầu mà đúng đối tượng, quy định sẽ được hưởng. Trường hợp, doanh nghiệp bị “làm khó” liên hệ với ngân hàng nhà nước để được tiếp nhận, giải quyết tháo gỡ. Riêng vấn đề tài sản thế chấp là bất động sản, ngân hàng nhà nước đã chỉ đạo ngân hàng thương mại rà soát các kiến nghị và thực hiện nếu đủ điều kiện, đúng luật!”, ông Nguyễn Đức Lệnh nói.
Bàn về giải pháp vốn cho doanh nghiệp, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính ngân hàng cho biết, vốn là yếu tố quan trọng cho tăng trưởng kinh tế. Hiện có ít nhất 6 dòng vốn mà doanh nghiệp có thể tiếp cận. Đó là dòng vốn từ ngân sách nhà nước, nguồn vốn từ đối tác, vốn tài trợ từ chuỗi cung ứng, cho thuê tài chính, các quỹ đầu tư, vốn tự có. Doanh nghiệp cần chủ động tiếp cận các dòng vốn từ nhiều kênh.
“Lâu nay doanh nghiệp thiếu vốn cứ nghĩ đến ngân hàng, điều này đúng nhưng không đủ, không trúng. Vì còn nhiều doanh nghiệp khó khăn về tài chính nhưng không có phương án sử dụng vốn tốt, thiếu tài sản thế chấp. Do đó, cần công khai minh bạch, chuyên nghiệp trong quản trị doanh nghiệp để dễ dàng tiếp cận các dòng vốn”, ông Cấn Văn Lực phân tích.
Chia sẻ tại chương trình, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi ghi nhận, đánh giá cao và trân trọng cảm ơn những đóng góp to lớn của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân đã giúp TPHCM nói riêng và cả nước nói chung vượt qua đại dịch Covid-19, chung tay đưa nên kinh tế dần phục mạnh mẽ trở lại.
Theo đồng chí Phan Văn Mãi, TPHCM đang xây dựng, triển khai nhiều chính sách như hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi, đầu tư công nghệ để gia tăng năng suất, giảm thâm dụng lao động, chuyển đổi số để tạo động lực tăng trưởng. TPHCM cũng tập trung tháo gỡ thật nhanh những vướng mắc về cơ chế, thủ tục của các dự án để đưa đồng vốn lưu thông vào trong hoạt động sản xuất. Đồng thời, luôn tiếp thu ý kiến, hiến kế từ cộng đồng doanh nghiệp vào trong quá trình xây dựng chính sách, điều hành của TPHCM thông qua việc tham gia các cuộc họp quý, tháng, chuyên đề vì sự phát triển của địa phương.