Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng năm 2022 còn một số khó khăn cần tiếp tục giải quyết như dịch bệnh COVID-19 có thể diễn biến phức tạp, tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế… cần giải pháp phù hợp.
Sáng 4-7, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương và phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6-2022 về tình hình kinh tế - xã hội tháng 6, 6 tháng năm 2022 và triển khai các nghị quyết của kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV.
Phát biểu khai mạc, Thủ tướng nêu rõ trong 6 tháng qua, tình hình thế giới có nhiều biến động lớn, nhanh, phức tạp, có những yếu tố chúng ta dự báo được nhưng cũng có nhiều yếu tố chưa dự báo được.
Cụ thể, cạnh tranh chiến lược ngày càng gay gắt. Xung đột tại Ukraine khiến giá dầu, lương thực, thực phẩm, nguyên vật liệu đầu vào tăng cao, gây đứt gãy chuỗi cung ứng.
Nhiều tổ chức, chuyên gia dự báo kinh tế thế giới còn tiếp tục gặp nhiều khó khăn, có khả năng suy thoái kinh tế do ảnh hưởng của COVID-19 và tình hình hiện nay, hạ dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới so với đầu năm.
Lạm phát tăng ở mức cao tại hầu hết các nước trên thế giới. Nhiều đối tác, quốc gia lớn thay đổi chính sách về kinh tế và chống dịch. An ninh lương thực, an ninh năng lượng đang là vấn đề lớn.
Dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp sau một thời gian tạm lắng kể cả tại những nước có hệ thống y tế tiên tiến.
Trong nước, theo Thủ tướng, chúng ta có những thuận lợi do kế thừa thành quả của nhiều nhiệm kỳ vừa qua, đồng thời cần khắc phục nhiều vấn đề nội tại, hạn chế, bất cập, tiếp tục xử lý những vấn đề tồn đọng nhiều năm, triển khai các nhiệm vụ thường xuyên và giải quyết những vấn đề phát sinh, đột xuất, đặc biệt là sức ép lạm phát rất cao, giá cả nguyên vật liệu đầu vào, đứt gãy các chuỗi cung ứng…
Trong bối cảnh đó, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, giám sát, ủng hộ của Quốc hội, đồng tình của người dân, doanh nghiệp, hỗ trợ của bạn bè, đối tác quốc tế và chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ ngành, địa phương, dịch bệnh COVID-19 đã được kiểm soát, tình hình kinh tế - xã hội đạt nhiều kết quả quan trọng trên nhiều lĩnh vực, nhiều mặt đạt kết quả ấn tượng.
Nhấn mạnh cần tiếp tục xác định khó khăn, thách thức nhiều hơn thuận lợi và thời cơ, người đứng đầu Chính phủ đề nghị các đại biểu thảo luận thẳng thắn chỉ rõ những việc đã làm được, chưa làm được trong 6 tháng đầu năm.
Đồng thời nhận định khách quan, trung thực, đầy đủ, toàn diện về các kết quả, nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan, bài học kinh nghiệm, khó khăn, thách thức chính hiện nay.
Đặc biệt, các địa phương cần chia sẻ những kinh nghiệm hay, đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, những trọng tâm thời gian tới.
Trước đó, theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và đầu tư, kinh tế có bước phục hồi tích cực, tăng trưởng GDP vượt kịch bản cao đề ra, trong đó GDP quý 2 ước tăng 7,72% so với cùng kỳ, cao nhất kể từ năm 2011.
Tính chung 6 tháng, GDP ước tăng 6,42% so với cùng kỳ, cao hơn so với dự kiến kịch bản và cùng kỳ năm 2021, tương đương mức bình quân các năm trước dịch...
Theo chương trình hội nghị và phiên họp tập trung thảo luận một số nội dung chính gồm tình hình kinh tế - xã hội tháng 6 và 6 tháng đầu năm 2022; tình hình triển khai chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; tình hình thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công...
Hội nghị và phiên họp cũng sẽ thảo luận về việc triển khai các dự án giao thông quan trọng quốc gia, những khó khăn, vướng mắc và nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới.
Các dự án gồm dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2017-2020 và giai đoạn 2021-2025; đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Biên Hòa - Vũng Tàu, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng; đường vành đai 4 Hà Nội; vành đai 3 TP.HCM; cảng hàng không quốc tế Long Thành.