Trong suốt hành trình phát triển của mình, báo chí không chỉ làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước mà còn có nhiều hoạt động thiết thực đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, từ đó khẳng định mối quan hệ gắn bó, hỗ trợ lẫn nhau cùng phát triển.
Báo chí phản ánh cân bằng và công bằng
Các cơ quan báo chí luôn thông tin kịp thời những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Những mô hình hoạt động hiệu quả của các doanh nghiệp, địa phương được các cơ quan báo chí quan tâm đưa tin kịp thời, qua đó làm tăng sự kết nối và nhân rộng những cách làm hay giúp cộng đồng doanh nghiệp cùng học hỏi và phát triển.
Nhà báo Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cho rằng: Báo chí làm sao giữ được vai trò giám sát phản biện, phản ánh đúng đắn những việc làm tốt cả những vấn đề còn bất cập một cách cân bằng và công bằng, đó là bài toán mà báo chí cần phải giải được.
Trong định hướng của Hội Nhà báo Việt Nam nhiệm kỳ nhiệm kỳ 2020-2025 cũng nêu ra trong đó có yếu tố đoàn kết, kỷ cương còn có yếu tố chuyên nghiệp, hiện đại, đặc biệt là yếu tố nhân văn luôn luôn được hướng tới.
Nhà báo Lê Quốc Minh thông tin: “Báo chí thường có xu thế là tò mò và phản ánh những điều bất cập, nhưng tôi mong muốn báo chí cách mạng Việt Nam luôn đặt yếu tố nhân văn lên trên. Chúng tôi đã nêu nhiều đến vấn đề báo chí mang tính xây dựng, ở đây không có nghĩa là "tô hồng" mọi chuyện mà dù nêu vấn đề tốt hay phản ánh vấn đề bất cập cần mang yếu tố xây dựng, nó khác với việc đi sâu vào sai phạm. Không nên “hả hê” trước sai phạm, bất cập của doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị".
Nhà báo Lê Quốc Minh nhấn mạnh, báo chí cần có tính công bằng, cân bằng, chuyên nghiệp, văn minh và hai bên hỗ trợ lẫn nhau thay vì đưa nhau thành hai phía đối lập.
Cùng quan điểm với nhà báo Lê Quốc Minh, nhà báo Nguyễn Anh Tú - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Hải Phòng cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, rất cần báo chí chung tay với các cơ quan quản lý, hoạch định chính sách trong việc thúc đẩy cải cách thể chế. Đây là thời điểm thích hợp để báo chí trở thành là kênh quan trọng giúp khơi dậy lòng tự hào của người Việt, ví như vấn đề người Việt ưu tiên dùng hàng Việt, khuyến khích và khơi dậy lòng tự hào dân tộc trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc…
Theo nhà báo Nguyễn Anh Tú, thông qua các cơ quan báo chí, những mặt chưa được trong môi trường kinh doanh của Việt Nam được phản biện, góp ý xây dựng để ổn định và minh bạch hơn. Bên cạnh đó, những thông tin phân tích của báo chí là những gợi ý tốt cho các doanh nghiệp mở rộng hoặc thu hẹp phạm vi, thay đổi tính chất của các mối liên kết trong hoạt động quản lý kinh doanh.
Nâng cao chất lượng tuyên truyền về kinh tế, doanh nghiệp
Trong mọi hoàn cảnh, mọi giai đoạn phát triển của lịch sử, báo chí luôn phản ánh chân thực đời sống kinh tế xã hội. Có thể nói, trong thời điểm hiện nay khi kinh tế của đất nước đang phát triển năng động, hội nhập với nền kinh tế toàn cầu, tất cả các khía cạnh của hoạt động sản xuất, kinh doanh đều có thể trở thành đề tài hấp dẫn của báo chí. Từ chuyện lợi nhuận, vốn, công nghệ, môi trường, tiêu thụ sản phẩm, quy mô sử dụng lao động...
Mặt khác, dư luận xã hội cũng hết sức quan tâm đến những vấn đề được báo chí phản ánh, ví dụ hoạt động của doanh nghiệp gây tổn hại tới môi trường kinh doanh; những hành vi thao túng, gian lận để trục lợi như trên thị trường chứng khoán thời gian vừa qua…
Nhà báo Nguyễn Tiến Cường, Phó Tổng Biên tập Báo Công Thương phân tích: "Báo chí cũng là phương tiện để cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân có thể tham khảo những biến động, tác động của chính sách quản lý hay những bài học về thành công và thất bại trên thương trường. Ở chiều ngược lại, dù hoạt động trong lĩnh vực nào, phần lớn doanh nghiệp đều ý thức rất rõ vai trò của báo chí, truyền thông nếu như muốn lớn mạnh và phát triển. Điều này được minh chứng qua một số trường hợp, báo chí giúp doanh nghiệp kịp thời nhận ra những vấn đề thiếu sót để sửa chữa, tránh được thiệt hại trong môi trường cạnh tranh ngày càng gay gắt…"
Thực tế nguồn thông tin từ báo chí hiện là kênh để tham khảo, tìm kiếm cơ hội hợp tác, liên kết kinh doanh hoặc mang tính cảnh báo để các doanh nghiệp phân tích, sàng lọc, quyết định trước những thời điểm quan trọng. Ví dụ như các cảnh báo phòng vệ thương mại tại thị trường xuất khẩu trọng điểm của Việt Nam, những thông tin về ùn tắc nông sản tại các cửa khẩu, thông tin về các thị trường mà nước ta có thực thi các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới…đã góp phần quan trọng giúp các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu đứng vững trước những sóng gió của thị trường.
Nhà báo Nguyễn Tiến Cường khẳng định: “Với độ mở của nền kinh tế nước ta, cơ hội và dư địa phát triển rất lớn nhưng đồng thời doanh nghiệp không những phải chống chọi với biến động của nền kinh tế toàn cầu mà còn phải liên tục nâng cao sức cạnh tranh để tồn tại ngay cả trên thị trường nội địa. Thêm nữa, sức ép về trách nhiệm xã hội của cộng đồng đối với doanh nghiệp, lãnh đạo doanh nghiệp cũng cao hơn trước rất nhiều. Chính vì vậy, một trong những vấn đề quan trọng hiện nay là cần có sự thay đổi tư duy về sự hợp tác, đồng hành giữa doanh nghiệp và báo chí. Chỉ có như vậy mới tạo ra một môi trường chuyên nghiệp cho cả doanh nghiệp và các cơ quan báo chí, truyền thông”.
Đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp trong nước, bà Trần Thị Lan Anh, Tổng thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng khẳng định, vai trò của báo chí đối với sự phát triển của doanh nghiệp cần được xác định là bệ đỡ đưa thương hiệu doanh nghiệp đến với người tiêu dùng, là nhân tố quan trọng góp phần xây dựng môi trường cạnh tranh lành mạnh, bảo vệ công lý, hỗ trợ doanh nghiệp làm ăn chân chính tồn tại và phát triển. Đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, bà Trần Thị Lan Anh nêu các kiến nghị cho hợp tác cụ thể giữa báo chí và doanh nghiệp.
“Cần nâng cao chất lượng thông tin tuyên truyền về kinh tế, doanh nghiệp, doanh nhân để đảm bảo tính khách quan trung thực công bằng, tạo môi trường kinh doanh trong sạch, cạnh tranh lành mạnh, hạn chế các hoạt động tiêu cực và thông tin sai lệch, ảnh hưởng đến doanh nghiệp và môi trường kinh doanh. Cần tăng cường hợp tác doanh nghiệp và báo chí trong các lĩnh vực chuyển đổi số, nhằm nâng cao hiệu quả của báo chí và góp phần xây dựng phát triển Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số...”, bà Trần Thị Lan Anh nhấn mạnh.