Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung khẳng định các liệt sĩ đều có tên tuổi, quê quán, vì thế việc ghi tên bia mộ cần nghiêm túc thực hiện. Với những liệt sĩ chưa xác định được danh tính, cần thống nhất tên trên những tấm bia này là "Liệt sĩ chưa xác định được thông tin"
Tại buổi làm việc với Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) Đào Ngọc Dung về công tác lao động, người có công nhân kỷ niệm 75 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ, diễn ra sáng 5-7 tại TP Hà Nội, đoàn công tác của tỉnh Quảng Trị do Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị Lê Quang Tùng dẫn đầu đã kiến nghị, đề xuất Bộ LĐ-TB-XH quan tâm hỗ trợ trong việc điều chỉnh thông tin trên bia mộ liệt sĩ; chỉnh trang, tôn tạo, nâng cấp Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Trường Sơn và nâng cấp Trung tâm Điều dưỡng người có công…

Đề xuất điều chỉnh thông tin

Liên quan tới việc điều chỉnh thông tin trên bia mộ liệt sĩ mà đoàn công tác tỉnh Quảng Trị kiến nghị, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung nói tỉnh Quảng Trị hãy quyết liệt thực hiện việc đổi tên bia mộ. "Không liệt sĩ nào là vô danh. Các liệt sĩ đều có tên tuổi, quê quán, vì thế việc ghi tên bia mộ cần nghiêm túc thực hiện. Với những liệt sĩ chưa xác định được danh tính, cần thống nhất tên trên những tấm bia này là "Liệt sĩ chưa xác định được thông tin". Bia mộ nên làm với cùng một loại đá, làm đẹp, dày dặn, chữ khắc sâu, rõ ràng" - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh và yêu cầu đến năm 2023, tỉnh Quảng Trị phải hoàn thành việc điều chỉnh thông tin trên bia mộ liệt sĩ. Trong quá trình tu sửa và khắc lại tên trên bia mộ liệt sĩ cần có sự bàn bạc với địa phương. Bộ trưởng đặc biệt lưu ý không để xảy ra tiêu cực trong việc này.

Không liệt sĩ nào là vô danh - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung (ngoài cùng bên trái) cùng đại diện Bộ Quốc phòng nước CHDCND Lào, Bộ Quốc phòng Việt Nam làm lễ di quan đưa các liệt sĩ về nơi an nghỉ tại Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An năm 2017

Trước đó, tại buổi sơ kết của ngành diễn ra sáng 16-7-2020, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng đã yêu cầu các địa phương khẩn trương hoàn thành việc sửa nội dung ghi trên bia mộ liệt sĩ, không để từ "Liệt sĩ vô danh" nữa mà sửa lại là "Liệt sĩ chưa xác định được thông tin". Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: "Chúng ta làm việc này vì lương tâm, vì trách nhiệm và vì danh dự của mình, không phải vì bệnh thành tích hay bất cứ một vấn đề nào khác".

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Lê Tấn Dũng nhiều lần bày tỏ việc định danh tính của liệt sĩ còn thiếu thông tin là nỗi trăn trở của Đảng, Nhà nước, nhân dân và người thân, gia đình liệt sĩ. Trong suốt những năm qua, ngành LĐ-TB-XH phối hợp với Bộ Quốc phòng thực hiện công tác quy tập hài cốt liệt sĩ, lấy mẫu sinh phẩm giám định ADN. "Chúng tôi luôn canh cánh, sẵn sàng vào cuộc để cùng với các địa phương, các ngành, các ban ngành, đoàn thể và toàn thể nhân dân làm hết sức mình để xác định danh tính của liệt sĩ. Mỗi một bia mộ xác định danh tính được gắn lên là lại bớt đi một mộ liệt sĩ chưa biết được thông tin, xoa dịu phần nào nỗi đau mất mát của thân nhân, gia đình liệt sĩ" - Thứ trưởng Lê Tấn Dũng nói.

Còn gần 300.000 liệt sĩ chưa xác định được thông tin

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động vào chiều 7-7, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung cho biết hiện cả nước vẫn còn gần 300.000 người khi sinh ra có tên, có họ nhưng khi hy sinh nằm xuống trên bia mộ chỉ khắc chữ "Liệt sĩ vô danh", "Liệt sĩ chưa biết tên", "Mộ liệt sĩ chưa xác định được thông tin"…

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, vấn đề bia mộ liệt sĩ, tại mục 3 Thông tư liên tịch số 13/2014/TTLT-BLĐTBXH-BTC đã thống nhất: "Đối với những mộ liệt sĩ chưa có đủ các thông tin thì bia mộ chỉ ghi thông tin đã rõ vào dòng tương ứng; trường hợp không có thông tin thì trên bia mộ ghi "Mộ liệt sĩ chưa xác định được thông tin". Ngoài ra tại điểm c, khoản 2 điều 152 Nghị định 131/CP ngày 30-12-2021 quy định chi tiết và biện pháp thi hành Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng cũng đã quy định rõ việc trên bia mộ được ghi thống nhất như sau: Đối với những mộ liệt sĩ chưa có đủ các thông tin theo quy định thì bia mộ chỉ ghi thông tin đã rõ vào dòng tương ứng; trường hợp không có thông tin thì trên bia mộ ghi "Mộ liệt sĩ chưa xác định được thông tin".

Ông Lưu Bình Nhưỡng, Phó Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cho rằng trước đây chúng ta hơi đơn giản khi đặt tên "Liệt sĩ vô danh". "Làm gì có ai là vô danh? Rõ ràng những người hy sinh có tên, có tuổi, có quê quán đàng hoàng, thậm chí nhiều người còn có chức vụ, nên không thể gọi là vô danh được. Ghi "Liệt sĩ vô danh" là không đúng, thậm chí còn là xúc phạm" - ông Lưu Bình Nhưỡng nêu quan điểm.

Theo Phó Ban Dân nguyện Lưu Bình Nhưỡng, ông đồng tình với đề nghị của Bộ trưởng Đào Ngọc Dung rằng không liệt sĩ nào là vô danh. Vì vậy, với những liệt sĩ chưa xác định được danh tính, cần thống nhất tên trên những tấm bia này là "Liệt sĩ chưa xác định được thông tin". "Bản thân gia đình tôi có 2 chú ruột là liệt sĩ, anh ruột mẹ tôi cũng là liệt sĩ. Ba người thân đó của tôi đến nay vẫn chưa tìm được hài cốt. Chính vì vậy, tôi rất thấu hiểu chuyện này. Tôi đã đi khắp các nghĩa trang liệt sĩ trên cả nước, đến các đơn vị quân đội để tìm thông tin nhưng đều không có. Chính vì vậy, tôi chia sẻ, đồng cảm và đồng tình với quan điểm của Bộ trưởng Đào Ngọc Dung về vấn đề ghi bia mộ liệt sĩ" - ông Lưu Bình Nhưỡng nói. 

Theo Ban Chỉ đạo quốc gia về tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ (Ban Chỉ đạo quốc gia 515), từ năm 2013 đến nay, toàn quốc đã tìm kiếm, quy tập được gần 17.000 hài cốt liệt sĩ (trong nước hơn 8.000, tại Lào hơn 2.000 và Campuchia hơn 6.000); tiếp nhận hơn 38.000 mẫu hài cốt liệt sĩ và mẫu sinh phẩm thân nhân liệt sĩ; phân tích, lưu trữ ADN được hơn 23.000 mẫu; xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin hơn 4.000 trường hợp.

Nên lấy ý kiến và giải thích lý do

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp), Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, cho rằng việc thay đổi cách ghi trên bia mộ liệt sĩ cần có sự tham khảo ý kiến các lão thành cách mạng, thân nhân liệt sĩ, lãnh đạo ở các địa phương trên cả nước. Theo ông Hòa, bia liệt sĩ ghi "Liệt sĩ vô danh" đã tồn tại từ hàng chục năm qua. "Vậy bây giờ nguyên nhân, lý do gì mà phải thay đổi, có cần thiết hay không thì Bộ LĐ-TB-XH cũng phải giải thích cho rõ, bởi số lượng bia mộ liệt sĩ vô danh trên cả nước không phải ít và việc này phải dùng đến ngân sách nhà nước" - ông Hòa nêu quan điểm.