Theo quy định của pháp luật về thuế, nếu không trả thuế đúng thời gian, mỗi tháng Khu Liên hợp thể thao Quốc gia Mỹ Đình (Khu LHTTQG) sẽ bị tính thêm khoản “phụ trội” 8% tổng số tiền nợ. Tới thời điểm hiện nay, Cục Thuế Hà Nội công bố số tiền nợ gần 850 tỷ đồng (có thể còn tăng). 

Sân vận động Mỹ Đình thuộc Khu LHTTQG Mỹ Đình. Ảnh: GIA KHÁNH

Sân vận động Mỹ Đình thuộc Khu LHTTQG Mỹ Đình. Ảnh: GIA KHÁNH

Đến ngày 29-6, Khu LHTTQG đã nộp vào ngân sách theo kết luận của cơ quan thanh tra là 47 tỷ đồng. Cơ quan thuế của Hà Nội đã triển khai thực hiện đầy đủ, nghiêm túc theo đúng các quy trình, quy định trong quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế. Áp dụng các biện pháp đôn đốc thu hồi nợ, cưỡng chế nợ thuế như cưỡng chế tài khoản, cưỡng chế hóa đơn, công khai thông tin nợ thuế để thu hồi nợ đọng. Câu hỏi đặt ra, làm thế nào để thu hồi khoản nợ hàng trăm tỷ đồng, giải pháp mà Cục Thuế Hà Nội áp dụng liệu có hiệu quả? Tình huống xấu nhất có thể xảy ra với Khu LHTTQG là bán đấu giá Sân vận động Mỹ Đình và Cung thể thao dưới nước để có tiền trả nợ. Dưới góc nhìn pháp lý, Báo SGGP đã ghi nhận những ý kiến từ giới luật gia. 

Theo luật sư Diệp Năng Bình (Đoàn Luật sư TPHCM), chuyện bán đấu giá sân Mỹ Đình khó, nhưng vẫn có thể xảy ra. Các biện pháp mà Cục Thuế Hà Nội áp dụng để thu hồi khoản nợ thuế là đúng các quy định của pháp luật. Trong vụ việc của Khu LHTTQG, pháp luật đã có những quy định về hành vi nợ thuế. Theo đó, khi doanh nghiệp nợ thuế sẽ bị áp dụng hình thức xử phạt vi phạm hành chính, áp dụng các biện pháp cưỡng chế thuế. Khi doanh nghiệp phá sản, khoản nợ thuế là khoản được ưu tiên thanh toán. Trách nhiệm hình sự được đặt ra khi doanh nghiệp thực hiện hành vi trốn thuế. Còn việc tìm nguồn tiền để trả nợ, trong đó có thể bán đấu giá Sân vận động Mỹ Đình và Cung thể thao dưới nước là hoàn toàn có thể xảy ra. Đối với các biện pháp cưỡng chế thì doanh nghiệp bị áp dụng biện pháp cưỡng chế tiếp theo khi không áp dụng được các biện pháp trước đó hoặc đã áp dụng mà vẫn không đủ tiền thuế nợ, tiền phạt, tiền chậm nộp tiền thuế theo quyết định hành chính thuế. Do vậy có thể thấy theo quy định thì việc bán đấu giá những nơi này hoàn toàn có thể xảy ra. Tuy nhiên, sân vận động quốc gia là bộ mặt của đất nước, do đó, có lẽ ngành thuế cũng xin ý kiến của Quốc hội trước vấn đề này.

Trong khi đó, luật sư Lê Hằng (Hãng Luật TAT Law Firm, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng “cần phải làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu”. Với những đơn vị đặc thù như Khu LHTTQG - đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ tài chính, các hình thức mà Cục Thuế Hà Nội áp dụng không có tác dụng nhiều. Do đó, để truy thu thuế cần xem rõ trách nhiệm của người đứng đầu lãnh đạo đơn vị để xảy ra sai phạm trong hoạt động quản lý, gây thất thoát cho Nhà nước, mới triệt để xử lý sai phạm. Vụ việc cần xử lý sớm bởi trường hợp sai phạm của Khu LHTTQG cần được xác minh, điều tra làm rõ. Nếu vụ việc có dấu hiệu hình sự cần truy cứu trách nhiệm cụ thể của tập thể, cá nhân có sai phạm để xử lý nghiêm minh, tránh lờn luật. Để xảy ra tình trạng phải đóng cửa Khu LHTTQG vì lý do ngoài chuyên môn thể dục thể thao là điều đáng tiếc và cho thấy các tồn đọng trong hoạt động quản lý thời gian dài. Về phương án kê biên tài sản, nguy cơ bán đấu giá các tài sản của Khu LHTTQG là một trong những phương án giải quyết khi không có khả năng thu hồi thuế.

Tuy vậy, nguy cơ này khó xảy ra vì đây là đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức hành chính sự nghiệp, rất khó áp dụng như cơ chế doanh nghiệp nhà nước. Theo quy định hiện nay, việc đấu giá đối với các tài sản công của cơ quan nhà nước vẫn có thể được tiến hành theo Luật Quản lý, sử dụng tài sản công 2017 và Nghị định 151/2017/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn chi tiết thi hành. Tuy vậy, do quá trình quản lý hoạt động của Khu LHTTQG đã xảy ra tình trạng vi phạm kéo dài nên hiện nay để gỡ các nút thắt phải qua từng bước và cần làm rõ để xử lý đúng người, đúng tội theo quy định của pháp luật để thu hồi một phần tài sản đã thất thoát của Nhà nước và không làm ảnh hưởng đến công tác thể dục thể thao trong và ngoài nước.