Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết việc thiếu thuốc tại các bệnh viện trên địa bàn không phải vì sợ đấu thầu. Để giải quyết, Trung tâm mua sắm tập trung có thể đi vào hoạt động ngay trong tháng này.
Trao đổi tại Hội nghị sơ kết hoạt động y tế TP.HCM 6 tháng đầu năm, ông Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế cho hay, Trung tâm mua sắm tập trung dự kiến đi vào hoạt động trong tháng 7, sau khi UBND TP phê duyệt.
Theo ông Thượng, tình trạng thiếu thuốc, vật tư xảy ra ở nhiều địa phương và TP.HCM không phải là ngoại lệ. "Việc mua sắm của các bệnh viện tại TP gặp nhiều khó khăn nhưng không phải vì sợ đấu thầu”, ông Thượng nhấn mạnh.
Ông dẫn chứng, việc thiếu thuốc thuộc danh mục thuốc hiếm nằm ngoài khả năng giải quyết của TP – đó là nguyên nhân khách quan. Về chủ quan, nếu giao cho mỗi một Trung tâm Y tế có quy mô rất nhỏ, nhân lực rất ít, thực hiện đấu thầu sẽ khó đảm trách và làm đúng.
Trung tâm mua sắm tập trung của ngành y tế được cho rằng góp phần giải quyết tình hình trên.
“Cái được trước mắt là giá mua thuốc, vật tư thống nhất giữa các bệnh viện. Thứ 2, chúng tôi kỳ vọng có thể mua được các thuốc mà nếu đứng lẻ 1 bệnh viện sẽ khó đấu thầu được vì số lượng quá ít”, ông Thượng nói.
Sản phẩm đầu tiên của Trung tâm mua sắm tập trung là thuốc cho y tế cơ sở, đặc biệt là trạm y tế. Đồng thời có sự điều phối, tránh tình trạng nơi nhiều thuốc, nơi ít thuốc.
Hiện nay, danh mục thuốc của các trung tâm y tế đã xây dựng xong, chỉ chờ phê duyệt là bắt tay vào thực hiện. Sau đó, từng bước mở rộng danh mục thuốc đấu thầu tập trung, đấu thầu vật tư y tế và trang thiết bị.
Ông Tăng Chí Thượng cho biết, Trung tâm mua sắm tập trung sẽ không thể đứng ra mua từ A-Z cho các bệnh viện, mà chỉ mua những thuốc và vật tư phổ biến, có số lượng lớn. Các loại thuốc, vật tư thiết bị chuyên sâu sẽ để các bệnh viện tự mua sắm theo quy định.
“Trung tâm mua sắm mới thành lập sẽ khắc phục những hạn chế cũ, trong đó có vấn đề nhân sự kiêm nhiệm, chưa chuyên nghiệp như mong muốn”, ông Thượng nói. Từ đó, có thể giải quyết được việc thiếu một số loại thuốc quý hiếm, một số thuốc ít sử dụng hoặc thuốc có ít công ty đấu thầu.
Trong thời gian chờ thành lập Trung tâm, Sở Y tế chỉ đạo các cơ sở y tế đảm bảo cung ứng thuốc, vật tư y tế cho người bệnh bằng nhiều hình thức và sử dụng có hiệu quả các vật tư, thiết bị y tế được phân bổ từ các bệnh viện dã chiến giải thể.
Nhiều công trình y tế chậm tiến độTheo bác sĩ Nguyễn Hoài Nam, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, nguyên nhân chậm tiến độ của nhiều công trình y tế là do biến động giá vật tư, thiếu hụt nhân lực sau dịch Covid-19, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công chậm.
Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm, việc giải ngân vốn đầu tư công các dự án y tế của TP.HCM chỉ đạt 12%, chậm nhất trong vòng 10 năm qua. Đến ngày 4/7, tỷ lệ này mới đạt 28%.
Trong khi đó, sau dịch, công nhân về quê và không quay lại TP khiến cho nhân lực thiếu hụt nghiêm trọng. Ví dụ, dự án lớn như Bệnh viện Đa khoa khu vực Củ Chi có quy mô 13 tầng nổi, 1.000 giường bệnh nhưng khi kiểm tra chỉ có 120 công nhân làm việc, không đáp ứng được thời hạn.
Ngoài ra, khi vật tư tăng giá, có nhà thầu sẵn sàng đền hợp đồng vì lý do “càng làm càng lỗ”.
Tuy nhiên, ngành y tế cũng vô cùng nỗ lực khi đưa vào hoạt động nhiều công trình phục vụ chăm sóc sức khỏe người dân như Bệnh viện Truyền máu - huyết học (cơ sở 2), Trung tâm chuyên sâu tim mạch trẻ em (Bệnh viện Nhi đồng 1), khởi công Trung tâm điều trị kỹ thuật cao (Bệnh viện Nhi đồng 2).