Thượng nguồn hai con sông được chặn dòng, tạo thành hồ Dầu Tiếng và hồ Trị An, làm nhiệm vụ điều tiết nước. Trong đó, Dầu Tiếng là hồ thuỷ lợi được xây dựng từ thập niên 80.
Hồ Dầu Tiếng và hồ Trị An là hai nguồn nước ngọt chính của hơn 10 triệu dân TP HCM, có tổng lượng nước bằng khoảng 5 triệu bể bơi Olympic (830 m3).
Thông qua hai trạm bơm Hoà Phú và Hoá An, nước thô được lấy từ sông chuyển qua các nhà máy xử lý, cung cấp nước tới 94% dân số thành phố. 6% còn lại là nguồn nước ngầm.
Nước thô sau khi xử lý tại hai cụm nhà máy, được phân phối về 2,14 triệu hộ gia đình thông qua mạng lưới đường ống hơn 8.200 km, dài nhất Việt Nam.
Cái giá của sự phát triển
“Có váng dầu ngoài bờ sông”. Thông báo ngắn gọn lúc 6h ngày 20/3/2022 khiến ông Đinh Xuân Hòa tỉnh ngủ, lao đến Trạm bơm Hoá An, cách trung tâm thành phố gần 30 km.
“Đó là chủ nhật căng thẳng nhất trong 33 năm sự nghiệp làm trưởng trạm bơm của tôi”, ông Hòa nói về lần đầu tiên ứng phó sự cố tràn dầu.
5 nhân viên sống gần trạm được huy động. Giám đốc Nhà máy nước Thủ Đức từ trung tâm thành phố lập tức đến hiện trường.
Tại nhà máy tiếp nhận và xử lý nước thô thành nước sạch cách đó 14 km, các nhân viên Phòng Quản lý chất lượng nước cũng được triệu tập. Nước về nhà máy liên tục được lấy mẫu, kiểm tra thành phần trước và sau xử lý, tìm dấu vết dầu.
Kịch bản ứng phó tình huống này vốn được Tổng công ty cấp nước Sài Gòn (SAWACO) chuẩn bị từ 2009, nhưng chưa từng xuất hiện. Sự cố nước sạch sông Đà (Hòa Bình) nhiễm dầu năm 2019 vẫn còn là nỗi ám ảnh với ngành cấp nước. Ông Hòa biết rằng, thảm họa môi trường có xảy ra hay không phụ thuộc hoàn toàn vào tốc độ xử lý lúc này.
Những gợn sóng liên tục đẩy váng dầu trôi qua hai lớp phao ngăn dài 140 m, uy hiếp họng thu nước thô. Hai bờ kè của trạm bơm bị váng dầu phủ đen. Các nhân viên vội vàng thả thêm 175 m phao thấm, hy vọng hút hết dầu quanh họng nước. Nhưng ba lớp phao chưa đủ ngăn tốc độ dòng chảy.
Tại nhà máy, ông Trần Kim Thạch, Trưởng phòng Quản lý Chất lượng nước của SAWACO, liên tục yêu cầu quan trắc nước thô về mỗi 15 phút. Điều ông lo lắng đã đến. Hai trong ba nhà máy phát hiện có dầu trong nước nguồn. Nhưng tình huống chưa phải xấu nhất. Nước qua bể lắng không tạp chất, nghĩa là dầu chưa vào thành bể.
Ngay lập tức, ông Thạch chỉ đạo xả tràn toàn bộ nước trong hệ thống, hy vọng đẩy hết dầu ra ngoài. Sau khi xả khoảng 10.000 m3 trong 2 giờ, nước thô về đã sạch. Các chỉ số quan trắc đạt tiêu chuẩn. Cả nhà máy thở phào.
Những sự cố môi trường như tràn dầu luôn được coi là “quả bom nổ chậm” với bất kỳ hệ thống cấp nước nào, đặc biệt tại TP HCM - nơi nguồn nước phụ thuộc gần như hoàn toàn vào bên ngoài. Dầu thải chỉ mới là sự cố có thể thấy, ngửi được. Thực tế, hàng trăm chất ô nhiễm không mùi, không vị khác đang đe doạ an ninh nguồn nước của thành phố.
Theo báo cáo Hiện trạng môi trường của Bộ Tài nguyên và Môi trường, tổng lượng nước thải công nghiệp và sinh hoạt trên toàn lưu vực sông Đồng Nai năm 2020 tới gần 4,7 triệu m3 mỗi ngày đêm. Riêng lượng nước thải sinh hoạt của lưu vực này đã bằng 1/3 cả nước. Tại sông Sài Gòn, chất lượng nước cũng ngày càng suy giảm qua các năm. Đây là con sông được đánh giá ô nhiễm nặng nhất miền Nam.
GS.TSKH Lê Huy Bá nói: “TP HCM là hạ nguồn lưu vực sông Sài Gòn - Đồng Nai nên nguồn nước phụ thuộc vào từng ‘cái hắt hơi sổ mũi’ của thượng nguồn”.
10 năm qua, lưu vực sông Sài Gòn - Đồng Nai là nguồn “nhiên liệu” giúp Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam trở thành “đầu tàu” phát triển với tốc độ tăng trưởng luôn cao hơn 1,5 lần bình quân cả nước. Chỉ tính riêng 2019, lưu vực này cung cấp hơn 5,1 tỷ m3 nước cho các nhà máy, chiếm 68,3% tổng lượng nước dùng cho công nghiệp Việt Nam. Nhưng đồng thời tải lượng chất ô nhiễm sinh hoạt và công nghiệp đổ xuống hạ nguồn cũng ngày càng tăng.
“Kinh tế và môi trường luôn tỷ lệ nghịch”, ông Bá nói và cho rằng áp lực tăng trưởng GDP của “đầu tàu” kinh tế TP HCM cùng tốc độ gia tăng dân số 2,28%/năm đồng nghĩa với gánh nặng lên tài nguyên thiên nhiên ngày một lớn. Bởi hầu hết lĩnh vực phát triển đều gia tăng nhu cầu sử dụng nước, đặc biệt là quá trình xây mới các khu công nghiệp, khu đô thị…
“Nhiên liệu có giá của nó và cái giá phải trả trong trường hợp này chính là môi trường”, ông Bá đánh giá. Chỉ trong 6 năm, từ 2014 đến 2020, lượng nước thải công nghiệp trên lưu vực này đã tăng 11 lần, từ 111.000 m3 lên 1,21 triệu m3 mỗi ngày đêm. Không chỉ lượng chất thải gia tăng, các loại chất ô nhiễm cũng ngày càng trở nên đa dạng và khó phát hiện hơn.
Biểu đồ chất lượng nước vào và nước ra so với quy chuẩn.
Năm 2021, khảo sát của Trung tâm nghiên cứu châu Á về nước (CARE), Đại học Bách Khoa TP HCM nêu, trên sông Sài Gòn phát hiện những chất ô nhiễm mới, chưa có trong danh mục quan trắc chất lượng nước của cả Bộ Tài nguyên Môi trường và Bộ Y tế. Cụ thể, CARE ghi nhận 106 trong 205 chất ô nhiễm hữu cơ bền vi lượng.
Theo kết quả nghiên cứu được giới thiệu tại một hội thảo hồi tháng 4, một số chất vi lượng có nồng độ cao, phát sinh do công nghiệp, nông nghiệp và sinh hoạt được tìm thấy ở nguồn nước giữa TP HCM, Tây Ninh và Bình Dương; hay thuốc trừ sâu được phát hiện ở thượng nguồn như Tây Ninh, Bình Dương.
“Thành phần này có thể ảnh hưởng đến nguồn nước phục vụ sinh hoạt vì nằm gần điểm lấy nước nguồn của TP HCM”, GS.TS Nguyễn Phước Dân, từ Trung tâm CARE cảnh báo, khi giới thiệu kết quả nghiên cứu và cho biết đã phải gửi mẫu sang Thụy Điển phân tích vì công nghệ của Việt Nam chưa thể phát hiện các chất này.
Điều may mắn là nồng độ các chất được phát hiện còn rất thấp, chưa vượt quy chuẩn quốc tế và chưa gây nguy hại đến sức khoẻ con người. Nhưng đây là chỉ báo quan trọng cho thấy chúng đã xuất hiện trong nguồn nước và không thể chủ quan.
Theo ông Dân, đúng ra, quy hoạch các nhà máy, khu công nghiệp nên đặt ở hạ nguồn sông như TP HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu chứ không phải thượng nguồn như Bình Dương, Tây Ninh bởi có thể ảnh hưởng đến nguồn nước cấp cho hạ du. “TP HCM không thể kiểm soát hoàn toàn chất lượng nước đầu ra”, ông nói, đề cập đến việc quy hoạch khu công nghiệp cần theo vùng chứ không phải theo địa phương như hiện nay.
Theo thạc sĩ Đào Phú Khánh, Phó khoa Sức khỏe Môi trường - Y tế Trường học, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM, chất ô nhiễm hữu cơ bền là loại độc hại nhất trong các chất ô nhiễm. Độc tính của nó thuộc nhóm có khả năng gây ung thư cho con người, khó phân hủy trong môi trường tự nhiên, có khả năng di chuyển và phát tán xa, tích tụ sinh học cao.
Làm công tác giám sát chất lượng nước sinh hoạt tại TP HCM, ông Khánh chưa từng phát hiện loại ô nhiễm này trong nước bởi chúng không thuộc danh mục đánh giá, đồng nghĩa chưa có giá trị giới hạn để đo mức độ an toàn. “Nếu thật sự phát hiện chất này trong nước thô thì phải phân tích cả nước sinh hoạt để đo hàm lượng, đưa vào danh mục quan trắc thường xuyên và đánh giá nguy cơ. Nếu nước sinh hoạt có hàm lượng lớn chất này sẽ rất nguy hiểm”, ông nói.
Hệ thống xử lý nước nhiều rủi ro
Trong khi nguồn nước thô cho TP HCM ngày càng bộc lộ sự thiếu bền vững, hệ thống xử lý và phân phối nước sạch có lịch sử hơn 140 năm cũng chưa theo kịp tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế. Nhất là thiếu sự chuẩn bị cho những tình huống khẩn nguy.
Ông Trần Kim Thạch, Trưởng phòng Quản lý Chất lượng nước cho biết, để khử các chất ô nhiễm trong nước, TP HCM đang sử dụng công nghệ tiền oxy hóa và keo tụ tạo bông nhằm hình thành các cặn lớn. Các bông cặn này sau đó được loại khỏi nguồn qua quá trình lắng và lọc. Nước đầu ra sẽ được dùng thêm clo để khử vi sinh gây bệnh trong đường ống trước khi truyền đến người dân.
“Nước vào chất lượng càng thấp thì càng phải dùng nhiều hoá chất. Cụ thể như nhà máy Tân Hiệp, công suất nước chỉ bằng một nửa nhà máy Thủ Đức, nhưng lượng hóa chất như clo thì gấp 8-10 lần vì nước xấu hơn”, ông lý giải.
Hệ thống này chỉ được thiết kế để xử lý các chỉ tiêu cơ bản. Trong tương lai phải bổ sung thêm các giải pháp công nghệ để ứng phó với biến động về nguồn nước do các hợp chất hữu cơ mới phát hiện (như kháng sinh, hợp chất hữu cơ bền…) để đảm bảo không bỏ sót chất ô nhiễm. Bên cạnh đó, công nghệ hiện nay không thể xử lý được nguồn nước bị nhiễm mặn.
Biểu đồ mức hoá chất sử dụng trong xử lý nước tại SAWACO từ 2015 đến nay
“Nguồn nước của TP HCM ô nhiễm hơn nhiều so với quy chuẩn, nên lượng hóa chất dùng cũng phải cao hơn khá nhiều để xử lý được chất hữu cơ như TOC, COD, amoni…”, ông Thạch giải thích.
Mặc dù đến nay, nước sinh hoạt của TP HCM vẫn đạt tiêu chuẩn của Bộ Y tế, nhưng ông Thạch đánh giá hệ thống xử lý nước còn “cổ điển”, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Cụ thể, nếu hàm lượng amoni tăng cao và tiếp tục dùng clo để khử thì có nguy cơ tạo thành hợp chất mới không mong muốn sau xử lý như nitrit, nitrat - chất khiến trẻ nhỏ tím tái, xanh xao, có thể gây sỏi thận nếu liều lượng cao.
Không chỉ ở quá trình xử lý, hệ thống phân phối nước của TP HCM hiện cũng được đánh giá là lạc hậu.
Năm 2014, TP HCM trải qua một cuộc khủng hoảng nước sạch khi Bộ Y tế phát hiện ba nhà máy nước lớn nhất đều không đạt tiêu chuẩn nước sinh hoạt - chỉ tiêu clo dư dưới ngưỡng quy định; lượng mangan, sắt cao hơn mức cho phép, có khả năng gây nhiễm độc. Hệ quả là nước sinh hoạt một số vùng phía Tây thành phố vàng đục; lượng vi khuẩn coliforms (tác nhân gây tiêu chảy) cao gấp 10 lần cho phép; hoặc vẫn còn vi khuẩn E. coli (nguy cơ gây bệnh đường tiêu hoá) trong nước sạch.
Nguyên nhân sau đó được xác định là áp lực nước trong mạng lưới truyền dẫn không đồng đều - cao ở khu vực gần nhà máy và thấp ở cuối nguồn. Như khu vực TP Thủ Đức, áp lực nước cao nhất lên tới 47,5 m, nhưng huyện Bình Chánh có nơi áp lực chỉ đạt 3 m, thấp hơn 16 lần. Đây là nguyên nhân dẫn đến lắng cặn các chất như sắt, mangan trên đường ống. Khi có sự xáo trộn thuỷ lực, các lắng cặn này sẽ bị quấn theo dòng nước, khiến nước sạch bị đục hoặc có màu.
Áp lực nước tại các khu vực TP HCM, riêng Cần Giờ sử dụng nước ngầm
Một vấn đề nữa là vận tốc nước trong đường ống cũng không đồng đều. Có tuyến ống vận tốc dòng chảy vượt giá trị giới hạn, có nơi lại quá thấp khiến thời gian lưu nước lâu, có thể lên tới 12 giờ, làm lượng clo bốc hơi dần, đến cuối nguồn thì hàm lượng clo dư không đủ để chế ngự vi khuẩn. Đây chính là những điểm yếu điển hình của mạng lưới truyền nước dạng vòng dài hơn 8.200 km của TP HCM - hệ thống có tuổi thọ gần 60 năm tuổi
Theo ông Trần Kim Thạch, thế giới hiện có hai kiểu mạng lưới cấp nước là mạng vòng và mạng xương cá. Mạng xương cá có một trục ống nước chính với các bể chứa dự phòng để cấp nước ra các nhánh nhỏ hơn. Ưu điểm là áp lực nước đồng đều vì có bể chứa, giải quyết được vấn đề lắng cặn chất ô nhiễm, nhưng khó ứng cứu nếu có tình huống ngừng cấp nước theo khu vực.
Ngược lại, mạng vòng có các đường ống nước kết nối qua một hệ thống chung nên dễ ứng cứu nhưng hạn chế là áp lực nước chênh lệch lớn trên toàn hệ thống, đặc biệt tại các điểm xa nhà máy, dễ dẫn tới nước yếu và nhiều lắng cặn.
“Mạng lưới cấp nước của thành phố được xây dựng từ thời Pháp thuộc (1880), trải qua nhiều thời kỳ khác nhau nên thiết kế tương đối cổ điển để đáp ứng các nhu cầu của hiện đại", ông Thạch nói.
Mối lo nước nhiễm mặn
Đề cập đến vấn đề nước nhiễm mặn, ông Trần Duy Khang, Giám đốc Nhà máy nước Tân Hiệp gọi đây là “nỗi ám ảnh” bởi tình huống ông phải đối mặt với sự cố nhiễm mặn nghiêm trọng nhất lịch sử nhà máy, đầu 2016.
Khi đó, độ mặn tại trạm bơm Hòa Phú lên tới hơn 300 mg/l, kéo dài suốt 4 giờ. Trước đây, độ mặn cao nhất cũng chỉ khoảng 200 mg/lít và duy trì trong vòng một giờ nên trạm bơm vẫn có thể “cầm cự” chờ hồ Dầu Tiếng xả nước ngọt xuống để đẩy mặn về biển. Nhưng thời điểm ấy hồ Dầu Tiếng cũng chỉ tích trữ được 76% dung tích, thiếu hụt đến 300 triệu m3.
“Chưa bao giờ chúng tôi gặp tình huống nguy hiểm vậy. Trạm bơm buộc phải ngưng lấy nước thô”, ông Khang kể. “Tệ nhất là các quận, huyện phía Tây TP HCM có thể mất nước kéo dài”.
Hệ thống giám sát chất lượng nước tại nhà máy nước Tân Hiệp thường xuyên phải đối mặt với tình trạng xâm nhập mặn. Ảnh: NVCC
4 giờ nhiễm mặn, điện thoại của ông Khang gần như không nghỉ. Mọi quy trình theo đường công văn đều được rút gọn thành những chỉ đạo nóng trong tình huống khẩn nguy. Trong các nhà máy, chỉ Kênh Đông có thể cấp nước trực tiếp cho mạng lưới dân cư phía Tây thành phố, nhưng công suất tối đa cũng chỉ 150.000 m3, bằng 1/2 tổng công suất nhà máy Tân Hiệp. Nếu mở van để đưa nước từ Nhà máy Thủ Đức qua thì áp lực sẽ rất yếu, nước dễ bị đục.
Giữa hai giải pháp xấu, ông Khang buộc phải chọn cái “đỡ xấu hơn" là chỉ nhận nguồn dự phòng từ Kênh Đông, duy trì công suất vừa phải cho đến khi độ mặn giảm và nhà máy có thể lấy nước trở lại. “May mắn khi đó vẫn cầm cự được. Nếu phải ngưng lấy nước thô 12-16 giờ, có lẽ phải dùng xe để cấp nước như thời bao cấp”, ông nói.
Suốt nhiều tháng sau đó, cả nhà máy Tân Hiệp luôn trong tình trạng “căng như dây đàn”. Từ tháng 1 đến tháng 3, trạm bơm Hòa Phú phải ngưng lấy nước thô 15 lần khi độ mặn cao.
Mùa mặn năm đó qua đi trong tiếng thở phào của nhân viên nhà máy khi không để người dân khát nước, nhưng để lại bài học “xương máu" về phương án ứng cứu trong tình huống khẩn nguy.
Toàn TP HCM có hai vùng cấp nước lớn - phía Đông do Nhà máy nước Thủ Đức phụ trách, lấy nước từ sông Đồng Nai; phía Tây được Nhà máy nước Tân Hiệp quản lý, dùng nước của sông Sài Gòn. Trong khi khu Đông thành phố có nguồn nước ổn định, phía Tây đang phải đối mặt với hai thách thức song song là ô nhiễm nguồn nước sông và nước nhiễm mặn. Cứ vào mùa khô, gần 800.000 hộ ở 11 quận, huyện phía Tây (chiếm khoảng 36% số hộ dân trên địa bàn) lại thấp thỏm chờ thông báo ngưng hoạt động của Nhà máy nước Tân Hiệp.
Bài học “xương máu” năm 2016 khiến Nhà máy nước Tân Hiệp phải củng cố lại quy trình và hệ thống chiến đấu với xâm nhập mặn: ký lại hợp đồng ràng buộc với hồ Dầu Tiếng với kinh phí 4 tỷ mỗi năm để đảm bảo luôn xả nước khi yêu cầu, thấp nhất là 30 m3/s và cao nhất lên tới 150 m3/s. Ba bể chứa nước sạch cũng được xây dựng để trữ nước trong 6-7 giờ nếu nhà máy phải ngưng lấy nước trên sông.
“Chúng tôi phải sẵn sàng cho một năm 2016 khác trong tương lai", ông Khang nói.
Kịch bản biến đổi khí hậu mới công bố năm 2021 của Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu (IPCC) dự báo, lượng mưa ở lưu vực sông Đồng Nai có xu thế tăng đến cuối thế kỷ, nghĩa là lượng nước sông sẽ tăng. Các chuyên gia cho rằng điều này không hẳn là tin vui bởi nước biển cũng sẽ dâng, dẫn đến nguy cơ nước mặn lấn sâu hơn vào đất liền.
Trong cuộc “đối đầu” giữa nước mặn từ biển vào và nước ngọt từ sông chảy ra, nơi chịu thiệt hại lớn nhất là các trạm bơm nước ngọt hạ nguồn. Khi nguồn nước bị nhiễm mặn, hệ thống xử lý hiện tại không thể khử mặn nên sẽ phải ngừng lấy nước cho đến khi có nước ngọt trở lại. Mặc dù trữ lượng nước được dự báo tăng trong tương lai, tuy nhiên sự phân bố không đều về tổng lượng nước theo mùa trong năm cũng làm tăng nguy cơ thiếu nước cho TP HCM.
“Mối lo tương lai của TP HCM không phải là thiếu nước, mà là có nhiều nước, nhưng không dùng được”, PGS.TS Đào Nguyên Khôi, Trưởng khoa Môi trường, Đại học Khoa học Tự nhiên TP HCM, nói và cho rằng đô thị nằm ở hạ lưu này phải chuẩn bị cho một tương lai đầy nghịch lý - càng nhiều nước, càng thiếu nước.
Dự báo nồng độ mặn tại TP HCM khi triều lên.
Ông Khôi cho biết theo các kịch bản nước biển dâng, trong trường hợp bất lợi nhất, lưu vực sông Sài Gòn - Đồng Nai chịu ảnh hưởng bởi cả hạn, mặn kéo dài vào mùa khô. Như vụ việc năm 2016, nồng độ mặn tại ba trạm bơm trong thành phố đều sẽ vượt quy chuẩn cấp nước sinh hoạt, trong đó trạm Hòa Phú và Bình An chịu ảnh hưởng nhiều nhất.
“Trữ lượng có thể tăng, nhưng nếu chất lượng không thể dùng được thì vô nghĩa”, ông nói.
Ô nhiễm nguồn nước thô, hệ thống xử lý nước chưa theo kịp tốc độ phát triển kinh tế, và nước nhiễm mặn do biến đổi khí hậu đang là những nguy cơ đe doạ an ninh nguồn nước của TP HCM. Sự phụ thuộc của hạ nguồn cùng những rủi ro hiện hữu khiến nguồn sống của đô thị 10 triệu dân có thể diễn biến xấu đi. Bởi, nhu cầu phát triển kinh tế và dân cư liên tục tăng, đồng nghĩa lượng nước thải ra môi trường ngày càng nhiều.
“An toàn nguồn nước của TP HCM đang ở mức lằn ranh, bắt đầu báo động và chúng ta phải có hành động sớm", tiến sĩ Đào Nguyên Khôi cảnh báo.
*Dữ liệu từ Tổng công ty cấp nước Sài Gòn (SAWACO); Báo cáo hiện trạng môi trường các năm của Bộ Tài nguyên và Môi trường; Nghiên cứu của PGS.TS Đào Nguyên Khôi và đồng nghiệp.