Ngày 28/7, Báo Người Lao Động tổ chức lễ kỷ niệm 47 năm Ngày thành lập (28/7/1975 – 28/7/2022); cũng tại Lễ kỷ niệm Cổng thu phí đọc báo điện tử của báo chính thức ra mắt bạn đọc.
Tổng Biên tập Báo Người Lao Động cho biết năm nay tròn 47 tuổi, song nếu tính đủ thì tuổi đời của Báo Người Lao Động, tiền thân là Báo Công nhân giải phóng, dài hơn thế.
Trong những ngày mưa bom bão đạn chiến tranh chống Mỹ cứu nước, lực lượng công nhân - lao động Sài Gòn đã sớm được trang bị vũ khí trên mặt trận tư tưởng. Đó là Báo Công nhân giải phóng, ra đời vào năm 1965 theo chỉ đạo của Đặc Khu ủy Sài Gòn - Gia Định, trở thành tiếng nói của Liên hiệp Công đoàn giải phóng Sài Gòn - Gia Định.
Phải ngưng xuất bản vào năm 1967 do thành viên chủ lực trong Ban Biên tập là ông Đinh Khắc Cần (tức Hai Cần) bị địch bắt, 8 năm sau, vào ngày 28/7/1975, Báo Công nhân giải phóng được tái lập, chính thức trở lại với bạn đọc trong vai trò mới, vị thế mới. Đĩnh đạc, mạnh mẽ và giàu bản sắc, Công nhân giải phóng đã trở thành một tờ báo quan trọng của TP HCM trong suốt 15 năm.
Đến ngày 28/7/1990, Công nhân giải phóng được đổi tên thành Người Lao Động, xuất bản 1 kỳ/tuần, mỗi số 8 trang.
Người Lao Động là tờ báo đi đầu ở TP HCM về cách mạng số hóa. Từ rất sớm, ngày 27/7/2001, website Người lao Động Online đã trình làng, làm nền tảng cho báo điện tử Người Lao Động phát triển mạnh mẽ hiện nay. Cùng với đó là tuần san Thế giới @ (về tin học, điện tử, viễn thông), một thời được độc giả háo hức chờ mua.
Nhà báo Tô Đình Tuân khẳng định ban lãnh đạo báo qua các thời kỳ đều đau đáu và kiên định mục tiêu kép: vừa làm tốt nhiệm vụ chính trị của một tờ báo lớn; vừa phát triển Người Lao Động thành tờ báo mạnh để đứng vững trên thị trường, từ đó tạo ra nguồn thu bảo đảm đời sống khấm khá cho đội ngũ để toàn thể cán bộ - phóng viên - nhân viên yên tâm làm việc, cống hiến.
Từ năm 2020 đến năm 2022, mặc dù gặp rất nhiều trở ngại và chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19 nhưng tập thể Báo Người Lao Động không chùn bước, thậm chí đẩy mạnh hơn nữa khí thế tiến công để giữ vững vị thế, đồng thời tạo sức bật mới.
Chương trình "Một triệu lá cờ Tổ quốc cùng ngư dân bám biển" với cột mốc ấn tượng với con số 1.084.220 lá cờ Tổ quốc - đã vượt kế hoạch "Một triệu lá cờ Tổ quốc cùng ngư dân bám biển" đề ra.
"Tất cả những gì tập thể chúng tôi nỗ lực thực hiện đều nhằm mục tiêu phát triển ngày càng xa hơn, lên tầm cao hơn của thương hiệu Báo Người Lao Động. Sự cố gắng ấy đã đem lại hoa thơm trái ngọt, đó là rất nhiều giải thưởng báo chí quốc gia và báo chí TP HCM, báo chí các bộ - ban - ngành - địa phương trong mấy năm gần đây. Và trên tất cả, đó chính là sự tin yêu ngày càng lớn hơn của bạn đọc dành cho Báo Người Lao Động" - Tổng Biên tập Báo Người Lao Động vui mừng chia sẻ.
Tại Lễ kỷ niệm Cổng thu phí đọc báo điện tử của báo chính thức ra mắt bạn đọc, mục tiêu của báo là xây dựng phân khúc bạn đọc trung thành, sẵn sàng bỏ tiền để đọc những nội dung hữu ích. Đó là những sản phẩm báo chí "đặc biệt" (special), bao gồm: bài viết chuyên sâu, chất lượng và phù hợp với từng nhóm độc giả; bài viết theo thị hiếu, nhu cầu của khách hàng (xây dựng thông qua tương tác thường xuyên, khảo sát ý kiến bạn đọc định kỳ).