Tuy nhiên, việc dán thẻ không dừng hiện nay vẫn còn 1 số bất cập khiến nguy cơ hoàn thành công nghệ thu phí không dừng ở tất cả các tuyến đường thu phí trở nên khó khả thi? Người dân nên làm gì để chủ động trong các tình huống gặp phải khi đối diện với thách thức này?
Từ 1/8, người khiển xe ô tô không dán thẻ thu phí tự động hoặc xe có dán thẻ nhưng tiền trong tài khoản không đủ để thanh toán phí, khi đi vào đường cao tốc sẽ bị phạt tiền 2-3 triệu đồng, và còn bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 1-3 tháng.
Những chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Bộ GTVT cũng bởi những lợi ích của thu phí tự động không dừng mang lại là rất lớn.
Đó không chỉ là câu chuyện giúp người dân và doanh nghiệp tiết kiệm thời gian và chi phí, giảm được ùn tắc trầm trọng ở trạm thu phí, mà nó còn khiến việc thu phí được minh bạch, tạo niềm tin cho người dân; giảm thói quen sử dụng tiền mặt…
"Cao tốc đừng can thiệp vô người thu tiền nó sẽ nhanh, nó qua thì nó dỡ nó qua nó dỡ rất là nhanh. Còn thí dụ như người thu tiền phải chờ thối nữa, nó lâu".
"Thấy kiểu nó cũng ổn, đỡ kẹt xe hơn".
"Nói chung cái đó thì nên lắp, tại vì hiệu quả chống ùn tắc nhiều. Cũng tiện mà, thấy dán cái tem là xong, thấy đơn giản, nhanh gọn".
Theo Bộ GTVT, toàn quốc có 157 trạm cần triển khai thu phí không dừng, với 915 làn thu phí. Trong đó, có 16 trạm với 98 làn được phép không triển khai hoặc lùi thời gian do một số nguyên nhân như điều kiện triển khai không hiệu quả, người dân phản đối do vị trí trạm chưa hợp lý...
Tại TP.HCM, hiện các nhà đầu tư đã hoàn thành việc lắp đặt các trạm thu phí không dừng theo đúng thời hạn. Cụ thể, đối với Trạm An Sương - An Lạc hiện còn 4/25 làn còn lại của trạm. Chủ đầu tư đang hoàn chỉnh lắp đặt.
Tương tự, đối với trạm BOT xa lộ Hà Nội hiện còn 8/16 làn. Hiện nay, chủ đầu tư đã lắp đặt xong, đang vận hành thử và cũng đảm bảo hoạt động trước 31/7.
Ông Dương Quang Châu (Giám đốc Công ty Cổ phần BOT xa lộ Hà Nội) thông tin: “Chúng tôi đầu tư thêm 8 cửa thu phí không dừng nữa và sau đó sẽ hoạt động như yêu cầu của Chính phủ là bao gồm 14 cửa thu phí không dừng và 2 cửa thu phí hỗn hợp. Và đến bây giờ, các công tác đó về phía doanh nghiệp là chúng tôi đã chuẩn bị xong”.
Sáng 26/7 vừa qua, cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây chính thức khai thác, vận hành hệ thống thu phí tự động không dừng ETC. Đây là tuyến cao tốc đầu tiên tại khu vực phía Nam đưa ETC vào sử dụng.
Trước đó 6 ngày, VEC và Tasco đã hoàn thành, đưa vào vận hành đồng bộ hệ thống ETC tại tất cả các trạm thu phí tuyến Cầu Giẽ - Ninh Bình. Hệ thống ETC cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây có quy mô lắp đặt 25 làn ETC, tại 3 trạm thu phí Long Phước, Quốc Lộ 51, Dầu Giây.
Ông Phạm Hồng Quang (Tổng công ty đầu tư và phát triển đường cao tốc Việt Nam) từ đầu tháng 8 toàn tuyến bắt đầu thu phí không dừng, song giai đoạn đầu sẽ bố trí một làn riêng nhằm giải quyết các sự cố phát sinh. Hiện, đơn vị tạm thời phát thẻ giấy, thu tiền các xe chưa có ETC và dán thẻ miễn phí ở khu vực gần trạm thu phí đến 1/8.
“Sau ngày 1/8 thì chúng tôi sẽ tổ chức thu phí không dừng, chỉ tồn tại 1 làn đặc biệt để xử lý những trường hợp đặc biệt. Trường hợp đặc biệt có thể là không đọc được thẻ, hoặc là thẻ không đủ cái tài khoản không để thanh toán cho chặng đường đã đi, hoặc là 1 số chặng đường đặc biệt khác thì chúng tôi không sử dụng cái hệ thống xé vé giấy và thu tiền mặt tại làn nữa”, ông Phạm Hồng Quang cho biết.
Cũng theo ông Quang, trường hợp chưa dán thẻ hoặc số dư tài khoản không đủ, đơn vị tạm thời cho chạy qua một lần, hệ thống sẽ lưu lại biển số và lần sau nếu vẫn chưa đủ điều kiện sẽ thông báo cho lực lượng CSGT xử lý.
Thiếu tá Hoàng Xuân Ân – đội trưởng đội tuần tra kiểm soát giao thông số 6 (thuộc Cục Cảnh sát giao thông) cho biết sẽ cử lực lượng tuần tra tại trạm để xử phạt nghiêm đối với các trường hợp không đủ điều kiện đi vào làn ETC: “Phương tiện lưu thông ở trên tuyến mà cố tình chưa dán thẻ ETC đi vào mà gây ùn ứ thì chúng tôi sẽ xử lý đúng theo quy định của pháp luật, đối với các hành vi được quy định của luật giao thông đường bộ, cũng như Nghị định 100, cũng như Nghị định 123”.
Thống kê của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, cả nước hiện có hơn 3 triệu trong tổng số gần 5 triệu xe ô tô trong cả nước dán thẻ và sử dụng dịch vụ thu phí tự động không dừng. Riêng tỷ lệ dán thẻ thu phí tự động tại khu vực phía Nam chỉ đạt khoảng 50%.
Theo phản ánh từ các tài xế, hệ thống ETC vẫn còn tình trạng thiết bị tại làn vào và làn ra không đọc được thẻ, khiến nhân viên phải xử lý thủ công, mất nhiều thời gian. Với loại thẻ Etag của nhà cung cấp dịch vụ VETC, nhiều khách hàng đã có phản ánh về tình trạng không nạp được tiền vào tài khoản.
Có những trường hợp, lệnh chuyển tiền đã thành công, tài khoản ngân hàng đã bị trừ tiền nhưng tài khoản ETC chưa có tiền. Với loại thẻ ePass, nhiều thời điểm nhân viên vận hành không thể đăng nhập hoặc không tra cứu được số dư tài khoản…..
Trước tình trạng này, Bộ GTVT đã yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ khắc phục triệt để những lỗi kỹ thuật trong vận hành hệ thống.
Ngoài ra, các địa phương áp dụng chế tài đối với xe chưa dán thẻ ETC nhưng cố tình đi vào làn đường dành riêng thu phí ETC, hoặc chủ phương tiện có dán thẻ nhưng trong tài khoản không đủ tiền thanh toán.
Nếu không có sự chuẩn bị tốt để hệ thống vận hành trơn tru, kể cả khi mục tiêu lắp đặt hệ thống ETC đã hoàn thành như kế hoạch, thì hiệu quả dự án mang lại cũng không cao.
Điều đó đồng nghĩa, các mục tiêu mà Chính phủ đề ra và người dân kỳ vọng là minh bạch tài chính trong quá trình thu phí sử dụng đường bộ, tăng năng lực lưu thông, hạn chế ùn ứ phương tiện vào những dịp cao điểm... vẫn chưa đạt được.
Tiếp tục luận bàn về vấn đề này, góc nhìn của VOV Giao thông qua bài bình luận: “Thu phí không dừng: Phải xử lý dứt điểm các lỗi”.
Như vậy là sau nhiều lần trì hoãn, đến thời điểm 1/8, ở tất cả các tuyến cao tốc tại nước ta sẽ đồng loạt áp dụng thu phí tự động không dừng. Đây là việc làm cần thiết, thể hiện sự quyết tâm của cả nhà chức trách, doanh nghiệp và người dân.
Đối với các tuyến đường thu phí, đường BOT bấy lâu nay vốn đã mang tiếng lùm xùm về thời hạn thu, thời gian thu; kể cả giá thu.
Dư luận lên tiếng, lái xe bức xúc, cơ quan quản lý nhà nước vào cuộc thanh tra, kiểm tra, tổ chức kiểm đếm nhưng cũng rất khó để tính toán đầy đủ khi mà vẫn thu phí theo kiểu thủ công, trả bằng tiền mặt. Đơn vị BOT cũng muốn mọi việc được công khai nhưng cũng không có đủ cơ sở để chứng minh.
Chính vì vậy, công nghệ thu phí tự động không dừng sẽ góp phần minh bạch lưu lượng xe qua lại; số tiền thu về. Tất cả sẽ thể hiện trên máy móc thiết bị, nhận diện, đo đếm chính xác để biết rõ con đường này thu bao nhiêu năm là đủ đảm bảo cho nhà đầu tư có lãi; giá phí thế nào là hợp lý nhất.
Đặc biệt là nếu áp dụng đồng loạt bằng công nghệ tự động, xe ra vào sẽ không phải dừng lại trả tiền; góp phần giảm thời gian chờ đợi, tránh được gây ùn tắc ở các trạm. Ích lợi rõ ràng là vậy, nhưng để áp dụng công nghệ này, hơn 5 năm qua đã có nhiều lần đưa ra nhưng đều không thành công.
Ngay các chủ doanh nghiệp, lái xe nhiều người cũng chưa mặn mà vì có quá nhiều bất cập. Các chủ đầu tư các con đường; đơn vị giao thu phí cũng ngần ngại; quản lý nhà nước thì vẫn chưa triệt để . Khiến tiến độ liên tục phải nới ra.
Điều này chứng minh, để áp dụng một công nghệ mới vào các vấn đề dân sinh, đôi khi trở thành thói quen, chưa kể có cả yếu tố tiêu cực tác động, nếu không làm đến nơi đến chốn; áp dụng sòng phẳng sẽ dẫn đến trì trệ và có nguy cơ phá sản.
Tuy nhiên, qua quan sát áp dụng chính thức thu phí tự động không dừng tại đường cao tốc Long Thành - Dầu Giây, tuyến đường có lưu lượng xe qua lại nhiều nhất cả nước, chúng tôi nhận thấy có rất nhiều trục trặc phải khắc phục.
Số lượng xe chưa dán thẻ tự động không dừng còn nhiều; dán thẻ rồi nhưng trong tài khoản không còn đủ số tiền để trả phí; tình trạng xe qua trạm nhưng máy móc bị lỗi không nhận diện được nên phải thu thủ công nhưng sau đó tài khoản vẫn bị trừ.
Chưa kể việc dán thẻ tự động không phải lúc nào cũng dễ dàng thuận lợi; app, mạng tải về nhiều lúc cũng bị nghẽn.
Đó là chưa kể nhiều người đi dán thẻ mới biết biển số xe mình đã bị đánh cắp. Một thực tế nữa là, một xe đi qua nhiều trạm, nếu quên không nạp nhiều tiền vào tài khoản đến lúc chi trả mà hết tiền mà chạy vào làn tự động thì không biết có bị phạt hay không?
Lái xe nhiều người đi làm thuê, không phải ai cũng được chủ doanh nghiệp tính đúng, tính đủ; tạo và chuyển tiền vào tài khoản từ trước mà phải tự làm, tự bỏ tiền túi về thanh toán sau. App ngân hàng điện tử hay ví điện tử nhiều lúc cũng “ quay vòng vòng”, không sao đăng nhập được vv…
Đây chính là những khó khăn, thách thức nổi cộm, cần các nhà quản lý, các đơn vị thu phí, đơn vị cung cấp công nghệ phải giải quyết dứt điểm; không để cho lái xe, doanh nghiệp và người chi trả bức xúc.
Quá trình làm có thể bước đầu sẽ có lúng túng, chưa đồng bộ nhưng phải sớm được sửa chữa, không để kéo dài; nhất là chất lượng đường sá thu phí phải luôn được đảm bảo.
Để mỗi người dân khi phải trả thu phí tự động không dừng đều thấy thuận tiện và đúng là văn minh, hiện đại hơn. Về phía người điều khiển phương tiện, khi lái xe ở các tuyến đường có thu phí nên có tâm thế sẵn sàng cho việc chi trả thu phí tự động không dừng; hiểu rõ điều này không chỉ ích lợi cho cộng đồng mà cả bản thân để có lộ trình nhanh hơn, thuận lợi hơn.
Thu phí tự động không dừng phải xử lý dứt điểm các lỗi.