Liên hoan Phát thanh toàn quốc lần thứ XV được đánh giá là thành công toàn diện, thể hiện được vị trí, vai trò quan trọng của phát thanh. Không chỉ mang lại nhiều cảm xúc lắng đọng, qua đây còn thấy ngọn lửa yêu nghề, tinh thần đổi mới, cống hiến không ngừng của những người làm phát thanh.
Liên hoan Phát thanh toàn quốc lần thứ XV - năm 2022 được đánh giá là một kỳ Liên hoan thành công ở nhiều phương diện, cả về chất lượng các tác phẩm, cả về quy mô tổ chức. Kỳ Liên hoan lần này cũng để lại nhiều cảm xúc, ấn tượng tốt đẹp với những người làm phát thanh trên cả nước bởi sự chuẩn bị chu đáo, trách nhiệm và mến khách của thành phố mang tên Bác – Thành phố Hồ Chí Minh.
Những tác phẩm lọt vào chung khảo trong kỳ Liên hoan Phát thanh toàn quốc lần này thực sự ấn tượng, thể hiện sự quan tâm, đầu tư công phu, chuyên nghiệp và sự tìm tòi, sáng tạo của các đài phát thanh, truyền hình trong cả nước. Từ đó tạo ra những hiệu ứng xã hội tích cực để phát thanh ngày càng gắn bó mật thiết hơn, gần gũi hơn với công chúng trong đời sống xã hội.
Tổng Giám đốc Đài TNVN (VOV) Đỗ Tiến Sỹ khẳng định, đây là kỳ liên hoan ghi nhận nhiều kỷ lục nhất, với nhiều đoàn tham gia nhất, số lượng đại biểu tham dự đông nhất, số tác phẩm dự thi nhiều nhất, nhiều hạng mục giải thưởng nhất và số lượng giải thưởng nhiều nhất.
"Các tác phẩm tham dự Liên hoan lần này có chất lượng vượt trội cả về nội dung lẫn hình thức. Đa số tác phẩm được đầu tư công phu, sáng tạo, thể hiện được những thế mạnh của phát thanh trong việc tìm kiếm và phát hiện đề tài, sử dụng ngôn ngữ, tiếng động, âm nhạc... Nhiều đơn vị đã thể hiện những phương thức sản xuất mới, những cách làm phát thanh hiện đại thể hiện đúng tinh thần chủ đề của liên hoan là “Linh hoạt chuyển đổi - thích ứng vượt lên” Tổng Giám đốc Đài TNVN chia sẻ.
Còn theo nhà báo Võ Văn Quý– Phó giám đốc Đài Phát thanh–Truyền hình Tây Ninh: Qua nhiều kỳ liên hoan tôi thấy rằng năm nay chất lượng được nâng lên rất nhiều, đặc biệt là thể loại phát thanh trực tiếp, tôi thấy rằng các tác phẩm đều được đầu tư bài bản, công phu, tỉ mỉ. Việc ứng dụng công nghệ số vào nền tảng phát thanh được các đơn vị chú trọng vì thế tác phẩm tạo được hiệu quả, phát huy lợi thế của loại hình phát thanh.
Thực tế cho thấy, đã có nhiều đơn vị ứng dụng nền tảng kỹ thuật số rất tốt như: Đài PT-TH Hải Phòng, Phú Thọ, Tây Ninh, các ban của VOV, đặc biệt là VOV5, VOV2 và rất nhiều những đơn vị khác, họ đều đưa các ứng dụng công nghệ nền tảng mới cho sản phẩm của mình và đạt được hiệu quả tuyên truyền tốt.
Ngoài ra, các đơn vị cũng lựa chọn các đề tài rất phong phú và đa dạng phản ánh mọi mặt của đời sống kinh tế xã hội, đặc biệt là các vấn đề nóng đang được dư luận quan tâm. Mỗi đài lại lựa chọn những góc nhìn khác nhau, cách khai thác khác nhau, lựa chọn những chi tiết đắt, nhân vật có nhiều điểm đặc biệt…
Bên cạnh đó, có những đề tài gai góc như phòng chống tham nhũng, lãng phí cũng được đưa ra khai thác theo hướng xây dựng, giải quyết tận gốc vấn đề, không có vùng cấm. Nhiều đề tài mang tính phải phản biện các vấn đề còn tồn tại trong công tác quản lý của các cấp các ngành, chính quyền như: tác phẩm “Thương hiệu OCOP - Đừng là những chiếc áo may vội” của Đài PT-TH Nghệ An nói về việc cấp thương hiệu OCOP không được chặt chẽ.
Chia sẻ về lần tham gia của đơn vị mình lần này, nhà báo Võ Văn Quý, Phó Giám đốc Đài PT-TH Tây Ninh cho biết: Năm nay ở đài tỉnh cũng có sự đầu tư về nội dung và hình thức thể hiện, quan tâm đưa các ứng dụng công nghệ kỹ thuật vào sản xuất, chúng tôi coi việc chuyển đổi số là một nhiệm vụ sống còn. Ngoài ra, đài cũng đặc biệt chú trọng đến nâng cao chất lượng của đội ngũ biên tập viên và các MC, tất cả được đào tạo bài bản, nhờ vậy năm nay được ban giám khảo đánh giá cao.
Đại diện cho người làm phát thanh khu vực phía tây bắc của tổ quốc, nhà báo Trần Thu Hiền, Đài Phát thanh - Truyền hình Lào Cai thì cho rằng: "Tôi đã tham gia rất nhiều kỳ liên hoan phát thanh toàn quốc nhưng cảm xúc dịp này thì rất khác biệt. Qua đây, chúng tôi học hỏi được nhiều điều từ các đồng nghiệp đang làm việc tại VOV và các đài phát thanh truyền hình các tỉnh, thành. Tôi đã có thêm nhiều kinh nghiệm và bài học mới có thể áp dụng cho việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của mình".
Tuy nhiên để giữ vững và phát huy được những giá trị của phát thanh, nhà báo Võ Văn Quý cho rằng: Để đáp ứng được xu thế tương lai, phát thanh cũng phải tự đổi mới phương thức sản xuất, hoạt động. Người làm phát thanh phải biết ứng dụng các nền tảng đa công nghệ, sử dụng các thiết bị hiện đại hơn chứ không chỉ đơn thuần như trước đây như vậy mới phát huy thế mạnh của phát thanh.
“Không nên đưa âm thanh của tác phẩm truyền hình sang phát thanh vì hai loại hình có những thế mạnh khác nhau. Người làm phát thanh cũng cần cập nhật những thông tin mới mẻ, khai thác sâu hơn những vấn đề nóng mà dư luận, xã hội đang quan tâm. Có như vậy mới chạy đua được với mạng xã hội, tuy nhiên người làm phát thanh cũng phải có tính phản biện, biết phân tích, có tính đánh giá khách quan về mọi vấn đề” nhà báo Võ Văn Quý chia sẻ.