Hôm nay (8/8) đánh dấu tròn 55 ngày thành lập ASEAN. Với Việt Nam, hành trình hội nhập mới chỉ trải qua 27 năm, song đã có nhiều đóng góp và ngày càng in đậm dấu ấn trong cộng đồng các quốc gia Đông Nam Á.
Vị thế ngày càng nổi bật
Ngày 28/7/1995, tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 28 (AMM-28) ở Brunei, Việt Nam chính thức gia nhập ASEAN và trở thành thành viên thứ 7 của tổ chức này. Đây là quyết định mang tính lịch sử, mở ra một thời kỳ phát triển mới của Việt Nam với những bước hội nhập nhanh chóng và tham gia sâu rộng vào tất cả các lĩnh vực hợp tác của ASEAN.
Thực tế, sự kiện gia nhập ASEAN chính là bước hội nhập kinh tế quốc tế đầu tiên của Việt Nam, có thể nói dấu ấn còn khá mờ nhạt trong giai đoạn đầu tiên. Nhưng đây chính là nền tảng để Việt Nam thúc đẩy chủ trương hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng sau này, để rồi đã ghi dấu ấn đậm nét về mọi mặt trong khu vực và trên thế giới.
Về kinh tế, trong 27 năm qua, Việt Nam luôn cam kết rất mạnh mẽ để đóng góp vào sự phát triển chung của ASEAN. Cho đến nay, Khu vực thương mại tự do ASEAN là một trong những khuôn khổ hợp tác mà Việt Nam có cam kết mở cửa thị trường hàng hóa mạnh mẽ nhất. Tỷ lệ xóa bỏ thuế nhập khẩu của Việt Nam đối với các nước ASEAN đạt 98%, gần như ngang bằng với tỷ lệ các nước ASEAN khác xóa bỏ cho Việt Nam (98,7%). Điều này cho thấy, sự hợp tác của Việt Nam trong nền kinh tế chung ASEAN là rất cân bằng, rất đáng để tự hào.
Việt Nam cũng có sự đóng góp rất lớn vào thành công của ASEAN trong các hiệp định thương mại tự do (FTA) với các đối tác trong khu vực và trên thế giới. Trong số 15 FTA mà Việt Nam đã ký kết, có đến 8 hiệp định thuộc khuôn khổ hợp tác chung với ASEAN.
Sự kiện nổi bật và ghi dấu ấn rất lớn của Việt Nam là khi ASEAN cùng 5 nước đối tác gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc và New Zealand ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) vào năm 2020, thời điểm mà Việt Nam đang giữ cương vị Chủ tịch ASEAN.
Sự kiện này đã giúp Việt Nam tạo ra một dấu ấn lớn trong tiến trình hội nhập quốc tế. Đây là một hiệp định mang tầm vóc toàn cầu, thậm chí có quy mô lớn nhất thế giới xét về dân số (khoảng 2,2 tỷ người). Cũng chính nhờ RCEP mà Việt Nam đã giành được rất nhiều lợi ích và tiềm năng phát triển trong chuỗi giá trị khổng lồ này.
Việc hội nhập ASEAN không chỉ mang lại vị thế lớn cho Việt Nam, mà còn đem lại những lợi ích kinh tế rất cụ thể. Từ khi gia nhập ASEAN cho đến năm 2021, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc tăng từ hơn 3 tỷ USD lên gần 56 tỷ USD; xuất khẩu sang Hàn Quốc tăng từ 664 triệu USD lên 21,9 tỷ USD; xuất khẩu sang Nhật Bản tăng từ mức 8,5 tỷ USD lên 20,1 tỷ USD…
Tính chung, GDP bình quân đầu người của Việt Nam đạt 289 USD vào năm 1995, thì đến năm 2020 con số này đã là 3.520 USD, tăng hơn 12 lần. Quy mô nền kinh tế tăng gần 17 lần, từ 20,8 tỷ USD vào năm 1995 lên khoảng 343 tỷ USD vào năm 2020, đứng thứ tư trong khu vực ASEAN (chỉ sau Indonesia, Thái Lan và Philippines). Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam nói chung cũng đã tăng từ 5,2 tỷ USD vào năm 1995 lên 283 tỷ USD vào năm 2020.
Tất nhiên, những đóng góp và lợi ích của Việt Nam trong ASEAN không chỉ được thể hiện bằng những con số, mà còn nhiều yếu tố khó đong đếm khác. Nhờ hòa mình vào một cộng đồng năng động, Việt Nam vô hình chung cũng có rất nhiều động lực phát triển, từ tăng khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp, nâng cao trình độ khoa học - công nghệ, học tập kinh nghiệm quản lý… cho đến cải thiện nguồn nhân lực chất lượng cao.
Hòa cùng trong cộng đồng ASEAN, Việt Nam cũng ngày càng trở thành một quốc gia năng động, liên tục thăng hạng trong các chỉ số Môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới (WB) hay của Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham).
Trong ngôi nhà chung ASEAN, Việt Nam cũng là quốc gia đi đầu trong thúc đẩy việc thực hiện Kế hoạch Tổng thể Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN (ASCC) đến năm 2025, khi ban hành “Đề án xây dựng và triển khai Kế hoạch thực hiện các mục tiêu của Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN đến năm 2025” theo Quyết định số 161/QĐ-TTg ngày 25/01/2016 của Thủ tướng Chính phủ.
Các cơ quan ban ngành của Việt Nam đã tích cực đề xuất các hoạt động trong các lĩnh vực hợp tác chuyên ngành, như y tế, môi trường, lao động, phúc lợi, quyền phụ nữ và trẻ em, quyền của người khuyết tật, phlụ nữ và bình đẳng giới, thanh niên, thông tin và truyền thông.... Đặc biệt, trong năm làm Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam đã đóng góp rất lớn vào nỗ lực chung của ASEAN trong việc kiểm soát và giảm thiểu tác động của đại dịch COVID-19.
Sự hòa nhập về văn hóa và xã hội của Việt Nam trong cộng động ASEAN rõ ràng rất sâu rộng và thiết thực. Đến nay đã có rất nhiều bộ, ngành và cơ quan của Việt Nam tham gia vào hợp tác trong ASCC, như Bộ Thông tin Truyền thông, Bộ Y tế, Bộ nội Vụ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Tài nguyên Môi trường, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ Giáo dục Đào tạo…
Nhờ sự tham gia sâu rộng vào Cộng đồng Văn hóa và Xã hội ASEAN, Việt Nam đã thúc đẩy và tăng cường quyền lợi của người dân trong nhiều lĩnh vực của đời sống, từ thị trường lao động việc làm, quyền lợi phụ nữ và trẻ em, đào tạo nhân lực… cho đến các vấn đề đảm bảo môi trường và an sinh xã hội.
Không ngừng hướng về phía trước
Việc đạt được những thành tựu kể trên là do Việt Nam đã có chủ trương và định hướng rất mạnh mẽ và liên tục. Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII (tháng 1/2016) đã xác định chủ trương “chủ động tham gia và phá huy vai trò của các cơ chế đa phương đặc biệt là ASEAN và Liên Hợp Quốc”.
Tiếp theo đó, Chỉ thị số 25-CT/TW vào ngày 08/08/2018 của Ban Bí thư Trung ương Đảng đã xác định phương châm “phát huy vị thế của Việt Nam trong xây dựng Cộng đồng Chính trị-An ninh ASEAN 2025, tăng cường vai trò trung tâm của ASEAN ở khu vực và nâng cao vị thế, sự hiện diện của Cộng đồng trên trường quốc tế”.
Như vậy, sau 27 năm bước vào mái nhà chung ASEAN, Việt Nam dù đến sau nhưng cho thấy đã trở thành một phần không thể thiếu, đã có những đóng góp lớn và chung tay cùng các quốc gia trong khu vực vượt qua những khó khăn trong gần 3 thập kỷ qua.
Và để duy trì và tiếp tục củng cố những thành tựu và vị thế trong cộng đồng các quốc gia ASEAN cũng như trên trường quốc tế, Việt Nam vẫn đang không ngừng đưa ra những định hướng và chính sách nhằm tiếp tục nâng cao vai trò của mình hơn nữa.
Cụ thể, Việc Nam sẽ tiếp tục thúc đẩy hợp tác kinh tế ASEAN, đặc biệt trong chuyển đổi cơ cấu các nền kinh tế, thích ứng với những bước phục hồi chung của kinh tế khu vực sau đại dịch. Quan trọng nữa, Việt Nam sẽ đẩy mạnh triển khai Kế hoạch tổng thể xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN đến năm 2025, đặc biệt triển khai hiệu quả Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện (RCEP) vừa có hiệu lực từ tháng 1 năm 2022. Đây có thể là chìa khóa giúp Việt Nam phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch, hướng tới sự thịnh vượng bền vững.
Có thể nói, nhìn lại tiến trình 27 năm hội nhập kinh tế quốc tế, việc gia nhập ASEAN là một quyết định sáng suốt, kịp thời, đúng đắn của Việt Nam; đem lại nhiều lợi ích cho người dân, giúp đất nước ngày càng in đậm dấu ấn ở khu vực và trên trường quốc tế. Và trong những chặng đường phát triển sắp tới của ASEAN, sẽ tiếp tục có những sự đóng góp ấn tượng và hiệu quả từ nhân tố Việt Nam...