Phát biểu đề dẫn, ông Nguyễn Đức Lợi - Phó Chủ tịch Thường trực Hội nhà báo Việt Nam bày tỏ: Ngày 22-10-2018, Bộ Chính trị khoá XII đã ban hành Nghị quyết số 35 -NQ/TW về "Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới". Nghị quyết khẳng định, đây là nhiệm vụ trọng yếu của toàn thể hệ thống chính trị, có ý nghĩa sống còn trong bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ, bảo vệ Tổ quốc XHCN; trong đó, báo chí giữ vai trò xung kích, đấu tranh công khai trên mặt trận này.
Trong những năm gần đây, các thế lực triệt để lợi dụng mạng xã hội, lập ra hàng ngàn kênh truyền thông, trong đó có những kênh thu hút hàng trăm ngàn lượt đăng ký, theo dõi. Những kênh này liên tục loan tin bịa đặt, vu cáo, công kích chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, bôi nhọ các đồng chí lãnh đạo cấp cao, truyền bá tư tưởng chống cộng cực đoan, phá hoại công cuộc xây dựng CNXH, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng.
Công tác thông tin, tuyên truyền trên các cơ quan báo chí về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch ở cả Trung ương và địa phương đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ.
Thực tế cho thấy, báo chí Trung ương mạnh về nền tảng lý luận, tích cực thông tin sâu sắc về mảng nội dung nghiên cứu chính trị, phân tích, khẳng định tính đúng đắn, khoa học, cách mạng của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; truyền bá, nêu cao hệ tư tưởng của Đảng, lý tưởng xã hội chủ nghĩa trong đời sống; tuyên truyền rộng rãi về công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, ngăn chặn, đẩy lùi các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống...
Báo chí địa phương với đặc trưng khác biệt về địa lý, dân cư, văn hóa vùng miền lại có những phương pháp, cách làm riêng trong đấu tranh, ngăn chặn các đối tượng chống phá, thù địch, nhất là đối với các vấn đề về dân tộc, tôn giáo, dân chủ, nhân quyền. Báo chí địa phương với kinh nghiệm thông thạo và bám sát địa bàn, luôn là những người nhanh chóng phát hiện vấn đề, kịp thời xử lý các điểm nóng, đưa ra giải pháp hiệu quả nhằm ngăn chặn các quan điểm sai trái, phản bác các thế lực thù địch.
Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là một đề tài khó. Nhà báo viết về đề tài này cần có trình độ nghiệp vụ chắc chắn, bản lĩnh chính trị vững vàng, có lòng trung thành với Đảng, trách nhiệm với Tổ quốc. Công tác đấu tranh của các cơ quan báo chí cần có kế hoạch cụ thể, rõ ràng, có sự phối hợp bài bản, nhuần nhuyễn giữa các cơ quan báo chí với nhau và với các cơ quan quản lý, có định hướng xuyên suốt của cơ quan chỉ đạo.
Chương trình tọa đàm "Nâng cao chất lượng báo chí địa phương trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch" là cơ hội để các cơ quan báo chí, các nhà quản lý báo chí trao đổi kinh nghiệm, cách làm, cùng nhau tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, thảo luận những giải pháp cụ thể, khả thi, giúp báo chí địa phương thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của mình.
Có hơn 30 tham luận của các nhà báo là Chủ tịch, Phó chủ tịch Hội nhà báo, các phóng viên, hội viên 19 tỉnh, thành khu vực miền Trung - Tây nguyên đóng góp ý kiến về vấn đề trên, dựa trên diễn biến tình hình thực tế tại các địa phương, như điều kiện kinh tế, địa lý, văn hoá, trình độ dân trí...
Tham luận của nhà báo Lê Văn Toà - Chủ tịch hội nhà báo tỉnh Lâm Đồng về kinh nghiệm xây dựng chương trình 216 phản bác các luận điệu sai trái, góc nhìn đúng đắn về các vấn đề nóng của xã hội được dư luận quan tâm - trên nền tảng mạng xã hội Youtube, hiện thu hút hơn 29.000 người đăng ký, gần 2,7 triệu lượt theo dõi.
Theo nhà báo Lê Văn Toà, ông đã chọn cách làm, phản ánh, thông tin như sau: phản bác theo chuyên đề (trực diện, chuyên sâu; như chuyên đề chống tham nhũng, chuyên đề nhân quyền...), phản bác lồng ghép (mượn sự kiện, vấn đề dư luận quan tâm, lồng ghép hợp lý nội dung phản bác các quan điểm sai trái, thù địch...), phản bác trong phản biện... Theo đó, người phản biện phải bản lĩnh, có kiến thức sâu rộng, không ngại va chạm, đôi khi chấp nhận rủi ro...
Nhà báo Đoàn Minh Long - Uỷ viên BCH Hội nhà báo Việt Nam, Chủ tịch Hội nhà báo tỉnh Khánh Hoà, thành viên Ban chỉ đạo 35 tỉnh Khánh Hoà phát biểu tham luận: Báo chí cách mạng Việt Nam có vai trò quan trọng trong việc ổn định chính trị, an ninh quốc phòng, trật tự xã hội, phát triển kinh tế - xã hội; đặc biệt, báo chí đóng vai trò quan trong đời sống văn hóa xã hội. Với sự phát triên mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, nền công nghiệp 4.0, thông tin trên mạng xã hội bùng nổ, thách thức cơ quan truyền thông, báo chí truyền thông, người làm báo văn hóa cần có phương thức ứng xử văn hóa trên không gian mạng.
Đó chính là văn hóa báo chí, là định hướng báo chí nhân văn, trách nhiệm xã hội của người làm báo của nền báo chí cách mạng Việt Nam. Tôn vinh nền văn hóa Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc, đề cao sự lãnh đạo của Đảng và sự điều hành, quản lý vững chắc của Nhà nước; đấu tranh phản bác những thông tin xấu, độc, các quan điểm sai trái thù địch là trách nhiệm của mỗi nhà báo nói riêng, báo chí nói chung.
Kết thúc buổi toạ đàm, ông Nguyễn Đức Lợi - Phó Chủ tịch Thường trực Hội nhà báo Việt Nam đánh giá cao vai trò của đội ngũ báo chí chân chính nói chung, các cơ quan báo chí cả nước đã có những hoạt động tích cực, đóng góp mạnh mẽ vào tiến trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; đồng thời cho biết, Hội nhà báo Việt Nam sẽ có những kiến nghị, chủ động kết nối với các cơ quan quản lý nhà nước, các cơ quan quản lý báo chí địa phương để có sự quan tâm hơn nữa đối với đội ngũ báo chí nói chung để công tác xuất bản báo chí, kể cả báo in, báo mạng... hoạt động có hiệu quả; thường xuyên kết nối giữa các hội viên báo chí, phóng viên; tổ chức các lớp tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng cho các nhà báo trẻ, đảm bảo trình độ, đạo đức để thực hiện nhiệm vụ chính trị mà Đảng, Nhà nước và nhân dân tin cậy, giao phó.