Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam liên tục đưa ra những cảnh báo về giả mạo để lừa đảo. 

Qua theo dõi trên hệ thống tiếp nhận, phản ánh tin nhắn rác, cuộc gọi rác (đầu số 5656), Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam (Trung tâm) liên tục ghi nhận nhiều phản ánh của người dân về việc nhận được tin nhắn, cuộc gọi giả danh cơ quan công an để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Đáng lưu ý, cuộc gọi giả danh ngày càng tinh vi và sẵn sàng sử dụng video call để tạo lòng tin với khách hàng.

Cảnh báo chiêu trò giả danh công an lừa đảo - ảnh 1

Lừa đảo mạo danh qua điện thoại vẫn diễn ra và ngày càng tinh vi

ĐÀO NGỌC THẠCH

Mới đây nhất, chị N.B (Hà Nội) cho biết đã bị một nhóm người tự xưng là Dương Gia Bảo, công tác tại Cục quản lý Giao thông đường bộ số 3. Đối tượng đã đọc đúng thông tin cá nhân của chị gồm: số chứng minh thư, ngày, tháng, năm sinh và thông báo vào ngày 23.7 chị B. có mặt ở Đà Nẵng liên quan tới một vụ tai nạn giao thông. Song chị B. khẳng định bản thân không hề có mặt ở Đà Nẵng vào ngày 23.7 vì đang ở Hà Nội. Nhưng đối tượng vẫn thông báo có thể chị đã bị lợi dụng thông tin cá nhân để thuê xe. Sau đó yêu cầu chị B vào Đà Nẵng, tới cơ quan công an để phối hợp điều tra.

Nếu không vào được, đối tượng sẽ giúp làm hồ sơ báo án online (ghi thông tin số hóa đơn, ngày xe gây tai nạn, số hiệu đăng ký xe, đơn vị cho thuê xe…) bằng cách gọi video và cuộc gọi ghi âm xác thực. Họ yêu cầu chị khai báo thông tin cá nhân cũng như tài khoản ngân hàng. Đặc biệt, chị phải tự chứng minh không có ai ở bên cạnh bằng cách gọi video, còn phía họ chỉ để lộ phần ngực với chiếc áo quân phục của ngành công an.

Sau khi chắc chắn chị B. ở nhà một mình, Dương Gia Bảo thông báo một tài khoản ngân hàng BIDV được lập từ mã số căn cước công dân của chị liên quan đến một đối tượng buôn bán ma túy, lừa đảo chiếm đoạt tài sản nhiều chục tỉ đồng. Vì chị B có liên quan nên sẽ có lệnh triệu tập và bắt tạm giam. Lúc này, chị B. rất hoang mang vì nghĩ bản thân bị rò rỉ thông tin cá nhân nên đã bị tội phạm sử dụng.

Trong quá trình nói chuyện, nhóm đối tượng xấu luôn yêu cầu chị B. phải giữ bí mật, không được tiết lộ người thân để đảm bảo không rò rỉ thông tin “mật”, nếu không sẽ bị phạt tù 3 - 5 năm. Không dừng ở đó, đối tượng bắt đầu tra hỏi chị B. những câu như: dùng những tài khoản nào, lần giao dịch tiền nhiều nhất là bao nhiêu, trong tài khoản còn bao nhiêu tiền,… Tuy nhiên nhận thấy điểm bất thường, chị B. nói sẽ đến trực tiếp cơ quan Công an Đà Nẵng để làm rõ vấn đề. Đến lúc này, đối tượng xấu đã giả vờ mạng yếu rồi tắt máy.

Ngoài ra, Trung tâm cũng lưu ý chiêu lừa đảo "bình mới rượu cũ". Đó là việc từ ngày 1.8, ứng dụng Zalo sẽ bắt đầu hạn chế một số tính năng của người dùng phổ thông. Vì vậy, những đối tượng lừa đảo đã không thể dùng Zalo làm kênh liên lạc chính lôi kéo, dụ dỗ nhằm chiếm đoạt tài sản như thời qua và nhiều đối tượng lừa đảo chuyển hướng kêu gọi người dùng liên lạc qua Telegram.

Cảnh báo chiêu trò giả danh công an lừa đảo - ảnh 2

Đối tượng lừa đảo dụ dỗ tin nhắn tuyển dụng và chuyển hướng từ Zalo sang Telegram

ẢNH CHỤP MÀN HÌNH

Để không trở thành nạn nhân của các đối tượng lừa đảo qua mạng, Trung tâm khuyến cáo người dân cần cảnh giác, tuyên truyền đến người thân, bạn bè về các thủ đoạn lừa đảo qua điện thoại, tránh mắc bẫy của đối tượng xấu. Để làm việc với người dân, cơ quan công an sẽ trực tiếp gửi giấy mời, giấy triệu tập hoặc gửi qua công an địa phương và không yêu cầu người dân cung cấp tài khoản ngân hàng để phục vụ điều tra. Người dân tuyệt đối không cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng, mã OTP và chuyển tiền cho các đối tượng...