Một nhà nghiên cứu định nghĩa rằng văn hóa báo chí là toàn bộ những giá trị mà con người tạo ra được biểu hiện và thẩm thấu trong hoạt động báo chí. Nó biểu hiện trong nhận thức, hành vi của các chủ thể tham gia hoạt động báo chí và kết quả mà họ tạo ra trong hoạt động đó.
Bài viết dưới đây chỉ lạm bàn về văn hóa báo chí nhìn từ góc độ “Mắt sáng, Lòng trong, Bút sắc” trong hoạt động báo chí.
Trong phần cuối bài nói chuyện tại lễ ra trường của sinh viên Khoa Báo chí khóa 11, Học viện Báo chí và Tuyên truyền tháng 6/1996, nhà báo lão thành Hữu Thọ đã nhắn nhủ những đồng nghiệp tương lai: “Làm cái nghề này (nghề báo - nv) phải Mắt sáng, Lòng trong, Bút sắc thì mới nên nghề. Mấy lời tâm sự xin bộc bạch với các bạn mới vào nghề để cùng nhau suy nghĩ mà “giữ đạo nhà””.
Tôi hiểu lời tâm sự này là đúc kết gan ruột, rút ra từ những chiêm nghiệm sâu sắc, tinh tế của một nhà báo giàu kinh nghiệm, của người đã từng nhiều năm lăn lộn với hoạt động báo chí ở Báo Nhân Dân với tư cách nhà báo, sau đó trở thành Tổng Biên tập, của người đã từng làm Trưởng ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương, chăm lo công việc quản lý và chỉ đạo những lĩnh vực quan trọng của Đảng là tư tưởng, văn hóa và báo chí. Đây là kiến thức kinh nghiệm của ông truyền lại cho thế hệ sau.
Thực hiện ba ý của ông gói gọn trong 6 chữ, theo đó: Mắt sáng để nhìn cho rõ, cho đúng, Lòng trong để cảm nhận được đúng - sai, ủng hộ cái đúng, phê phán cái sai và Bút sắc để sáng tạo ra những tác phẩm báo chí xuất sắc, thực sự có ích cho xã hội, là con đường ngắn dẫn đến “nên nghề” và giữ được “đạo nhà”, là nguyên tắc nghề nghiệp của một nền Báo chí Cách mạng vì nước, vì dân. Đây cũng có thể hiểu là nền tảng tạo nên văn hóa Báo chí Cách mạng của chúng ta.
Thông thường thì bất kỳ nhà báo nào, ở chế độ nào cũng vậy thôi, phải có con mắt tinh tường để phát hiện ra những vấn đề cần thông tin, nhìn cho thấu bản chất của sự việc để phản ánh và dùng thủ pháp nghề nghiệp của mình để tạo ra những sản phẩm báo chí (tin, bài, phim, ảnh) phục vụ công chúng.
Với Báo chí Cách mạng Việt Nam, Bác Hồ - người thầy của Báo chí Cách mạng Việt Nam đã căn dặn các nhà báo: Trước khi cầm bút, mỗi người cần trả lời ba câu hỏi: Ta viết cho ai? Viết để làm gì? Viết như thế nào? Với Người, viết báo và làm báo là công tác cách mạng để phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân, phụng sự giai cấp và nhân loại.
Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, văn hóa báo chí chính là cái hay, cái đẹp, và là các giá trị bền vững của báo chí cách mạng đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp và giải phóng con người và xây dựng xã hội mới.
Báo chí ở các nước phương Tây tự cho mình là tự do và khách quan, nhưng trong thực tế tác nghiệp họ không thể không phục vụ quan điểm chính trị, mục đích của chủ bút tờ báo, chủ kênh truyền hình, chủ đài phát thanh mà họ phục vụ, và trên hết họ không thể vượt qua tham vọng cố hữu của những thế lực muốn lãnh đạo thế giới.
Thí dụ về nhận định này rất nhiều. Xung quanh cuộc xung đột Ukraine - Nga hiện nay là một minh chứng đặc trưng. Báo chí phương Tây lợi dụng “Chiến dịch quân sự đặc biệt” của Nga ở Ukraine thể hiện thái độ chống Nga, bài Nga một cách điên cuồng, không phân định căn nguyên của cuộc chiến nhằm chống lại trật tự thế giới một cực, lập lại trật tự thế giới công bằng, bảo đảm quyền bình đẳng cho tất cả mọi người cũng như ngăn chặn những tác nhân gây ra tình trạng áp bức.
Một câu chuyện cũ khác, nhưng vẫn còn nguyên giá trị. Khi đưa tin về Việt Nam, nhất là trong lĩnh vực chính trị, báo chí phương Tây thường nhìn nhận và đánh giá theo cách riêng của họ, nhắm vào các vụ việc tiêu cực để phê phán theo ý đồ.
Hồi năm 2005, trong dịp chúng tôi sang công tác tại Mỹ, trong cuộc gặp gỡ, trao đổi với chủ bút tờ Bưu điện Oasinhton (Washington Post), lãnh đạo cơ quan Thông tấn mà tôi tháp tùng có “chất vấn” một câu, đại thể là tại sao quan hệ Việt Nam - Mỹ đang tiến triển tốt đẹp như thế mà không thấy tờ báo uy tín của ông ta đưa tin nhiều về Việt Nam. Ông ta nhanh nhẩu trả lời: Là may cho các ông đấy, nếu có đưa tin, chúng tôi chỉ đưa những tin xấu thôi! Đó là quan điểm, là văn hóa báo chí của phương Tây: Bad news is good news - Tin xấu là tin tốt.
Rõ ràng văn hóa báo chí ở đây thực sự khác nhau, khác về cách nhìn, cách tiếp cận, khác hẳn về quan điểm.
Để có một văn hóa báo chí lành mạnh, trong tác nghiệp báo chí, nhà báo phải có bản lĩnh, đạo đức và lương tâm trong nhìn nhận và đánh giá để thông tin cho chính xác. Có một câu chuyện khá hài hước về cách nhìn nhận trái ngược nhau về cùng một vụ việc cho thấy cái “nhập nhằng” của sự đánh giá.
Cùng nhìn thấy một cậu học trò, con trai nhà nọ tay cầm một cuốn sách đang ngủ ngon lành, thì người thân thiện với gia đình nhận xét: “Nó là đứa ham học, ngủ mà tay vẫn cầm cuốn sách”, trong khi một người khác không thân thiện thì đánh giá: “Thằng ấy lười học quá, cứ cầm tới cuốn sách là ngủ!”. Đây là một thí dụ điển hình về cách nhìn nhận và đánh giá sự việc theo cảm tính cá nhân.
Trên các trang báo, trang mạng bây giờ không thiếu thí dụ về những dòng tin, bài báo “vô thưởng, vô phạt”, thậm chí không đáng đưa lên mặt báo, những thứ mà lướt qua đã thấy “ngứa cái tại”, “gai con mắt”. Nghi án yêu đương, nghi án mang bầu của một nghệ sĩ này nọ, liệu có cần đăng tải nhan nhản? Có những nhà báo đứng ra bênh vực một nhân vật lạm dụng tự do ngôn luận, gây rối xã hội, liệu có nên? Đưa tin nhấn mạnh vào tiêu cực, không chú ý nhiều tới các nhân tố tích cực, gương người tốt, việc tốt… là không đúng với thực tế khách quan của cuộc sống, tác động xấu tới tâm lý xã hội.
Về việc này, gần đây Báo Nhà báo & Công luận cho biết, báo điện tử Vietnamnet từ lâu đã quy định tỷ lệ tin, bài tích cực mang tính xây dựng, giải pháp của báo phải đạt ít nhất 30% trên tổng số tin, bài. Quy định được là tốt, nhưng trong trường hợp này, môt câu hỏi logic đặt ra là 70% tin, bài còn lại được đăng thuộc loại gì?
Trở lại vấn đề “Mắt sáng, Lòng trong, Bút sắc” đề cập ở bài viết này. Đây là vấn đề cốt yếu của nền Báo chí Cách mạng vì dân, vì nước, trong đó cần ủng hộ cái mới, cái tích cực, chống những xu thế tiêu cực, vì mục tiêu phát triển xã hội. Thế nhưng, ở thời điểm hiện nay, một vài người làm báo vẫn vì lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm, có thể vì đồng tiền xấu xí đã và đang dùng ngòi bút của mình để sáng tạo ra những tác phẩm báo chí không giống ai, bênh vực những thứ không cần bênh vực, gây hại cho đời sống xã hội.
Lý thuyết báo chí đã từng dạy về việc lựa chọn đưa hay không đưa một vụ việc, đưa thông tin dài hay ngắn, tóm gọn lại là đưa tin như thế nào. Kỹ năng này của người làm báo rất quan trọng, vì với sản phẩm báo chí của mình, nhà báo là người có thể tạo dự luận, hướng dẫn dư luận. Những điều này quyết định văn hóa của người làm báo. Chính vì vậy, nhà báo cần nhận thức rõ trách nhiệm của mình đối với xã hội, thực hiện đúng nghĩa vụ của một công dân khi tác nghiệp để giữ vững “đạo nhà” của nghề báo.
Hiện nay các tổ chức Hội Nhà báo Việt Nam ở Trung ương và địa phương đang vào cuộc để triển khai thực hiện phong trào thi đua xây dựng cơ quan báo chí văn hóa và người làm báo văn hóa, thực hiện 12 tiêu chí đã công bố. Tôi nhất trí với đề xuất của Chủ tịch Hội Nhà báo Thái Nguyên về việc Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam cần có những quy định cụ thể, chi tiết hơn nữa để các cấp Hội bám sát vào xây dựng thang điểm chấm để việc thực thi hiệu quả hơn.
Như đã nói ở trên, văn hóa, văn hóa báo chí mang tính bao trùm, có nhiều biểu hiện khác nhau trong thực tiễn, cho nên việc xác định thêm các yếu tố cụ thể để xây dựng môi trường văn hóa trong cơ quan báo chí, trong đó có người làm báo văn hóa, là thiết thực và hết sức quan trọng. Bài viết này chỉ đề cấp đến yêu cầu “Mắt sáng, Lòng trong, Bút sắc” đối với người làm báo để tạo nên những tác phẩm báo chí thực sự có ích cho xã hội, qua đó tạo nên một văn hóa báo chí tươi sáng của chúng ta.