Việt Nam được bầu làm Ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên hiệp quốc nhiệm kỳ 2020-2021. Ảnh: TTXVN
Hợp tác với hầu hết các đối tác lớn
Sau hơn 35 năm đổi mới, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân; xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN; xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc và tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại; xây dựng nền ngoại giao “đa phương hóa, đa dạng hóa”…
Đại hội XIII của Đảng khẳng định, 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH, lý luận về đường lối đổi mới, về CNXH và con đường đi lên CNXH của Việt Nam ngày càng hoàn thiện và từng bước hiện thực hóa. Đất nước đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện so với những năm trước đổi mới. Liên tiếp trong 4 năm, giai đoạn 2016-2019, Việt Nam đứng trong tốp 10 nước tăng trưởng cao nhất thế giới, là 1 trong 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất. Năm 2020, trong khi phần lớn các nước có mức tăng trưởng âm hoặc đi vào trạng thái suy thoái do tác động của dịch Covid-19, kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng dương 2,91%, góp phần làm cho GDP trong 5 năm qua tăng trung bình 5,9%/năm, thuộc nhóm nước có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong khu vực và trên thế giới. Quy mô, trình độ nền kinh tế được nâng lên. Đời sống nhân dân cả về vật chất và tinh thần được cải thiện rõ rệt. Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay.
Đây là niềm tự hào, là động lực, nguồn lực quan trọng, là niềm tin để toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta vượt qua mọi khó khăn, thách thức, tiếp tục vững bước trên con đường đổi mới toàn diện, đồng bộ; phát triển nhanh và bền vững đất nước. Những thành tựu của 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH năm 1991, đặc biệt, trong 10 năm thực hiện Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011) đã tiếp tục khẳng định đường lối đổi mới của Đảng ta là đúng đắn, sáng tạo. Những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử là kết tinh sức sáng tạo của Đảng và nhân dân ta, khẳng định con đường đi lên CNXH của nước ta là phù hợp với thực tiễn Việt Nam và xu thế phát triển của thời đại; khẳng định sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam.
Trong công cuộc đổi mới, Việt Nam đã thiết lập được nhiều quan hệ đối tác chiến lược về kinh tế. Từ khi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) đến nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược, toàn diện với nhiều nước, trong đó có tất cả các nước thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc (Nga, Mỹ, Trung Quốc, Anh, Pháp) cùng hầu hết các nước chủ chốt trong trong khu vực và trên thế giới; đã có trên 70 nước công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường. Các đối tác mà Việt Nam ký kết hiệp định thương mại tự do có độ phủ rộng hầu hết các châu lục, với gần 60 nền kinh tế có GDP chiếm gần 90% GDP thế giới…
Thế và lực mới
Với thế và lực sau hơn 35 năm đổi mới, dưới ánh sáng đường lối Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, đất nước ta đang phấn đấu thực hiện khát vọng, mục tiêu đến giữa thế kỷ XXI trở thành nước phát triển theo định hướng XHCN, một dấu mốc có ý nghĩa lịch sử của dân tộc ta trên con đường thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Để thực hiện mục tiêu tốt đẹp đó, đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân quyết tâm, nỗ lực cao, đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, trong đó có nhiệm vụ quan trọng là “triển khai đồng bộ, sáng tạo, hiệu quả hoạt động đối ngoại, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng”, “tiếp tục phát huy vai trò tiên phong của đối ngoại trong việc tạo lập và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, huy động các nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước, nâng cao vị thế và uy tín của đất nước”.
Đất nước đang bước vào giai đoạn then chốt với vị thế ngày càng cao trong khu vực và trên thế giới. 77 năm qua, sức mạnh bất diệt của Cách mạng Tháng Tám với Tuyên ngôn độc lập vẫn đang là động lực to lớn cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Những thành tựu bước đầu của công cuộc đổi mới là một trong những nhân tố quyết định đưa vị thế của Việt Nam lên tầm cao mới, phấn đấu đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, nước ta trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
Có thể nói một cách tổng quát là chưa bao giờ đất nước ta có được vị thế như ngày hôm nay. Là người từng sống ở chế độ thực dân Pháp, đã từng trải qua các cuộc chiến tranh, tôi cảm nhận rõ ràng là chưa bao giờ được sống hạnh phúc như những ngày tôi đang sống. Cuộc sống vật chất tuy chưa giàu sang nhưng đã đầy đủ, không chỉ có ăn có mặc, mà đã được ăn ngon, mặc đẹp. Mục tiêu độc lập - tự do - hạnh phúc rõ ràng chúng ta đã đạt tới. Độc lập chúng ta đã có, tự do trong khuôn khổ luật pháp cũng có rồi, hạnh phúc là được sống trong bình yên, đại đoàn kết dân tộc. Con cháu chúng ta được học hành, làm việc theo đúng nguyện vọng của mình. Nên mỗi khi ngày Tết độc lập đến, tôi lại tự nhìn lại bản thân và đất nước mình để thấy vui mừng.
Việc Đại hội đồng Liên hiệp quốc bỏ phiếu bầu 5 nước Ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an nhiệm kỳ 2020-2021 tại trụ sở Liên hiệp quốc ở New York, với số phiếu kỷ lục chưa từng có (192/193 phiếu) trong 75 năm phát triển của Liên hiệp quốc đã tiếp tục khẳng định vị thế và uy tín của Việt Nam…
* PGS-TS VŨ KHÁNH LINH, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh: Khơi dậy khát vọng của nhân dân
Trong suốt 35 năm qua, kinh tế Việt Nam đã đạt tốc độ tăng trưởng khá ấn tượng. Nhờ có nền tảng vững chắc, nền kinh tế Việt Nam đã thể hiện sức chống chịu đáng kể trong những giai đoạn khủng hoảng, mới đây là đại dịch Covid-19.
Việt Nam hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng trên nhiều cấp độ, đa dạng về hình thức, theo nguyên tắc và chuẩn mực của thị trường toàn cầu. Việt Nam cũng là thành viên chủ động, tích cực và có trách nhiệm cao trong các tổ chức quốc tế. Việt Nam đóng góp tích cực và đang trở thành nước có vị thế và vai trò ngày càng cao ở khu vực, được cộng đồng quốc tế tôn trọng. Có thể khẳng định, Việt Nam đã thực sự chủ động, tích cực tham gia hội nhập quốc tế với một vị thế mới, bắt kịp với xu thế của thời đại. Ý nghĩa to lớn của những thành tựu đó không đơn thuần ở những con số. Đó là cơ sở niềm tin để khơi dậy khát vọng của nhân dân ta về một xã hội XHCN phồn vinh, hạnh phúc, vì hạnh phúc của nhân dân.
* Kỹ sư LÊ ĐÌNH, kiều bào Canada: Hỗ trợ, kết nối để tạo sức hút dòng vốn đầu tư
Dù trải qua khoảng thời gian dài đặc biệt khó khăn nhưng sau khi kiểm soát được dịch Covid-19, Việt Nam là một trong số những quốc gia “mở cửa” sớm nhất, tốc độ phục hồi kinh tế cũng thuộc nhóm hàng đầu thế giới. Các đô thị lớn, như TPHCM, đã có sự phục hồi mạnh mẽ. Lãnh đạo TPHCM đã quan tâm lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp, kiều bào nhiều hơn. Qua đó đã có những quyết sách hợp lý để thu hút nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài đổ về. TPHCM ngày càng khang trang, hiện đại với các tòa cao ốc chọc trời, các khu đô thị mới đang được xây dựng.
Trong thời gian tới, TPHCM nên tập trung vào việc thu hút kiều bào về nước cống hiến. Đặc biệt là thế hệ trẻ, những nhà khoa học, doanh nhân thành đạt, để góp phần xây dựng thành phố phát triển, hiện đại hơn.
Trong đó, cần có chính sách hỗ trợ kiều bào trong việc tiếp cận thông tin về các dự án tiềm năng, chính sách mới của thành phố để thu hút đầu tư. Chính quyền nên đồng hành với kiều bào, doanh nghiệp nước ngoài bằng cách hỗ trợ kết nối, hỗ trợ, tư vấn về pháp luật, kết nối với cơ quan, ban ngành giải quyết hồ sơ, thủ tục đầu tư...
* ThS TRƯƠNG VĂN ĐẠT, Bí thư Đoàn Đại học Y Dược TPHCM: Cơ hội để người trẻ cống hiến
Những năm gần đây, thế hệ trẻ Việt Nam đã mạnh dạn, tự tin bước ra thế giới với rất nhiều thành tích đáng nể. Từ các cuộc thi kiến thức, thể thao đến các cuộc thi nghiên cứu khoa học, dự án khởi nghiệp... đều đã để lại những dấu ấn nổi bật. Điều đó cho thấy tiềm năng về con người của đất nước ta rất dồi dào.
Để có một thế hệ trẻ đủ năng lực và nhiệt huyết thì việc đào tạo cho thế hệ trẻ ngay từ ghế nhà trường đòi hỏi phải có sự quan tâm đúng mực và đảm bảo tính hệ thống. Không chỉ đào tạo về chuyên môn, việc giáo dục, rèn luyện kỹ năng dành cho thế hệ trẻ nói chung và ngành y tế nói riêng cũng không kém phần quan trọng. Vì vậy, hơn bao giờ hết, người trẻ chúng tôi mong muốn Đảng, Nhà nước, các cơ quan, đơn vị liên quan quan tâm hơn, cởi mở hơn và tạo nhiều cơ hội để chúng tôi cống hiến trí tuệ, sức trẻ cùng đất nước phát triển hùng cường.