Cơn mưa nặng hạt đầu giờ chiều 1-9 đã khiến người dân xứ ngàn hoa Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng không kịp trở tay khi xuất hiện nhiều điểm ngập cục bộ, khiến xe cộ, nhà cửa chìm trong biển nước. Còn du khách thì hoang mang thay đổi lịch trình khi đến đây nghỉ lễ Quốc khánh. Xung quanh chuyện ngập ở một thành phố có độ cao 1.500m so với mực nước biển, phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trò chuyện với TSKH - KTS Ngô Viết Nam Sơn.
* PHÓNG VIÊN: Ít ai có thể hình dung rằng một thành phố mà du khách đến để “săn mây” lại đang đối mặt với chuyện ngập lụt sau cơn mưa lớn. Là người dày công nghiên cứu về Đà Lạt trong lĩnh vực quy hoạch đô thị, ông có thể chia sẻ thêm về góc nhìn chuyên môn?
* TSKH-KTS NGÔ VIẾT NAM SƠN: Về tình trạng ngập sau mưa ở Đà Lạt, như tôi đã từng chia sẻ, nhiều người hiểu nhầm là chỉ những đô thị ở vùng đất thấp mới bị ngập. Thực tế cho thấy, thời gian qua, những đô thị có địa hình cao vẫn bị ngập, thậm chí ngập nặng. Đà Lạt là một ví dụ điển hình. Việc ngập hay không ngập, nặng hay nhẹ phụ thuộc lớn vào công tác quản lý quy hoạch, đầu tư hạ tầng phát triển đô thị.
Điều kiện tự nhiên Đà Lạt có địa hình dốc, nhiều đồi núi. Trong những năm gần đây, có thể thấy tốc độ phát triển đô thị ở đây diễn ra nhanh, nhưng lại thiếu bền vững, diện tích đất với chức năng thẩm thấu nước mưa giảm xuống quá thấp.
Cụ thể, trong đô thị, không gian xanh và hồ chứa nước bị thu hẹp, hoặc bị lấp, trong khi các công trình xây dựng và mặt đường bê tông phủ kín nhanh cùng với quá trình đô thị hóa. Ra ngoại thành, các công trình nông nghiệp nhà kính “mọc” lên quá nhiều, đất không có chỗ “thở”.
Khi mưa xuống, với địa hình dốc, nước chảy xiết xuống chỗ trũng, cho nên không có hệ thống cống rãnh nào có thể thoát nước kịp. Vì thế mà không gian đô thị hai bên lãnh đủ.
* Ông đánh giá như thế nào về công tác chống ngập ở Đà Lạt?
* Tôi thấy chính quyền Đà Lạt đã có đầu tư, lên phương án chống ngập, nhưng còn lúng túng và chưa đem lại hiệu quả, do thiếu tầm nhìn chiến lược. Để chống ngập thì người làm công tác quản lý, quy hoạch phải tính toán, dự liệu ứng phó với kịch bản lượng mưa thay đổi trong năm, thậm chí lượng mưa cực đoan trong chu kỳ 100 năm.
Hệ thống cống rãnh đô thị hiện nay của Đà Lạt chỉ đáp ứng trong điều kiện mưa bình thường. Còn khi xảy ra mưa lớn, mưa cực đoan ở khu vực nào, khu vực thấp hơn chắc chắn sẽ ngập, nếu không được quy hoạch đủ không gian cho nước thoát tạm lưu. Do đó, bên cạnh nâng cấp hệ thống tiêu thoát nước đô thị, để không bị ngập, thì phải dành một tỷ lệ khá cao về không gian xanh, mặt nước để hấp thu lượng nước.
* Vậy theo ông, giải pháp nào để Đà Lạt có thể ứng phó với ngập lụt trong tương lai?
* Về thực trạng, có thể thấy người ta “tham”, đánh đổi môi trường tự nhiên để đổi lấy công trình, bê tông hóa mọi nơi nên không có chỗ để lưu trữ nước khi có mưa lớn. Lấy ví dụ ở khu trung tâm Hòa Bình nên giữ lại không gian xanh ở đồi Dinh Tỉnh trưởng.
Hiện khu trung tâm Hòa Bình chưa ngập, nhưng khi bê tông hóa khu vực này để làm khách sạn thì tỷ lệ không gian xanh khu Hòa Bình còn rất thấp, cho nên khu vực chân đồi chắc chắn sẽ ngập trong tương lai. Trách nhiệm này lúc đó sẽ thuộc về ai?
Theo tôi, không có giải pháp ngắn hạn, tạm bợ, mà chỉ có giải pháp dài hạn, cần phải làm ngay, trong công tác chống ngập cho Đà Lạt. Yêu cầu tiên quyết là phải ngưng chặt cây phá rừng, trả lại không gian xanh tự nhiên theo tỷ lệ phù hợp (khoảng 30% trở lên cho khu nội thành), để nước thẩm thấu tốt hơn vào lòng đất, giảm tốc độ dòng chảy xuống thấp và dự trù đủ không gian cho nước để tạm lưu khi xảy ra mưa cực đoan. Điều này không chỉ chống ngập hiệu quả, mà còn giúp trả lại giá trị vì khí hậu cao nguyên mát mẻ và giá trị “thành phố trong rừng, rừng trong thành phố” cho Đà Lạt!
Bên cạnh đó, khi thực hiện các đồ án quy hoạch, chính quyền tỉnh Lâm Đồng cũng như TP Đà Lạt phải tính toán không gian cho nước, nhất là với những địa điểm đã bị bê tông hóa cao. Khu vực nào bê tông hóa quá cao, không còn làm được hồ điều tiết nổi thì phải làm ngầm. Nhờ hệ thống này, khi mưa lớn sẽ giúp thu nước nhanh, sau đó nước thoát dần dần khi tạnh mưa.