Những người vẽ bậy coi hành vi phá hoại của mình là "trò chơi mạo hiểm" và thường đua nhau thể hiện khả năng "bombing" (đánh bom) vào bất cứ thứ gì mà không cần xin phép.
Không chỉ ở TP.HCM, nạn vẽ bậy còn "tấn công" khắp các thành phố lớn cả nước, thậm chí còn len lỏi về các vùng quê xa xôi. Thùng đựng rác, bờ tường, trạm xe buýt, trạm biến áp, cầu đường hoặc cửa nhà người dân đều là những nơi "ưa thích" cho các nhóm người này.
Phong cách... vẽ bậy
Để có thể ra đường vẽ bậy, các nhóm đều đã luyện vẽ thuần thục trên giấy. Họ hoạt động khá kín tiếng, chỉ biết nhau qua các nick name (tên ảo). "Tất cả đều là sân chơi và ai cũng có style (phong cách)" - một thanh niên trong nhóm vẽ "Young 2" nói. Theo người này, vẽ bậy cũng khá tốn kém sức lực, tiền bạc và luôn đối diện với nhiều nguy hiểm. "Đây là trò chơi mạo hiểm, nếu gặp dân phòng hỏi chuyện kiểu gì cũng bị bắt về phường. Có nhiều người từng bị bắt quả tang khi dùng bình sơn xịt vẽ bậy".
Đi dọc các tuyến đường nội thành TP.HCM như Nguyễn Thị Minh Khai, Điện Biên Phủ, Võ Thị Sáu, Hai Bà Trưng, Tôn Đức Thắng, Lê Thánh Tôn hoặc ngoại thành như xa lộ Hà Nội, Mai Chí Thọ... không khó để bắt gặp các ký hiệu là nick name (tên) của những người vẽ bậy. Các toa tàu và nhiều trụ cầu metro cũng đã bị họ "tấn công" bằng các nét nguệch ngoạc, chằng chịt.
Ngang qua các cửa hàng từ số 148-158; 20-26 đường Lý Tự Trọng; số nhà 18A-18B đường Nguyễn Thị Minh Khai hoặc dãy cửa hàng bán rau quả tại vòng xoay Điện Biên Phủ (đều thuộc quận 1) ai cũng ngao ngán trước những hình vẽ với các ký hiệu và hình thù kỳ quái. Tại cơ sở thẩm mỹ số 24 đường Lý Tự Trọng, quận 1, các nhóm vẽ còn để lại khuôn mặt của hai "trẻ trâu": một đang ngậm điếu thuốc và người kia há hốc miệng, thè lưỡi cười như một kiểu thách thức. "Tôi không hiểu nổi thú vui quái đản của nhóm người này. Hình như họ rất hả hê khi được vẽ bậy lên tài sản người khác" - một người giao báo ở khu vực đường Lý Tự Trọng bức xúc.
Cách đó không xa, các hàng rào tôn và bờ tường dọc đường Thi Sách và Hai Bà Trưng (quận 1) vài năm trở lại đây trở thành "sân chơi" cho các nhóm vẽ bậy. Bà B., bán nước hơn 30 năm tại góc đường, nói từng nhiều lần giáp mặt với các nhóm vẽ bậy. "Tụi nó toàn thanh niên choai choai, thường đi theo cặp vẽ từ đêm đến lúc rạng sáng chứ không dám vẽ ban ngày vì sợ bị phát hiện" - bà nói. Bà B. từng nhiều lần lên tiếng phản ứng và nhận lại những lời hăm dọa và thách thức từ các thanh niên: "Bà nhiều chuyện quá, ai hỏi bà nói tụi tôi vẽ này!".
Từ nhà dân đến công sở
"Tôi vừa thuê người sơn mới lại bức tường trước nhà thì sáng hôm sau đã bị nham nhở bởi hình vẽ. Nhà mặt tiền nhưng giờ tôi mặc kệ cho nhem nhuốc chứ không dám sơn, bởi lại vô tình dọn chỗ cho các nhóm vẽ bậy này", ông Trung, chủ ngôi nhà có vị trí đắc địa tại quận 1, bức xúc.
"Dấu tích" của các nhóm vẽ này còn xuất hiện trước các trụ sở cơ quan nhà nước. Trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận 1), bức tường của hai căn nhà cạnh trụ sở văn phòng đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông có hàng loạt bức vẽ phác họa. Họ không quên ký tên bên dưới như thể khẳng định mình đã "diễn" ở vị trí đắc địa này.
Tương tự, nhiều tủ điện ngay giao lộ Lê Thánh Tôn - Đồng Khởi (trước cổng UBND TP.HCM), nơi có lực lượng công an túc trực ngày đêm, cũng nham nhở vết sơn đen. Hai tủ điện trước trụ sở Sở GTVT TP cũng không thoát khỏi "tầm ngắm" của những người vẽ bậy. Tại đây chữ ký "SIXTE" được vẽ ở vị trí nổi bật nhất. Đây cũng là "nick name" xuất hiện khắp các công trình, bờ tường, tủ điện.
Tường và tủ điện trước cổng Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM cũng bị xịt những dòng sơn đen ngoằn ngoèo. Tấm bảng tuyên truyền triển lãm của lực lượng Công an nhân dân Việt Nam cũng bị xịt sơn trắng. Dù cơ quan chức năng đã cố gắng khắc phục nhưng vệt sơn vẫn còn nhoe nhoét khó tẩy rửa sạch.
Manh mối thủ phạm vụ Metro và cầu Thủ Thiêm 2
Những người vẽ bậy đều có một ký hiệu và "nick name" riêng. Đây cũng là cách nhận biết các bức vẽ của họ, như một cách khẳng định "chủ quyền". Từ manh mối này, chúng tôi lần ra một số nhân vật nghi vấn đã vẽ bậy trên cầu Thủ Thiêm 2 và các toa tàu Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên).
Các ký hiệu trên cầu Thủ Thiêm 2, xác minh cho thấy hoàn toàn trùng khớp ký hiệu được đăng tải trong một tài khoản chuyên vẽ graffiti có tên UBIX CREW. Đây là một người nước ngoài đang du lịch tại Việt Nam. Các ký hiệu trên cầu Thủ Thiêm 2 và ở các con đường trung tâm TP.HCM như Tôn Đức Thắng, Điện Biên Phủ đều được cho là do người vẽ, sau đó đăng tải trên tài khoản UBIX CREW. Ngoài vẽ tại TP.HCM, nhân vật bí ẩn này còn để lại các dấu tích tại những nơi mà anh ta đi qua như hồ Sông Quao (Bình Thuận).
Còn người vẽ bậy trên hai toa tàu Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên), theo xác minh là một chàng trai gốc Việt. Ký hiệu mà người này thường để lại ở các "tác phẩm" của mình có biệt danh Abskur1 hoặc URON. Điều đáng nói sau khi sự việc bị phát hiện, người này còn tự tin dùng bức ảnh được vẽ trên các toa tàu chèn logo của mình như "khoe chiến tích".
Ngành điện cũng đang "đau đầu"
Theo ông Bùi Trung Kiên - phó tổng giám đốc Công ty Điện lực TP.HCM - ngành điện cũng đang "đau đầu" với việc các tủ điện bị bôi bẩn. Tủ điện dọc các đường phố là "mặt bằng ngon" cho những người vẽ bậy. Trước tình trạng "10 tủ thì có hết 9 tủ bị xịt sơn", ông Kiên cho biết các đơn vị đưa ra nhiều sáng kiến ngăn chặn như dùng lưới bao quanh các tủ điện, sơn tủ điện bằng loại sơn chuyên dụng, có thể lau chùi được khi bị vẽ nhưng tất cả chi phí đều rất cao.
"Chúng tôi cũng nghiên cứu thêm việc lắp bảng quảng cáo điện tử lên các tủ điện nhưng không khả thi. Nói chung đến nay chúng tôi tốn rất nhiều chi phí để khắc phục nhưng cũng đành bất lực" - ông Kiên ngao ngán nói.
Cần xử lý thích đáng
Nhà chờ trạm xe trung chuyển trên đường Mai Chí Thọ (TP Thủ Đức) bị vẽ bậy nham nhở với đủ thứ hình thù xấu xí - Ảnh: H. LỘC
Đó là ý kiến của hầu hết bạn đọc phản hồi bài viết "Đêm thoắt ẩn thoắt hiện của những bóng ma vẽ bậy" (Tuổi Trẻ 5-9).
* Cảm ơn Tuổi Trẻ đã theo đề tài này. Những người chuyên vẽ bậy khắp nơi trong thành phố cần được xử lý đích đáng vì hành vi làm bẩn đô thị. Rất buồn khi có những người đi bôi bẩn từng công trình xây dựng, từng căn nhà của người dân. (Bạn đọc Hoàng Thành)
* Cứ đến cuối tuần, thanh niên, học sinh, người hưu trí lại phải đi xóa đi dọn hình vẽ bậy nhưng sau thời gian đâu lại vào đấy! Đúng là cực kỳ bức xúc trong dư luận. Không thể để xảy ra tình trạng tùy tiện vẽ hươu vẽ vượn khắp nơi. Phải có chế tài xử lý nghiêm khắc tận gốc triệt để! (Daoanhtuan)
* Đề nghị cơ quan chức năng yêu cầu những kẻ vẽ bậy cạo sạch và sơn trả lại hiện trạng ban đầu. Nên xử lý về tội hủy hoại tài sản, xét xử công khai. Cần có thêm hình ảnh quả tang từ cơ quan chức năng, có những phiên tòa xử công cộng, thông tin ai là thủ phạm, qua đó cộng đồng cùng nâng cao ý thức giữ gìn thành phố xanh sạch! (Trần Tùng Anh, Nguyen Hoang, Trung Pham Van).
* Nghệ thuật sơn phun (speed painting) nếu mang ý nghĩa tốt đẹp thì không sao, nhưng hành động mục đích phá hoại, làm xấu mỹ quan đô thị cần xử lý, yêu cầu bồi thường và phạt tù. Người nước ngoài cũng có thể phạt trục xuất, cấm nhập cảnh. (Phuc)
* Thành phố cần phát động việc bắt quả tang các nhóm này, thưởng cho người bắt được, và người gọi điện báo tin. Đây không đơn giản chỉ là vẽ bậy mà trong đó sự kiêu căng về tài năng vẽ, sự liều lĩnh bất chấp tất cả để tự tôn bản thân. Mong mọi người cùng lên án những việc đó mới mong giảm bớt đi một phong trào tai hại như vậy. Không đơn giản chỉ xử phạt nặng từng vụ việc. (Bạn đọc Tuấn)