Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại buổi làm việc. (Ảnh: TRẦN HẢI) |
Cùng dự có Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái. Cuộc làm việc được truyền trực tuyến tại 14 điểm cầu trên công trình dầu khí, giàn khai thác ngoài khơi biển Việt Nam và Liên bang Nga thuộc Petrovietnam.
Phát biểu ý kiến mở đầu cuộc làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, hiện nay trên thế giới, cạnh tranh chiến lược, lạm phát suy thoái hiện hữu trên tất cả các nước, do đó chúng ta càng phải đoàn kết, thống nhất, “nắm chặt tay” vượt qua khó khăn. Sau hơn 2 năm đại dịch Covid-19, cả nước đều gặp phải khó khăn vất vả, hy sinh, trong đó có ngành Dầu khí, tuy nhiên nhìn lại 47 năm truyền thống của ngành, sau 35 đổi mới, đất nước có nhiều phát triển, trong đó có sự đóng góp quan trọng của ngành.
Thủ tướng nêu rõ, mặc dù trong bối cảnh thế giới khó khăn, chúng ta vẫn bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, trong đó có sự đóng góp của Tập đoàn với vai trò là “Năng lượng cho sự phát triển”.
Quang cảnh buổi làm việc. (Ảnh: TRẦN HẢI) |
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng biểu dương và đánh giá cao những thành quả này của ngành Dầu khí, góp phần quan trọng cho sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội đất nước. Thủ tướng nêu rõ, tại buổi làm việc này, chúng ta cần đánh giá tình hình năng lượng thế giới; vai trò, sứ mệnh của ngành phải làm gì cho sự phát triển đất nước.
Theo Thủ tướng, Tập đoàn có vai trò lớn cho sự phát triển của đất nước, sử dụng công nghệ cao, có nghiên cứu khoa học, chế biến, cung ứng, kinh doanh, phân phối. Do đó, ngành Dầu khí cần dự báo tình hình, đề ra các nhiệm vụ, giải pháp chung về năng lượng, trong đó có nhiệm vụ cụ thể của Petrovietnam để góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, chủ động hội nhập quốc tế thực chất, hiệu quả, góp phần giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ; là bạn bè tốt, thành viên có trách nhiệm, tích cực của cộng đồng quốc tế. Để làm tốt việc đó, chúng ta cần tư duy, phương pháp luận tiếp cận và tổ chức thực hiện hiệu quả.
* Báo cáo Thủ tướng Chính phủ tại buổi làm việc, Tổng giám đốc Petrovietnam Lê Mạnh Hùng cho biết: Trong thời gian qua, Tập đoàn đã thực hiện nghiêm túc các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế-xã hội,... với phương châm hành động: “Quản trị biến động, đón đầu xu hướng, kết nối nguồn lực, phát huy công nghệ, thúc đẩy đầu tư, phát triển bền vững” để lãnh đạo, chỉ đạo nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt trong toàn Tập đoàn.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu tham quan mô hình giàn khoan của Việt Nam. (Ảnh: TRẦN HẢI) |
Công tác điều hành quản trị biến động được Tập đoàn đặc biệt quan tâm, cụ thể là: chủ động bám sát biến động kinh tế vĩ mô, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, diễn biến thị trường, đưa ra mục tiêu, giải pháp cho từng lĩnh vực, phù hợp với diễn biến giá dầu, cung cầu dầu thô, khí đốt, sản phẩm lọc dầu, hóa dầu trong từng thời điểm để có những quyết sách kịp thời trong điều hành; tập trung tháo gỡ các nút thắt đầu tư, quyết tâm xử lý có kết quả các dự án khó khăn, bước đầu đã đạt được những khả quan;
Đặc biệt tại các dự án trọng điểm đã nhận được chỉ đạo trực tiếp của Đảng, Nhà nước đến nay đã đạt được những kết quả tích cực; nâng cao năng lực cạnh tranh và ứng phó với tốc độ chuyển dịch năng lượng, Tập đoàn tập trung triển khai nghiên cứu các dự án, cơ hội đầu tư là lợi thế của Petrovietnam tại các lĩnh vực chế biến, hóa dầu, hóa chất và năng lượng tái tạo; công tác chuyển đổi số được triển khai rộng rãi, hướng tới ứng dụng hiệu quả các hình thức quản lý tiên tiến của hệ thống quản trị nguồn nhân lực doanh nghiệp (ERP), tập trung công tác quản trị rủi ro trong hoạt động sản xuất-kinh doanh.
Tập đoàn tiếp tục khẳng định vai trò trụ cột của nền kinh tế Việt Nam, góp phần quan trọng bảo đảm: an ninh năng lượng, an ninh lương thực, an ninh kinh tế, an ninh chủ quyền quốc gia và đóng góp quan trọng cho ngân sách Nhà nước: năm 2021 tổng nộp ngân sách nhà nước toàn Tập đoàn đạt 112,5 nghìn tỷ đồng, vượt 80% kế hoạch năm và tăng 36% so với cùng kỳ; 8 tháng đầu năm 2022, tổng nộp ngân sách nhà nước toàn Tập đoàn đạt 90,6 nghìn tỷ đồng, vượt 40% kế hoạch năm 2022 và tăng 45% so cùng kỳ (vượt kế hoạch năm 2022 trước 6 tháng).
Hoạt động sản xuất, kinh doanh 8 tháng đầu năm của Tập đoàn tiếp tục được duy trì ổn định: công tác quản trị sản lượng khai thác đã được áp dụng đồng bộ, hiệu quả, kịp thời các giải pháp/biện pháp kỹ thuật gia tăng sản lượng, duy trì nhịp độ khai thác với hệ số thời gian cao với kết quả khai thác dầu thô đã vượt 23% kế hoạch 8 tháng và bằng 84% kế hoạch năm 2022, bằng mức thực hiện cùng kỳ; sản xuất cung ứng ra thị trường trong nước 1,22 triệu tấn đạm urê, vượt 10% kế hoạch 8 tháng và bằng 72% kế hoạch năm, tăng 9% so với cùng kỳ; sản xuất 4,56 triệu tấn xăng dầu (không bao gồm Công ty Lọc hóa dầu Nghi Sơn), vượt 8% kế hoạch 8 tháng và bằng 74% kế hoạch năm, tăng 5% so với cùng kỳ, đáp ứng được nhu cầu trong nước.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu. (Ảnh: TRẦN HẢI) |
Tập đoàn đã quản trị danh mục các dự án đầu tư trong tất cả 5 lĩnh vực: Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án cấp bách, dự án trọng điểm, đặc biệt là các chuỗi dự án khí-điện, nâng cấp mở rộng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất; tập trung giải quyết các dự án khó khăn, tồn tại các dự án.
8 tháng đầu năm 2022, Tập đoàn đã hoàn thành đầu tư đưa vào khai thác mỏ Đại Nguyệt từ ngày 8/8/2022 (bổ sung thêm 2,13 triệu m3 khí/ngày và 2,4 nghìn thùng condensate/ngày); hạ thủy thành công khối chân đế RC-10 mỏ Rồng ngày 9/6/2022; Hạ thủy thành công chân đế giàn RC-RB1 mỏ Rồng ngày 28/6/2022; Lắp đặt thành công khối thượng tầng giàn CTC-2 mỏ Cá Tầm vào ngày 14/8/2022; Dự án Nhà máy Điện Thái Bình 2 đã hòa lưới điện bằng dầu Tổ máy số 1 vào ngày 12/5/2022, đốt than lần đầu và hòa lưới điện Tổ máy số 1 vào ngày 16/6/2022; Dự án Nhà máy Điện Sông Hậu 1 vận hành thương mại ngày 13/5/2022; Dự án Nhiệt điện Nhơn Trạch 3, 4 đã ký hợp đồng EPC ngày 14/3/2022, sẵn sàng khởi công Dự án.
Petrovietnam đã cập nhật, xây dựng và hoàn thiện chiến lược phát triển đến năm 2030 và tầm nhìn năm 2045 với quan điểm chủ đạo:
Xây dựng, phát triển Petrovietnam gắn liền với chiến lược phát triển ngành Dầu khí Việt Nam, chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam, định hướng phát triển năng lượng quốc gia và chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của đất nước; đồng bộ, hiệu quả và bền vững, có khả năng cạnh tranh, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng cho phát triển đất nước, tham gia tích cực bảo vệ chủ quyền quốc gia, đóng góp hiệu quả công tác an sinh xã hội.
Đẩy nhanh công tác tìm kiếm thăm dò nhằm gia tăng trữ lượng, sản lượng dầu khí, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên dầu khí ở trong nước; tích cực tìm kiếm mở rộng hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí ra nước ngoài trên cơ sở có chọn lọc, trọng điểm.
Tập trung phát triển các lĩnh vực kinh doanh chính bao gồm: Tìm kiếm-Thăm dò-Khai thác dầu khí, Công nghiệp Khí, Công nghiệp Điện, Chế biến - tồn trữ và phân phối sản phẩm dầu khí, Dịch vụ dầu khí, trong đó lĩnh vực Tìm kiếm-Thăm dò-Khai thác dầu khí là cốt lõi. Giữ vững vị trí là nhà cung cấp khí hàng đầu của Việt Nam. Đẩy mạnh phát triển hóa dầu, chế biến sâu các sản phẩm khí và dịch vụ dầu khí chất lượng cao.
Sử dụng tài nguyên tiết kiệm, hiệu quả, gắn liền với bảo vệ môi trường sinh thái. Chủ động thực hiện các giải pháp giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu. Thúc đẩy tìm kiếm và phát triển năng lượng mới, năng lượng tái tạo; tích cực nghiên cứu tìm kiếm thăm dò các dạng hydrocarbon phi truyền thống (khí than, khí nông, khí đá phiến sét, hydrate khí,…). Chủ động xây dựng lộ trình/kế hoạch nhập khẩu nguồn năng lượng sơ cấp (dầu thô, LNG,...) phục vụ phát triển đất nước.
Thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến, thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong mọi hoạt động của Petrovietnam và được triển khai đồng bộ, tổng thể trên tất cả 5 lĩnh vực hoạt động của Petrovietnam phù hợp với Chương trình Chuyển đổi số quốc gia phát triển thành Tập đoàn khai phá tiềm năng về ứng dụng khoa học công nghệ và chuyển đổi số.
Củng cố, phát triển Petrovietnam và các đơn vị thành viên, đặc biệt là các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực cốt lõi; khuyến khích và thu hút các đối tác thuộc mọi thành phần kinh tế ở trong nước và nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào các lĩnh vực hoạt động của Petrovietnam tạo thành chuỗi giá trị gia tăng của ngành Dầu khí; có tiềm lực mạnh về tài chính, có sức cạnh tranh cao, hoạt động hiệu quả, phát triển bền vững, chủ động mở rộng thị trường và tích cực hội nhập quốc tế…
Phát biểu ý kiến kết luận cuộc làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính biểu dương, đánh giá cao những những thành tựu mà Petrovietnam đạt được trong thời gian qua, đóng góp tích cực vào sự nghiệp kinh tế xã hội đất nước; đồng thời chia sẻ với những khó khăn, vất vả của Tập đoàn trong 2 năm đại dịch Covid-19.
Thủ tướng nêu rõ về bài học kinh nghiệm của Tập đoàn, đó là: càng khó khăn, thách thức, nhiệm vụ càng nặng nề thì càng phải đoàn kết, nhất trí, năng động sáng tạo, dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm vì sự nghiệp chung, lợi ích quốc gia, dân tộc. Nắm chắc tình hình, bám sát thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, có tư duy, phương pháp luận, cách tiếp cận giải quyết vấn đề khoa học, hiệu quả. Cán bộ tiếp tục là nhân tố quyết định, vì vậy, xây dựng chăm lo phát triển đội ngũ cán bộ ở các cấp là nhiệm vụ hàng đầu của Tập đoàn; khen thưởng, kỷ luật kịp thời, nghiêm minh; kết hợp hài hoà hợp lý giữa nội lực và ngoại lực; chủ động phân cấp, phân quyền, cá thể hoá trách nhiệm cá nhân.
Dự báo thời gian tới, Thủ tướng nêu rõ, tình hình thế giới và khu vực, trong nước đan xen thời cơ, thuận lợi với khó khăn, thách thức nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn, nhất là đối với ngành Dầu khí, trong đó Petrovietnam có trách nhiệm bảo đảm năng lượng cho đất nước; trong khi lĩnh vực năng lượng biến động mạnh trên thế giới. Từ đó chúng ta xác định rõ nhiệm vụ, giải pháp, mục tiêu phù hợp, linh hoạt.
Petrovietnam không được để thiếu năng lượng, nhất là xăng dầu cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.(Thủ tướng Phạm Minh Chính)
Thủ tướng bày tỏ quan điểm kết hợp hài hoà, hợp lý giữa phát triển kinh tế với bảo đảm an ninh quốc phòng, an ninh kinh tế, ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, thúc đẩy hoạt động đối ngoại; kết hợp hài hoà hợp lý kế thừa ổn định đổi mới, khoa học, hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh, hoàn thiện thể chế; phát triển nhanh nhưng bền vững, hài hoà hợp lý giữa nghiên cứu, thăm dò, khai thác, chế biến sản xuất xăng dầu, hóa chất, xơ sợi.
Về mục tiêu, nhiệm vụ, Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh, Petrovietnam không được để thiếu năng lượng, nhất là xăng dầu cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Xây dựng tập đoàn kinh tế nhà nước lớn mạnh, hiệu quả, là doanh nghiệp chủ lực trong bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, góp phần đắc lực, hiệu quả cho sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, góp phần đổi mới công nghệ, nhất là công nghệ tiên tiến, chuyển đổi số, đa dạng hoá chuỗi cung ứng; gó pphần chống biến đổi khí hậu, chuyển đổi năng lượng xanh; bảo vệ người lao động, bảo đảm an sinh xã hội.
Thủ tướng nêu rõ, khó khăn nổi lên hiện nay là cạnh tranh chiến lược, xu hướng chuyển dịch năng lượng; khó khăn về cơ chế, chính sách còn hạn hẹp; thị trường. Từ đó chúng ta thấy cần đổi mới tư duy, nhận thức, đề ra nhiệm vụ giải pháp phù hợp từng giai đoạn, từng năm, quý để thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị mà Đảng, Nhà nước giao phó.
Thủ tướng nhấn mạnh, phải coi trọng và đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng, xây dựng bộ máy tinh gọn hoạt động hiệu lực, hiệu quả; cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ở tất cả các đơn vị… là nhiệm vụ quan trọng nhất.
Petrovietnam đã quyết tâm rồi thì quyết tâm cao hơn nữa, nỗ lực rồi nỗ lực hơn nữa, cố gắng rồi cố gắng hơn nữa nhất là đổi mới tư duy, phương pháp luận cách tiếp cận xử lý biện pháp lâu dài trong cơ cấu lại sản xuất, kinh doanh, trong phát triển năng lượng tái tạo, trong đổi mới công nghệ, chuyển đổi số, đa dạng hoá chuỗi cung ứng.
(Thủ tướng Phạm Minh Chính)
Thủ tướng chỉ đạo Tập đoàn tập trung giải quyết dứt điểm những vấn đề tồn đọng nhiều năm, không để kéo dài; đẩy mạnh xây dựng các thể chế, cơ chế, chính sách phù hợp sứ mệnh là năng lượng cho phát triển; phù hợp hoàn cảnh, tình hình thực tế, góp phần chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí; sơ kết 7 năm thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 23/7/2015 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển ngành dầu khí Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2035; bổ sung một số cơ chế, chính sách phù hợp nhiệm vụ được giao. Đẩy mạnh đầu tư phát triển trên cơ sở tuân thủ chính sách pháp luật của Nhà nước; cơ cấu lại sản xuất, kinh doanh phù hợp diễn biến tình hình thế giới và khu vực và nhiệm vụ được giao.
Thủ tướng yêu cầu, kết hợp hài hòa giữa thăm dò, khai thác dầu khí với bảo vệ lợi ích quốc gia, độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của đất nước trên biển; chủ động trong hợp tác quốc tế; đầu tư sản xuất các trang thiết bị về khoan, thăm dò; chế biến, sản xuất năng lượng tái tạo, lọc hoá dầu, xơ sợi; bảo đảm bí mật quốc gia, an ninh kinh tế. Đầu tư phát triển phải có trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải, manh mún, chia cắt, không gây lãng phí. Tình hình biến động nhanh, khó lường, khó dự đoán, do đó phải lựa chọn công việc có trọng tâm, trọng điểm, làm việc gì dứt việc đó.
Petrovietnam đã quyết tâm rồi thì quyết tâm cao hơn nữa, nỗ lực rồi nỗ lực hơn nữa, cố gắng rồi cố gắng hơn nữa nhất là đổi mới tư duy, phương pháp luận cách tiếp cận xử lý biện pháp lâu dài trong cơ cấu lại sản xuất, kinh doanh, trong phát triển năng lượng tái tạo, trong đổi mới công nghệ, chuyển đổi số, đa dạng hoá chuỗi cung ứng. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế, kiên trì kiên định các nguyên tắc nhưng linh hoạt, sáng tạo trong thực hiện. Các bộ, ngành phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với Tập đoàn, tạo điều kiện thuận lợi, xử lý ngay, giải quyết công việc cho Petrovietnam. Chính phủ luôn đồng hành, quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo để Tập đoàn phát triển mạnh mẽ.