Những ai am hiểu về thể thao Việt Nam đều biết chúng ta luôn thiếu sự quan tâm trong 2 khâu quan trọng: dinh dưỡng và tâm lý. Hoạt động tập luyện và thi đấu hiện chủ yếu xoay quanh yếu tố chuyên môn. Xuất phát điểm của VĐV Việt Nam không cao, đa số đều ở trong chế độ tập luyện ngày qua ngày từ bé, thời gian dành cho học tập và trau dồi văn hóa không nhiều. Phần thu nhập chính của VĐV thường chỉ đến nếu được tuyển chọn vào đội tuyển quốc gia, trong khi hệ thống thi đấu trong năm khá hạn chế, tiền thưởng ít và đời sống thể thao vẫn ở mức bán chuyên nên các chế độ dinh dưỡng, hồi phục không đúng tiêu chuẩn hoặc dùng theo thói quen cơ thể. VĐV chịu áp lực liên tục, lại thiếu những kiến thức khác, nên đôi khi dù không cố tình thì họ vẫn vi phạm các quy định về phòng, chống doping.
Trong câu chuyện này, trách nhiệm còn thuộc về những nhà quản lý. Ngoại trừ trường hợp cố tình dùng chất cấm để thay đổi kết quả trong thi đấu, những thay đổi khác của VĐV đều có thể phát hiện, xử lý trong quá trình luyện tập hay thi đấu. Điều này tùy thuộc vào sự tận tụy của những người thầy và kiến thức pháp luật, văn hóa mà các VĐV được chuẩn bị trong sự nghiệp của mình.