Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phấn đấu nâng cao mức độ hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của chính quyền các cấp trong thực hiện TTHC, trong đó đến năm 2023 đạt trên 80%, năm 2025 đạt trên 90% mức độ hài lòng.

Kết luận Hội nghị chuyên đề về đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính (TTHC) và hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành phục vụ người dân, doanh nghiệp (ngày 15/9/2022), Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh hội nghị có ý nghĩa quan trọng, góp phần để Chính phủ điều hành kinh tế - xã hội trong tình hình hiện nay, nhất là ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn, ổn định và cải thiện đời sống nhân dân, ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với tích cực, chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả; tất cả vì nhân dân phục vụ.

thu tuong nang cao muc do hai long cua nguoi dan doi voi su phuc vu cua chinh quyen hinh 1

Thủ tướng cho rằng, nhân lực cho giải quyết TTHC còn chưa đáp ứng được nhu cầu, đặc biệt là thiếu nhân lực chất lượng cao trong cơ quan Nhà nước để tổ chức hoạt động chuyển đổi số, xây dựng hệ thống thông tin, dữ liệu.

Tại hội nghị, Thủ tướng cũng đồng tình với các báo cáo và ý kiến, ghi nhận, biểu dương nỗ lực, kết quả mà các cấp, các ngành đạt được trong cải cách TTHC, hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành; song ông cũng yêu cầu phải nhìn nhận thẳng thắn vào các tồn tại, hạn chế cần được sớm khắc phục để công tác này thực chất, hiệu quả hơn.

Cụ thể như, một số lãnh đạo các cấp chưa thực sự quan tâm, quyết liệt chỉ đạo, ưu tiên nguồn lực cho cải cách TTHC; hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành; nhiều nơi triển khai còn hình thức. Sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương, nhất là các sở, ngành có nơi, có lúc còn lúng túng, bị động, thiếu chặt chẽ, hiệu quả.

TTHC trong một số lĩnh vực còn nhiều rào cản, gây bức xúc trong xã hội. Việc cắt giảm, đơn giản hóa quy định kinh doanh chưa được quan tâm thực hiện đúng mức, chưa huy động được sự tham gia tích cực của hiệp hội, doanh nghiệp, người dân trong quá trình cải cách. Người dân, doanh nghiệp còn phải chịu nhiều chi phí đầu vào không cần thiết.

thu tuong nang cao muc do hai long cua nguoi dan doi voi su phuc vu cua chinh quyen hinh 2

"Nếu không nỗ lực đẩy mạnh cải cách TTHC, hiện đại hóa công tác chỉ đạo, điều hành thì chúng ta sẽ tụt hậu trong lúc chúng ta phải tận dụng mọi thời cơ để vươn lên", Thủ tướng phát biểu.

Về nhiệm vụ, giải pháp, Thủ tướng yêu cầu, trước hết, các bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện Nghị quyết 02 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2022, Đề án 06 về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Rà soát, đề xuất phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt trước ngày 30/9 hằng năm; cập nhật đầy đủ, chính xác và công khai kịp thời quy định kinh doanh, chi phí tuân thủ, phương án cải cách trên Cổng tham vấn và tra cứu quy định kinh doanh. Thực hiện việc tham vấn người dân, doanh nghiệp về quy định, vướng mắc, khó khăn và phương án cải cách trên hệ thống này.

Tổ chức thực thi ngay các phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định kinh doanh đã được phê duyệt và phương án phân cấp trong giải quyết TTHC (Quyết định 1015/QĐ-TTg ngày 30/8/2022), đồng thời tập trung rà soát, đơn giản hóa 59 TTHC/nhóm TTHC nội bộ giữa các cơ quan hành chính Nhà nước.

Hoàn thiện, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến, bảo đảm thân thiện với người dùng. Đẩy nhanh tiến độ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC theo đúng quy định của Chính phủ (Nghị định 107/2021/NĐ-CP và Nghị định 45/2020/NĐ-CP).

Thủ tướng lưu ý xã hội hóa một số công đoạn trong tiếp nhận, trả kết quả TTHC, hỗ trợ việc thực hiện TTHC tại Bộ phận một cửa các cấp để tất cả mọi người dân, nhất là những người yếu thế, ở vùng nông thôn, biên giới, hải đảo có thể làm được dịch vụ công trực tuyến.

thu tuong nang cao muc do hai long cua nguoi dan doi voi su phuc vu cua chinh quyen hinh 3

Hội nghị do Văn phòng Chính phủ tổ chức, được kết nối trực tuyến từ Trụ sở Chính phủ tới trụ sở UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các quận, huyện, thị xã trên toàn quốc.

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phấn đấu nâng cao mức độ hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của chính quyền các cấp trong thực hiện TTHC, trong đó đến năm 2023 đạt trên 80%, năm 2025 đạt trên 90% mức độ hài lòng. Tỉ lệ giải quyết đúng hạn tại Trung tâm phục vụ hành chính công phải đạt trên 90%.

Đến cuối năm 2023, tỉ lệ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến phải đạt 50%. Mục tiêu trước mắt là mỗi gia đình sẽ có ít nhất một thành viên có thể thực hiện dịch vụ công trực tuyến. Về lâu dài, chúng ta phải giúp người dân, doanh nghiệp thay đổi nhận thức, thói quen, hành vi thực hiện các dịch vụ hành chính công từ trực tiếp sang trực tuyến.

Cùng với đó, tiếp tục thực hiện nghiêm việc ký số, gửi nhận văn bản và xử lý hồ sơ công việc trên môi trường mạng tại các cấp chính quyền; đẩy nhanh tiến độ xây dựng các phần mềm chế độ báo cáo theo yêu cầu của Nghị định số 09/2019/NĐ-CP và tích hợp, chia sẻ dữ liệu với Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ. Yêu cầu đến cuối tháng 6/2023, tỉ lệ hồ sơ xử lý công văn giấy tờ trực tuyến ở các bộ, ngành Trung ương và cơ quan hành chính cấp tỉnh phải đạt 100%.

Thủ tướng cũng yêu cầu thực hiện kết nối, tích hợp, chia sẻ các thông tin, dữ liệu (Quyết định số 1498/QĐ-TTg ngày 11/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ) và xây dựng các bộ chỉ số phục vụ chỉ đạo, điều hành của bộ, cơ quan, địa phương tích hợp với Trung tâm thông tin, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Phấn đấu đến giữa năm 2023, có 5 bộ, ngành và 10 địa phương hoàn thành xây dựng Bộ Chỉ số điều hành đưa vào hoạt động và tích hợp thông tin, dữ liệu với Trung tâm thông tin, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ...