Nhiều ý kiến phản ánh, việc tiếp cận “nguồn vốn rẻ” (với mức lãi suất hỗ trợ 2%) khá khó khăn với nhiều doanh nghiệp, do các điều kiện quy định cho vay khó đáp ứng được như phải có tài sản bảo đảm để thế chấp.

Chiều 19/8, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải và Đoàn công tác của Quốc hội đã làm việc với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam.

Báo cáo với Đoàn, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Phạm Tấn Công cho biết, sau một năm đầy khó khăn với cộng đồng doanh nghiệp dưới tác động của đại dịch Covid - 19 trong năm 2021, bước sang năm 2022, khu vực doanh nghiệp đã có những bước phát triển tích cực. Thị trường, đặc biệt là thị trường nội địa của các doanh nghiệp trong một số ngành phục hồi trên 75-85% so với thời điểm trước dịch bệnh, trong đó một số ngành như dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành có dấu hiệu phục hồi rõ nét.

nhieu doanh nghiep kho tiep can nguon von re voi muc lai suat ho tro 2 hinh 1

Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Phạm Tấn Công.

Tuy nhiên, theo lãnh đạo VCCI, trong quá trình phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh sau giai đoạn căng thẳng của dịch bệnh Covid-19, các doanh nghiệp phản ánh một số vấn đề khó khăn cần được quan tâm, giải quyết từ nay đến cuối năm 2022 và năm 2023 về chi phí liên quan đến người lao động tăng; khó khăn trong tiếp cận vốn; chi phí đầu vào tăng cao gia tăng chi phí cho doanh nghiệp và vẫn chưa có dấu hiệu giảm nhiệt; tiếp cận đất đai, mặt bằng sản xuất kinh doanh khó khăn; một số ngành đang phục hồi mạnh mẽ như du lịch, dịch vụ đang đối mặt với khó khăn về thiếu hụt nhân lực; mức độ tiếp cận các chương trình trợ giúp doanh nghiệp trong khuôn khổ Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa còn hạn chế. Bên cạnh đó, với một số lĩnh vực, thủ tục hành chính còn gây phiền hà, khó khăn cho việc tuân thủ của doanh nghiệp, như thủ tục trong các lĩnh vực thuế, phí, đất đai, bảo hiểm xã hội và xây dựng.

nhieu doanh nghiep kho tiep can nguon von re voi muc lai suat ho tro 2 hinh 2

Toàn cảnh buổi làm việc.

Đại diện nhiều hiệp hội, doanh nghiệp tham dự cuộc làm việc nhận định, Nghị quyết 43/2022/QH15 là chính sách quan trọng hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sau đại dịch. Các quy định trong các văn bản hướng dẫn, bám sát tinh thần Nghị quyết 43/2022/QH15, xác định “trúng và đúng” đối tượng cần được hỗ trợ. Tuy nhiên, xét về tính kịp thời, Nghị quyết 43 có hiệu lực từ ngày 11/1/2022, các văn bản hướng dẫn của Chính phủ ban hành có độ trễ nhất định. Thống kê về số vốn giải ngân so với kế hoạch cho thấy, tốc độ giải ngân vẫn còn rất chậm. Nếu thực hiện giải ngân tốt hơn sẽ hỗ trợ đáng kể cho các doanh nghiệp phục hồi, phát triển.

Một số ý kiến lưu ý, tiếp cận “nguồn vốn rẻ” (với mức lãi suất hỗ trợ 2%) cũng khá khó khăn với nhiều doanh nghiệp, do các điều kiện quy định cho vay khó đáp ứng được như phải có tài sản bảo đảm để thế chấp. Bên cạnh đó, lãi suất huy động của các ngân hàng thương mại đang có xu hướng tăng, dẫn đến lãi suất cho vay sẽ tăng theo. Thời gian gần đây, một số ngân hàng đã điều chỉnh tăng lãi suất cho vay 1-2% so với trước. Như vậy, khi lãi suất cho vay tăng thì việc ưu đãi lãi suất 2% của chính sách hỗ trợ sẽ giảm đi tính “hỗ trợ” cho các doanh nghiệp.

Phát biểu tại cuộc làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải khẳng định, Đảng, Nhà nước ta luôn coi trọng vai trò của đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân đối với sự phát triển của đất nước.

Trong thời gian tới, Quốc hội sẽ xem xét nhiều dự án luật quan trọng, có tác động rất lớn đến người dân, doanh nghiệp như dự án Luật Đất đai (sửa đổi), dự án Luật Đấu thầu, dự án Luật Giá, dự án Luật Kinh doanh bất động sản, dự án Luật Nhà ở… đòi hỏi cần nghe được thông tin nhiều chiều, từ nhiều đối tượng, chủ thể khác nhau, trong đó có cộng đồng các doanh nghiệp, doanh nhân. Nhấn mạnh đòi hỏi từ thực tế này, Phó Chủ tịch Quốc hội khẳng định, các kiến nghị, đề xuất của VCCI, cộng đồng doanh nghiệp là nguồn thông tin quan trọng từ thực tiễn để kiến nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách, pháp luật trong thời gian tới; đồng thời, cũng thể hiện mục tiêu mà Quốc hội hướng tới là “nghị quyết và chính sách phải mang hơi thở cuộc sống và đổi mới vì lợi ích của Nhân dân và doanh nghiệp”.