Những bài viết phóng sự đi cơ sở nhất là khu vực miền núi luôn là một trong những đề tài gây được sự chú ý độc giả. Tuy nhiên, đằng sau đó đòi hỏi người làm báo phải bỏ công sức, thời gian, hơn hết phải có tình yêu nghề.
Nhà báo Quang Thiều đã có gần 20 năm gắn bó với báo Yên Bái luôn thấy may mắn và tự hào với nghề mà anh đã chọn. Anh được giao phụ trách các bài viết kinh tế bao gồm cả công nghiệp, nông nghiệp, môi trường…, vì vậy muốn có một bài viết hay, nhà báo Quang Thiều không ngại sâu sát cơ sở, trực tiếp tìm hiểu, trải nghiệm, lấy cảm xúc từ thực tế để những bài viết của anh thực sự tạo ra thông tin đắt giá và trở nên hấp dẫn.
Nghề báo gắn liền với những chuyến đi, mỗi chuyến đi là vô vàn kỷ niệm, vui có buồn có. Nói về kỷ niệm tác nghiệp, anh Quang Thiều nhớ nhất chuyến đi lên xã Lâm Thượng, huyện Lục Yên để làm rõ thêm phản ánh của người dân thôn Nà Kèn. Họ phản đối Công ty TNHH Đá Cẩm thạch R.K thực hiện khoan thăm dò, khai thác đá. Mỏ đá trắng Nà Kèn rộng 136,77 ha, nằm dưới chân núi, nơi có hàng trăm hộ dân sinh sống. Tháng 1/2016, Công ty TNHH đá cẩm thạch R.K thăm dò trên diện tích 101,1 ha trong 48 tháng.
Khi biết công nhân Công ty TNHH đá cẩm thạch R.K thăm dò thực địa, nhiều người dân thôn Nà Kèn không đồng ý vì cho rằng sẽ ảnh hưởng đến môi trường. Họ đã phản ánh đến cơ quan báo chí, cho con em nghỉ học cùng mọi người lên núi phản đối để giữ đất, giữ nguồn nước. Vụ việc dẫn đến xô xát giữa lực lượng bảo vệ của công ty và người dân, đã có nhiều người bị thương, nhà báo Quang Thiều được Báo Yên Bái phân công tìm hiểu. Lúc đó trên mạng xã hội lợi dụng sự việc này đã xuất hiện nhiều bài viết, tin nhắn kích động gây mâu thuẫn giữa chính quyền và người dân.
Sau khi kiên trì tìm hiểu và trao đổi với người dân, nhận định đây có thể là một số phần tử muốn kích động xung đột giữa người dân với chính quyền, nhà báo Quang Thiều kêu gọi người dân bình tĩnh, tỉnh táo, không tham gia vào các hoạt động tụ tập, kích động. Đồng thời thông tin về Báo Yên Bái và UBND huyện Lục Yên. Sau đó huyện Lục Yên và người dân nhất trí tổ chức đối thoại giữa người dân và lãnh đạo huyện, tỉnh, Bộ Tài Nguyên và Môi trường tại xã Lâm Thượng để giải đáp thỏa đáng những khúc mắc của người dân. Vụ việc đã được giải quyết hài hòa giữa quyền lợi của người dân, địa phương và doanh nghiệp.
Chia sẻ kinh nghiệm sau mỗi chuyến đi, nhà báo Quang Thiều cho biết: “Khi viết kinh tế cần dành thời gian tìm hiểu trước mọi vấn đề, so sánh trước đây và bây giờ. Như viết về nông nghiệp, không chỉ biết sâu về trồng trọt, chăn nuôi mà còn hiểu rất rõ về các giống lúa thuần, lúa lai, hay các bệnh thường gặp của ngô, của lúa, thậm chí phải nắm chắc cả quy hoạch, kế hoạch, rồi tình hình xuất nhập khẩu, tiêu thụ nông sản, cơ chế hỗ trợ, đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn... Đặc biệt là cần cập nhật thông tin, văn bản mới của ngành, lĩnh vực được phụ trách để hiểu, chuyển tải thông tin cho đúng, chính xác và hấp dẫn bạn đọc”.
Với nhà báo Quang Thiều, thực tế cuộc sống luôn là nguồn gốc của mọi bài báo, thế nên đi cũng là để tìm đề tài, chất liệu báo chí và lắng nghe, phản ánh tâm tư, nguyện vọng của người dân, những chuyến đi cũng giúp anh nuôi dưỡng cảm xúc, rèn sự kiên trì, đồng thời từng bước trau dồi, rèn giũa anh trở thành một phóng viên kinh nghiệm và bản lĩnh hơn.
Tại tỉnh Quảng Nam, nhà báo Alăng Ngước - Báo Quảng Nam vẫn được biết đến là phóng viên miền núi, mỗi chuyến đi của anh kéo dài cả tháng, mỗi chuyến đi đó a đều thu lượm được những điều thú vị. Bởi câu chuyện hôm nay và ngày mai đều hoàn toàn khác. Những gương mặt người mới gặp hôm qua, câu chuyện của họ hôm nay cũng sẽ khác. Và nếu không đi, không gặp, sẽ không có câu chuyện để gom nhặt cho nghề.
Nhà báo Alăng Ngước cho rằng: “Mỗi người có một cách nhìn nhận vấn đề để khai thác, với tôi mọi thứ cũng vậy, nhưng đôi khi có vài câu chuyện không chỉ dừng ở vai trò “người đi kể”, mà xa hơn là góp thêm tiếng nói cho cộng đồng. Tôi hay nói đùa, nghề báo là nghề đi kể lại câu chuyện của người khác. Dưới góc nhìn của mỗi người, câu chuyện sẽ trở nên sinh động và cuốn hút. Nhưng đã là nghề báo thì tuyệt đối không được bịa ra chuyện không có thật, phi thực tế”.
Một chuyến đi về với núi rừng anh không cảm thấy khó khăn, coi đó như nhiều “cuộc rong chơi” để mọi thứ nhẹ nhàng hơn, tâm lý thoải mái rằng mình sẽ gắn bó với núi rừng giúp anh có niềm cảm hứng để hình thành các tác phẩm phóng sự, ghi chép được độc giả đón nhận.
Năm 2021, nhà báo Alăng Ngước dành giải B Giải Báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng lần thứ VI với loạt bài phóng sự “Ánh sáng ở vùng cao”, nội dung với những nhân vật đậm chất đồng bào dân tộc miền núi. Trong loạt bài đó, anh miêu tả chi tiết câu chuyện về tình nghĩa đồng bào Cơ Tu đối với thành viên cộng đồng làng mình. Tất cả đều là những câu chuyện người thật, việc thật và nhờ đó đã chạm đến trái tim độc giả.
Để thực hiện loạt tác phẩm đó, anh đã mất một tháng tìm hiểu và tổng hợp tư liệu. Chuyến tác nghiệp miền núi thật sự như một chuyến phiêu lưu, bởi anh hẹn gặp nhân vật ở vùng cao là điều cực kỳ khó khăn. Nhiều người đi làm nương rẫy, họ vào rừng từ rất sớm đến tối mới về, vì thế có khi mất cả ngày để chờ.
“Tôi thường chia sẻ với đồng nghiệp, khi liên hệ tác nghiệp ở vùng cao, nên rèn trước kỹ năng chờ. Bởi, nếu không chờ, sẽ không có những câu chuyện thực tế từ nhân vật và hơn cả, là phải biết “chiều” họ trong cuộc hàn huyên để khai thác được chi tiết đắt” anh Alăng Ngước chia sẻ.
Có thể nói, đối với nhiều người dân hay cán bộ xã, huyện miền núi với những nhà báo cơ sở sẽ mãi là những người bạn đồng nghiệp gần gũi, tin cậy và yêu quý. Nhờ nhà báo đi cơ sở đó, họ được bày tỏ tâm tư, nguyện vọng, được chia sẻ cả niềm vui lẫn nỗi buồn. Nhà báo đi cơ sở, họ có thể đến từ nhiều cơ quan báo chí khác nhau, ở trung ương hay địa phương nhưng họ vẫn đang từng ngày, từng giờ cống hiến cho nền báo chí với bản lĩnh và trách nhiệm luôn thường trực.