Phòng chống tham nhũng tiêu cực là một nhiệm vụ được TPHCM luôn quan tâm thực hiện. Trong ảnh: TPHCM ra mắt Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Ảnh: VIỆT DŨNG
Tỉnh táo đề phòng và kiên quyết tiêu diệt
Sự lựa chọn mục tiêu phát triển của Việt Nam, xét từ mọi góc độ, không nằm ngoài xu thế tất yếu của nhân loại tiến bộ. Đây là một tiến trình lựa chọn của lịch sử. Những năm đầu thế kỷ XX, “câu hỏi về vận mệnh của dân tộc vẫn treo trước nhiều thế hệ người Việt Nam như một thách thức sinh tử”(1). Nhưng suốt thế kỷ XX và những thập niên đầu của thế kỷ XXI, một tất yếu, một nhu cầu càng trở nên khách quan, thường trực đối với sự phát triển tương lai của Việt Nam là cần phải đẩy tới một cách mạnh mẽ, vững chắc cả về quy mô, tốc độ và chiều sâu sự nghiệp đổi mới xây dựng chủ nghĩa xã hội (CNXH).
Rõ ràng, sự lựa chọn mục tiêu tiến lên CNXH của Đảng và nhân dân ta, xét về logic là một tất yếu khách quan. Xét về lịch sử, là hoàn toàn phù hợp với sự vận động của cách mạng Việt Nam, với xu thế phát triển của thời đại và phù hợp với nguyện vọng của nhân dân lao động Việt Nam. Đây là chân lý đã được thử thách và minh định trong thực tiễn đấu tranh cách mạng của nhân dân Việt Nam hơn 90 năm qua, nhất là qua 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới. Trong tiến trình, sự nghiệp vĩ đại đó, toàn Đảng, toàn dân đã phát huy được tinh thần yêu nước, đoàn kết, chung sức, đồng lòng, ý chí quyết tâm, bản lĩnh, sáng tạo, nỗ lực phấn đấu đạt được những thành tựu rất quan trọng, “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”(2).
Những thành tựu đó là sản phẩm kết tinh sức sáng tạo, là kết quả của cả một quá trình nỗ lực phấn đấu bền bỉ, liên tục qua nhiều nhiệm kỳ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta; tiếp tục khẳng định con đường đi lên CNXH của chúng ta là đúng đắn, phù hợp với quy luật khách quan, với thực tiễn Việt Nam và xu thế phát triển của thời đại; đường lối đổi mới của Đảng ta là đúng đắn, sáng tạo; sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam.
Trong tiến trình xây dựng CNXH ở Việt Nam, một vấn đề mang tính khách quan là, cần có sự thống nhất về nhận thức, sự đồng tâm về tư tưởng, sự tỉnh táo và đúng đắn trong việc xử lý các cảnh huống (được coi là các tình huống gay go và phức tạp). Đặc biệt, việc khắc phục và ngăn ngừa những khuynh hướng tự phát, vô chính phủ, nhất là chủ nghĩa cơ hội và chủ nghĩa thực dụng mà biểu hiện rõ nhất là tham nhũng, tiêu cực là vấn đề vừa mang tầm chiến lược, vừa có tính thời sự, cấp bách, đúng như ông cha ta đã từng nói: “Mất niềm tin là mất hết! Nếu lòng tin nơi đồng sự với nhau, nơi muôn dân với cán bộ, với thể chế bị đánh cắp, thật không còn gì nguy hiểm hơn”(3).
Trong tờ Quốc lệnh do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký và ban hành năm 1946, với mục đích “cho quân dân biết rõ những tội nên tránh, những việc nên làm”(4), có ghi rõ: “Trộm cắp của công sẽ bị xử tử”(5). Năm 1965, tại Hội nghị Bồi dưỡng chỉnh huấn do Trung ương triệu tập, Người tiếp tục cảnh báo: “Trong hàng chục vạn cán bộ và đảng viên xứng đáng, còn lẫn vào một số người thấp kém về tinh thần và đạo đức cách mạng. Họ còn mang nặng chủ nghĩa cá nhân trong mình”(6). Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ, đó là những người “coi Đảng như một cái cầu thang để thăng quan phát tài. Họ không quan tâm đến đời sống của nhân dân mà chỉ lo nghĩ đến lợi ích của riêng mình... Họ tự cho mình có quyền sống xa hoa hưởng lạc, từ đó mà đi đến tham ô, trụy lạc, thậm chí sa vào tội lỗi”(7). Vì vậy, họ chính là “kẻ thù nguy hiểm mà mỗi người chúng ta phải luôn luôn tỉnh táo đề phòng và kiên quyết tiêu diệt”(8).
Trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt
Tại Hội nghị toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa VII (tháng 1-1994), Đảng ta cảnh báo nghiêm khắc một trong những nguy cơ trong quá trình xây dựng CNXH là “nạn tham nhũng và các tệ nạn xã hội”(9).
Trong báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng cũng khẳng định: “Tham nhũng, lãng phí trên một số lĩnh vực, địa bàn vẫn còn nghiêm trọng, phức tạp, với những biểu hiện ngày càng tinh vi, gây bức xúc trong xã hội”(10). Nhận định đó thể hiện sự cảnh tỉnh, đánh giá đúng tầm của nguy cơ tham nhũng, tiêu cực.
Để vượt qua nguy cơ này, điều tiên quyết là phải nâng cao sức chiến đấu của các tổ chức Đảng, tính gương mẫu của đảng viên, đặc biệt là cán bộ lãnh đạo, đồng thời nâng cao năng lực lãnh đạo cầm quyền của Đảng, kiên quyết và kiên trì trong đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực.
Có thể khẳng định, bằng quyết tâm và sự đồng thuận với phương châm “Trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt” của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, của cả hệ thống chính trị, mặt trận đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam thời gian qua đã đạt được những kết quả hết sức nổi bật.
Trên cơ sở những dấu ấn nổi bật đó, phát huy kết quả và rút kinh nghiệm về công tác đấu tranh, phòng chống tham nhũng trong các giai đoạn trước, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng đã được Trung ương lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, bài bản, ngày càng đi vào chiều sâu, có bước tiến mạnh, đạt nhiều kết quả cụ thể, rất quan trọng, toàn diện, để lại dấu ấn tốt, tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội, và thực sự “đã trở thành phong trào, xu thế không thể đảo ngược”, được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao, được bạn bè quốc tế ghi nhận. Tham nhũng từng bước đã được kiềm chế, ngăn chặn, góp phần quan trọng giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, củng cố thêm niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng, Nhà nước ta.
Theo kết quả điều tra dư luận xã hội do Ban Tuyên giáo Trung ương tiến hành mới đây, đại đa số ý kiến của người dân (93%) bày tỏ tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng trong đấu tranh phòng chống tham nhũng, khiến cho mọi sự xuyên tạc, chống phá của các thế lực xấu, thù địch đều trở nên trơ trẽn, nực cười”(11).
Kết quả đó còn vừa là thành công lớn trong công tác phòng chống tham nhũng trong thời gian qua, vừa khẳng định chỉ trong đấu tranh và công tác hàng ngày, khi quần chúng rộng rãi thừa nhận chính sách đúng đắn và năng lực lãnh đạo của Đảng, tin vào Đảng và một lòng theo Đảng, thì Đảng mới giành được địa vị lãnh đạo. Đây là phương châm cầm quyền của Đảng. Đặc biệt, đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực hiệu quả là sự định vị vị thế, là lòng tin chính trị mang tầm chiến lược trong quá trình hội nhập với thế giới đương đại.
Theo số liệu công bố tại Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2012-2022 và định hướng hoạt động cho giai đoạn tới, trong giai đoạn 2012-2022, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật 2.740 tổ chức đảng, hơn 167.700 cán bộ, đảng viên, trong đó có 7.390 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng; đã kỷ luật 170 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý, trong đó có 4 Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, 29 Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, 50 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang. |
(1) Nhị Lê, Chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam - Lôgíc đổi mới và phát triển, NXB Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr.20.
(2) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, tập 1, NXB. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr.25.
(3) Nhị Lê, Chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam - Lôgíc đổi mới và phát triển, NXB Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr.452.
(4) Hồ Chí Minh toàn tập, tập 4, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2015, tr.189.
(5) Hồ Chí Minh toàn tập, tập 4, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2015, tr.189.
(6) Hồ Chí Minh toàn tập, tập 14, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2015, tr.468.
(7) Hồ Chí Minh toàn tập, tập 14, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2015, tr.469.
(8) Hồ Chí Minh toàn tập, tập 14, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2015, tr.469.
(9) Hội nghị Đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa VII (20 - 25-1-1994), https://tulieuvankien.dangcongsan.vn/ban-chap-hanh-trung-uong-dang/dai-hoi-dang/lan-thu-vii/hoi-nghi-dai-bieu-toan-quoc-giua-nhiem-ky-khoa-vii-20-2511994-15.
(10) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, tập 1, NXB Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr.94.
(11) Phát biểu kết luận của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2013-2020.
-------------------------------------------------------------------------------------------
Phòng chống tham nhũng, tiêu cực - Nhiệm vụ cấp bách và cần kíp - Bài 2: Kiểm soát quyền lực - thanh bảo kiếm quan trọng
Cán bộ chủ chốt quận 12 học tập tác phẩm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: SONG ANH
Nghiên cứu tác phẩm của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, có thể rút ra những luận điểm liên quan đến PCTNTC, cụ thể:
Thứ nhất, Tổng Bí thư đặc biệt quan tâm đến công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, trong đó vấn đề PCTNTC được xác định là nhiệm vụ cốt lõi, cấp bách và sống còn. Nếu toàn bộ tác phẩm có 29 bài viết bàn về những nội dung cơ bản trong quá trình xây dựng CNXH, thì toàn bộ 29 bài viết đều chứa đựng sự quan tâm của Tổng Bí thư về đạo đức, nhân cách của đội ngũ cán bộ đảng viên mà trọng tâm là PCTNTC.
Thứ hai, xuyên suốt toàn bộ những bài viết trong tác phẩm, có thể thấy “mặt trận” đấu tranh PCTNTC trong Đảng ta thời gian qua là một cách làm khoa học, dân chủ, thể hiện tầm nhìn, quyết tâm hoàn thiện thể chế vận hành trong Đảng và là thước đo về hiệu quả hành động của Đảng. Với Tổng Bí thư, vấn đề không chỉ ở quyết tâm chống: không sợ sệt; đối tượng chống: rõ ràng, đúng, trúng; phương châm chống: kiên định, không dao động, nửa vời mà còn là ở nghệ thuật chống: bước đi phù hợp, hiệu quả và lực lượng chống: mạnh mẽ, kiên quyết, kiên tâm và đông đảo…
Thứ ba, qua những bài viết liên quan đến đấu tranh PCTNTC trong tác phẩm, Tổng Bí thư đã chỉ rõ những lĩnh vực, hành vi, đối tượng tham nhũng, tiêu cực, từ đó phản ánh rõ nét tính chất nguy hiểm của hành vi này trong quá trình xây dựng CNXH.
Theo đó, tham nhũng, tiêu cực trong đội ngũ cán bộ, đảng viên thời gian qua thuộc nhiều lĩnh vực (chứng khoán, trái phiếu, đất đai, y tế, ngoại giao…), thậm chí thuộc những lĩnh vực bí mật, được cho là “vùng cấm, nhạy cảm”, chủ yếu là cán bộ cấp cao, hành vi rất nghiêm trọng, liên quan đến tài sản rất lớn. Mặt khác, tham ô, tham nhũng không còn riêng lẻ, mà mang tính chất tập thể, có tổ chức, cấu kết chặt chẽ, tinh vi. Trong nhiều vụ án, đặc biệt trong đại án Việt Á, sự cấu kết, thông đồng của nhiều cơ quan có thẩm quyền (y tế, khoa học công nghệ, quân đội…) cùng với doanh nghiệp “bắt tay”, hình thành “liên minh ma quỷ” để nâng giá, trục lợi trên nỗi đau sinh mệnh của đồng bào.
Những “đại án” đó là minh chứng về sự nguy hiểm trong cuộc cấu kết giữa quyền lực chính trị tha hóa và quyền lực kinh tế lũng đoạn, là hồi chuông báo động sự suy thoái diễn ra công khai, nhiều người, nhiều ban ngành cùng liên quan…
Thứ tư, những bài viết của Tổng Bí thư trong tác phẩm thể hiện rõ nét, khẳng định công tác PCTNTC trở thành một trong những dấu ấn nổi bật với những kết quả quan trọng, rõ rệt, được cán bộ, đảng viên, nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao(1) và quốc tế ghi nhận.
Theo Tổng Bí thư, công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế được tiến hành mạnh mẽ, quyết liệt, không để oan sai, không bỏ lọt tội phạm. Hình phạt đối với các bị cáo phạm tội tham nhũng là sự cảnh báo nghiêm khắc cho sự lạm dụng quyền lực xâm phạm lợi ích của Nhà nước và nhân dân. Nhiều vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, kể cả những vụ việc tồn đọng từ nhiều năm trước và các vụ án xảy ra trong ngành, lĩnh vực được cho là “vùng cấm, nhạy cảm” được tập trung chỉ đạo điều tra, làm rõ bản chất chiếm đoạt, vụ lợi; xử lý nghiêm minh, công khai, kể cả cán bộ cao cấp, đương chức hay nghỉ hưu… Những kết quả đó đã để lại dấu ấn nổi bật, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội và củng cố, tăng cường niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.
Thứ năm, bên cạnh việc chỉ rõ những kết quả đặc biệt quan trọng của công tác đấu tranh PCTNTC, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng còn chỉ ra những nhận thức không đúng, không trúng trong quá trình thực thi mặt công tác này.
Tổng Bí thư nhấn mạnh, không phải như một số ý kiến cho rằng, nếu quá tập trung vào chống tham nhũng, xây dựng, chỉnh đốn Đảng sẽ làm giảm sự đổi mới, sáng tạo, làm “chùn bước” những người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung và làm “chậm” sự phát triển đất nước. Ngược lại, chính nhờ làm tốt công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đẩy mạnh đấu tranh phòng chống tham nhũng đã góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, tăng cường quốc phòng, an ninh và đối ngoại. Mặt khác, chính sự quyết liệt, kiên trì, không chỉ là một “cao trào”, không thể “chững lại” và “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai, không chịu sức ép của bất kỳ cá nhân nào” đã góp phần “đấu tranh phản bác luận điệu của các thế lực thù địch, chống đối cho rằng đấu tranh phòng chống tham nhũng, xử lý cán bộ, đảng viên sai phạm là “đấu đá nội bộ”, “phe cánh”(2).
Sáu là, đọc những bài viết trong tác phẩm, có thể thấy rõ Tổng Bí thư rất chú trọng đến các biện pháp nhằm đấu tranh PCTNTC hiệu quả, trong đó đặc biệt nhấn mạnh việc sử dụng yếu tố “xây” và “chống” trên trận tuyến cam go này.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Chúng ta không chỉ chống mà lâu dài cần phải xây. Chống tham nhũng, tiêu cực phải làm quyết liệt, xảy ra thì phải chống, nhưng không phải cứ nhăm nhăm chống, mà quan trọng là phải xây để ngăn ngừa, răn đe. Ai trót nhúng chàm rồi thì tự gột rửa đi. Như thế là tốt nhất. Không phải cứ xử tử, hay chung thân mới là kết quả tốt. Cái chính là người đó phải nhận ra sai lầm, phải thu hồi được tài sản, không để thất thoát…”(3).
Qua các vụ án tham nhũng, mất mát tiền bạc, vật chất đã đau xót, nhưng mất mát con người, mất mát niềm tin còn đau xót hơn nhiều, vì vậy phương cách phòng ngừa, ngăn chặn, gột rửa trong từng con người là phương cách khả dụng, cực kỳ hữu hiệu. Bên cạnh đó, Tổng Bí thư cũng đặc biệt chú trọng đến việc xây dựng, hình thành và sử dụng tốt các cơ chế kiểm soát quyền lực. Trong tác phẩm, cụm từ “kiểm soát quyền lực” đã được nhắc lại rất nhiều lần, xem đó là “thanh bảo kiếm” tối quan trọng trong đấu tranh PCTNTC.
Đặc biệt, trong bài viết “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”(4), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định mong mỏi, nguyện vọng và mục tiêu chính đáng của dân tộc Việt Nam: “Chúng ta cần một xã hội mà trong đó sự phát triển là thực sự vì con người, chứ không phải vì lợi nhuận mà bóc lột và chà đạp lên phẩm giá con người… Chúng ta cần một xã hội nhân ái, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, hướng tới các giá trị tiến bộ, nhân văn, chứ không phải cạnh tranh bất công, “cá lớn nuốt cá bé” vì lợi ích vị kỷ của một số ít cá nhân và các phe nhóm… Và chúng ta cần một hệ thống chính trị mà quyền lực thực sự thuộc về nhân dân, do nhân dân và phục vụ lợi ích của nhân dân, chứ không phải chỉ cho một thiểu số giàu có”. Thông điệp trên đã khẳng định, CNXH là hiện thân của chủ nghĩa nhân đạo được xây nền, rọi sáng bởi những giá trị văn hóa có tính khai sáng của nhân loại. Đây là hệ giá trị mà sự tu dưỡng đạo đức của toàn thể đội ngũ cán bộ, đảng viên và một tinh thần kiên quyết đấu tranh PCTNTC có ý nghĩa quyết định. |
----------------------------------
(1) Theo kết quả điều tra dư luận xã hội do Ban Tuyên giáo Trung ương thực hiện mới đây, tuyệt đại đa số ý kiến người dân (93%) bày tỏ tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng trong đấu tranh phòng chống tham nhũng.
(2) Tài liệu đã dẫn, tr.401.
(3) Bài phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri tại đơn vị bầu cử số 1 (quận Ba Đình, Hoàn Kiếm) sáng 13-5-2018, https://laodong.vn/thoi-su/ai-trot-nhung-cham-roi-thi-tu-got-rua-di-khong-phai-cu-xu-tu-hay-chung-than-moi-la-tot-606775.ldo.
(4) Bài viết nhân dịp kỷ niệm 131 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5-1890 - 19-5-2021) và bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, ngày 15-5-2021.
VIỆT LÂM - SONG HƯƠNG