Doanh nghiệp ở Bình Phước chuẩn bị sầu riêng để xuất khẩu. Ảnh: BÙI LIÊM
Khẳng định thương hiệu
Ông Huỳnh Văn Mười, ấp 3, xã Cẩm Sơn, huyện Cai Lậy (tỉnh Tiền Giang) cho biết, gần 8.000m2 đất trồng sầu riêng của gia đình ông đã áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và tham gia tổ hợp tác. Tuy nhiên, thời gian qua, sầu riêng chưa xuất khẩu được vào thị trường Trung Quốc nên đến mùa thu hoạch, giá cả biến động thất thường. Vào mùa thu hoạch rộ, giá giảm, thương lái bỏ cọc khiến người trồng sầu riêng bất an… “Khi có thông tin Trung Quốc nhập khẩu sầu riêng của Việt Nam theo đường chính ngạch, chúng tôi rất mừng”, ông Mười nói.
Tiền Giang là tỉnh đứng đầu cả nước về diện tích trồng sầu riêng, năng suất hơn 25 tấn/ha, sản lượng đạt gần 231.000 tấn. Tỉnh có trên 110 cơ sở thu mua, sơ chế, đóng gói, chế biến sầu riêng; 30 kho lạnh, với tổng công suất khoảng 3.000 tấn. Sầu riêng của tỉnh Tiền Giang xuất khẩu 70% tổng sản lượng qua thị trường Trung Quốc bằng hình thức tiểu ngạch. Từ năm 2018 đến nay, ngành nông nghiệp đã hướng dẫn nhà vườn canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP và đã có 15 cơ sở với 184ha được chứng nhận VietGAP, sản lượng hơn 3.600 tấn/năm.
Trong số 51 MSVT được cấp, Bình Phước có 5 vườn trồng với hơn 300ha sầu riêng được cấp mã số. Ông Trương Văn Đảo, Chủ tịch HĐQT HTX Bàu Nghé, cho biết, hiện HTX có hơn 140ha sầu riêng, hầu hết đã cho thu hoạch. “Khi phía Trung Quốc cấp MSVT, đủ tiêu chuẩn để xuất chính ngạch, những container sầu riêng đầu tiên của HTX dự kiến sẽ được xuất vào đầu quý 4 tới”, ông Đảo nói.
Tương tự, HTX cây ăn trái Nông Thành Phát (xã Phước Tân, huyện Phú Riềng) với hơn 30 thành viên, cũng vừa được cấp MSVT, đang tất bật chuẩn bị cho những container sầu riêng đầu tiên xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Ông Nguyễn Xuân Hòa, Giám đốc HTX, cho biết: “Khi được cấp MSVT, chúng tôi đã liên kết với các doanh nghiệp xuất khẩu để tiêu thụ sản phẩm cho bà con. Điều này giúp đầu ra ổn định, nâng giá trị của trái sầu riêng lên cao hơn”.
Theo Sở NN-PTNT tỉnh Bình Phước, nhiều doanh nghiệp trồng sầu riêng nhận thấy tiềm năng xuất khẩu sầu riêng nên đã sớm tư duy, thay đổi chuỗi sản xuất. Bình Phước cũng vạch ra lộ trình xuất khẩu sầu riêng chính ngạch vào Trung Quốc bằng việc chuẩn bị 1.500ha với 33 cơ sở vùng trồng. Theo bà Lê Thị Ánh Tuyết, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bình Phước, địa phương có lợi thế điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp trồng được các loại sầu riêng. Sau 3 năm kiến thiết cơ bản, đến năm thứ 4, cây sầu riêng trên đất Bình Phước đã cho trái có vị ngọt thanh đậm, múi thơm, cơm dày. Đây là những điều kiện tốt để xây dựng thương hiệu sầu riêng Bình Phước.
Là tỉnh có diện tích sầu riêng đứng thứ 2 cả nước, năm 2022, Đắk Lắk ước sản lượng thu hoạch là 170.000 tấn và đến năm 2025 là trên 300.000 tấn. Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Y Giang Gry Niê Knơng, tỉnh đã được Tổng cục Hải quan Trung Quốc phê duyệt 4 mã cơ sở đóng gói sầu riêng và 23 MSVT (chiếm 45% MSVT cả nước được phê duyệt), với diện tích 1.500ha (chiếm 18,3% diện tích sầu riêng cho thu hoạch của tỉnh). Ngoài ra, tỉnh đã thành lập mới 17 HTX sản xuất sầu riêng, nâng tổng số lên 415 HTX. Đây là điều kiện quan trọng để xuất khẩu chính ngạch sầu riêng quả tươi vào Trung Quốc ngay từ vụ sầu riêng năm 2022 của tỉnh Đắk Lắk.
Tận dụng cơ hội
Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Tiền Giang vừa có văn bản gửi đến các địa phương trồng sầu riêng để tiếp tục tuyên truyền, phổ biến và vận động các tổ chức, cá nhân có nhu cầu xuất khẩu sầu riêng sang thị trường Trung Quốc nộp hồ sơ xin cấp MSVT và mã số cơ sở đóng gói. Ông Đặng Văn Tuấn, Quyền Giám đốc Sở Công thương tỉnh Tiền Giang, cho biết, tỉnh sẽ tổ chức hội thảo hướng dẫn xuất khẩu nông sản chính ngạch sang thị trường Trung Quốc; tiếp tục tuyên truyền nội dung Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với trái sầu riêng xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc, hướng dẫn địa phương và nhà vườn trồng sầu riêng chủ động sản xuất đáp ứng các quy định; tuyên truyền cho người dân, doanh nghiệp về mục đích, yêu cầu cấp MSVT xuất khẩu, cũng như quy định về thiết lập và giám sát MSVT, cơ sở đóng gói…
Theo Bộ NN-PTNT, quản lý và kiểm soát quy hoạch, cũng như quản lý và cấp MSVT cho sầu riêng là vấn đề đáng quan tâm hiện nay. Bộ đã có quy hoạch chung cho khu vực Nam bộ, trách nhiệm kiểm soát quy hoạch và hướng dẫn bà con canh tác là chính quyền địa phương. Trong 15 tỉnh có diện tích sầu riêng hơn 1.000ha, 3 tỉnh có diện tích và sản lượng lớn nhất lần lượt là: Tiền Giang, Đắk Lắk và Lâm Đồng. Tây Nguyên và ĐBSCL được xem là 2 thủ phủ sầu riêng của Việt Nam, với diện tích trồng vượt 16.000ha/khu vực. Mặc dù tiềm năng xuất khẩu lớn, song các địa phương cần khuyến cáo bà con không phát triển ồ ạt, dẫn đến tái diễn tình trạng trồng - chặt như đã xảy ra với nhiều loại khác. |
Còn tại Long An, ông Mai Văn On, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Tân Thạnh, cho biết, ngành nông nghiệp đang hướng dẫn nhà vườn hoàn tất các thủ tục để cấp MSVT; hướng dẫn nhà vườn canh tác sầu riêng áp dụng các tiêu chuẩn như: kiểm dịch thực vật, an toàn thực phẩm, phòng chống Covid-19, ghi chép nhật ký sản xuất…
Tại tỉnh Bến Tre, theo ông Bùi Thanh Liêm, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Chợ Lách, địa phương đang hoàn tất thủ tục để cấp MSVT sầu riêng ở xã Hòa Nghĩa với diện tích hơn 45ha. Ngành nông nghiệp đang tiếp tục khuyến khích các tổ hợp tác, HTX phát triển vườn sầu riêng hữu cơ tại địa phương để đáp ứng các điều kiện xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc. Còn ông Võ Văn Nam, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Bến Tre, phát biểu, tỉnh có gần 98ha sầu riêng được cấp chứng nhận VietGap. Dự kiến, có 2 vùng trồng ở xã Tân Phú (huyện Châu Thành) và Hòa Nghĩa (huyện Chợ Lách) sẽ được cấp MSVT. Hiện chi cục đã hoàn thiện hồ sơ gửi Cục Bảo vệ thực vật và đang chờ phía Trung Quốc cấp MSVT là đủ tiêu chuẩn xuất khẩu chính ngạch.
Trong khi đó, việc quản lý MSVT đang khiến các địa phương băn khoăn. Ông Nguyễn Văn Sang, Chủ tịch UBND xã Tam Bình (huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang), cho biết, xã có 1.550ha sầu riêng, tuy nhiên địa phương đang lúng túng trong việc quản lý MSVT. “Cái khó hiện nay là địa phương chưa biết giao việc quản lý MSVT này cho doanh nghiệp hay hộ nông dân vì chưa có sự thống nhất. Địa phương đang chờ ngành nông nghiệp hướng dẫn để bảo vệ quyền lợi của người dân”, ông Sang nói. Tại Long An, ngành chức năng cũng đang lo lắng việc khi có MSVT sẽ quản lý ra sao để đảm bảo quyền lợi của người dân và doanh nghiệp.
- Ông HOÀNG TRUNG, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT): Tiềm năng xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc là rất lớn, nhưng đến nay, tỷ lệ và sản lượng sầu riêng mà Việt Nam được cấp phép xuất sang Trung Quốc còn rất ít so với tổng diện tích và sản lượng. Hiện cả nước đang có hơn 85.000ha, nếu tính cả diện tích của các doanh nghiệp đang hoàn thiện hồ sơ thì sản lượng xuất khẩu cũng chỉ chiếm 7% tổng diện tích trồng sầu riêng của Việt Nam. Trong khi đó, theo đăng ký của các doanh nghiệp, sản lượng lên đến 1,3 triệu tấn. Hiện nay, còn 55 MSVT và cơ sở đóng gói chưa được cơ quan chức năng của Trung Quốc chấp thuận. Nguyên nhân là do hồ sơ chưa hoàn thiện, chưa đáp ứng được các yêu cầu kỹ thuật. Nếu không kiểm soát chặt chẽ và không tuân thủ nghiêm túc quy định tại Nghị định thư mà hai nước đã ký kết, sẽ dẫn đến tình trạng gian lận, không đảm bảo chất lượng hàng hóa, vi phạm các quy định xuất khẩu và có nguy cơ mất uy tín. - Bà NGUYỄN THỊ THU HƯƠNG Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật: Để giữ uy tín với thị trường nhập khẩu, đối với vùng trồng, cơ sở đóng gói, đề nghị chỉ nhập nguyên liệu từ vùng trồng đã được cấp mã số; danh sách nhân sự tại các cơ sở phải được đăng ký với Cục Bảo vệ thực vật trên hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia. Các vườn trồng sầu riêng cần có biện pháp giám sát sinh vật gây hại, ghi chép đầy đủ tình hình sinh vật gây hại, vệ sinh vườn, giám sát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật… Cục Bảo vệ thực vật sẽ tiếp tục đề nghị cơ quan chức năng của phía Trung Quốc tiếp tục xem xét, chấp thuận thêm các MSVT và cơ sở đóng gói, nhưng các địa phương cần đảm bảo đúng yêu cầu nêu trên. |