Giải ngân vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục tăng mạnh, 9 tháng đạt 15,4 tỉ USD; Giá nhiều loại rau bắt đầu tăng do mưa bão; TP.HCM họp khẩn về sự cố võng cầu Nguyễn Hữu Cảnh... là những tin đáng chú ý sáng nay.
Giá nhiều loại rau bắt đầu tăng do mưa bão
Theo thống kê từ chợ đầu mối Hóc Môn và Thủ Đức (TP.HCM), do hụt hàng, giá nhiều loại rau bán ra tại chợ hiện tăng trên dưới 15-20% so với vài ngày trước đó. Cụ thể, các mặt hàng Đà Lạt như cải thảo 18.000 đồng/kg, xà lách xoong 50.000 đồng/bịch, cà chua và khoai tây hồng 33.000 đồng/kg, đậu que 23.000 đồng/kg.
Các mặt hàng rau khác, đặc biệt rau ăn lá, cũng đang có xu hướng tăng cao như cải thìa, cải bẹ xanh 20.000 - 23.000 đồng/kg, cải ngọt 16.000 đồng/kg...
Theo nhiều tiểu thương, giá nhiều loại rau đã ở mức cao thời gian qua vì sản lượng thấp và hiện đang có xu hướng tăng thêm do mưa bão khiến rau bị hư hỏng, úng ngập, người dân khó khăn trong việc thu hoạch khiến sản lượng giảm mạnh.
TP.HCM: Tàu thuyền tuyệt đối không rời bến khi thời tiết xấu
Sở Giao thông vận tải TP.HCM yêu cầu các phương tiện tàu thủy tuyệt đối không rời cảng, bến khi có yếu tố thời tiết không cho phép; phải tuân thủ theo sự chỉ đạo của các cơ quan chức năng về thời gian xuất bến.
Sở yêu cầu các đơn vị khẩn trương hướng dẫn chủ cảng, bến thủy, chủ thuyền tàu thực hiện giảm tải, gia cố, chằng buộc nhà kho, bến, bãi, cột báo hiệu, phương tiện, di chuyển thiết bị, xếp, dỡ vào sâu trong khu vực cảng, bến để bảo đảm an toàn phòng, tránh bão.
Ngoài ra, sở đề nghị phà Bình Khánh và phà Cát Lái chuẩn bị các phương án, phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương ở hai đầu bến, sử dụng các phương tiện, trang thiết bị tại chỗ, sẵn sàng thực hiện công tác tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ, cấp cứu; theo dõi tình hình khí tượng thủy văn để kịp thời triển khai ứng phó với mọi tình huống có thể xảy ra.
Giá điện bình quân tại Việt Nam sẽ tăng ra sao?
Bộ Công Thương vừa có tờ trình gửi Chính phủ về việc phê duyệt đề án Quy hoạch điện phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 (Quy hoạch điện VIII), trong đó đã đưa ra các phương án về tổng đầu tư và giá điện cho giai đoạn tới.
Cụ thể, giá điện bình quân (quy về USD tỉ giá năm 2020) sẽ tăng dần từ mức 7,9 cent/kWh vào năm 2020 lên 8,4-9,4 cent/kWh vào năm 2030 (tỉ giá 1 USD năm 2020 khoảng 23.000 đồng, 1 cent tương đương 230 đồng - PV).
Theo Bộ Công Thương, giai đoạn 2031-2050, ước tính giá điện bình quân sẽ trong khoảng 10,8-11,4 cent/kWh.
Lấy dẫn chứng giá điện bình quân một số quốc gia trên thế giới như Malaysia (6,69 cent/kWh), Indonesia (10,07 cent/kWh), Thái Lan (10,74 cent/kWh), Trung Quốc (8,43 cent/kWh), Nhật Bản (21,08), Nga (5 cent/kWh), Đức (32,27 cent/kWh), Mỹ (10,91 cent/kWh), Canada (12,44 cent/kWh)… Bộ Công Thương cho rằng "giá điện của Việt Nam tương đối thấp, bình quân khoảng 7,9 cent/kWh".
"Vào năm 2030, giá điện dự kiến Việt Nam ở mức 8,4-9,4 cent/kWh, vẫn thấp hơn giá điện hiện tại của Indonesia và Thái Lan", Bộ Công Thương khẳng định.
ADB dự kiến hỗ trợ ít nhất 14 tỉ USD để xoa dịu khủng hoảng lương thực
Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) vừa công bố kế hoạch cung cấp ít nhất 14 tỉ USD cho giai đoạn 2022 - 2025 trong một chương trình hỗ trợ toàn diện nhằm làm dịu bớt cuộc khủng hoảng lương thực của khu vực, trong đó có Việt Nam.
Hiện ADB cũng đang định hướng lại nguồn vốn từ các dự án được chọn và tăng cường hỗ trợ theo chu kỳ ở một số quốc gia với tổng số tiền khoảng 1 tỉ USD. Ngoài ra, ADB cũng chi ít nhất 1,5 tỉ USD cho các dự án liên quan đến nông nghiệp, tài nguyên thiên nhiên và phát triển nông thôn.
ADB cũng đặt mục tiêu hỗ trợ thương mại và tài trợ chuỗi cung ứng, cung cấp tài chính cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp và nông dân; cung cấp khoản vay hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong lĩnh vực nông nghiệp và thực phẩm. Hỗ trợ khu vực tư nhân từ các nguồn lực của ADB dự kiến sẽ đạt 800 triệu USD trong năm 2022...
Giải ngân vốn FDI cao nhất từ đầu năm
Theo số liệu mới nhất từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), 9 tháng đầu năm 2022, giải ngân vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tiếp tục tăng mạnh, đạt mức tăng cao nhất từ đầu năm, tăng 16,2% so với cùng kỳ năm 2021 và tăng 5,7 điểm phần trăm so với 8 tháng, đạt 15,4 tỉ USD.
Tính đến ngày 20-9, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài là hơn 18,7 tỉ USD. Trong đó, vốn điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần tăng lần lượt là 29,9% và 1,9%.
Cũng theo Cục Đầu tư nước ngoài, trong 9 tháng có 1.355 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký với tổng vốn 7,12 tỉ USD, tăng 11,8% về số dự án so với cùng kỳ. Điểm tích cực là số dự án đầu tư mới đang tăng lên theo từng tháng kể từ đầu năm. Cụ thể, số dự án đầu tư mới trong tháng 9-2022 tăng 6,8% so với tháng 8 và 46,2% so với tháng 7-2022...
TP.HCM là địa phương dẫn đầu cả nước với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 2,96 tỉ USD, chiếm 15,8% tổng vốn đầu tư đăng ký và tăng 26,2% so với cùng kỳ năm 2021. Tiếp đến là Bình Dương với tổng vốn đầu tư trên 2,7 tỉ USD, chiếm 14,4% tổng vốn, tăng trên 58% so với cùng kỳ. Bắc Ninh xếp thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 1,78 tỉ USD, chiếm 9,5% tổng vốn và tăng gấp 2,1 lần so với cùng kỳ năm 2021.
TP.HCM họp khẩn về sự cố võng cầu Nguyễn Hữu Cảnh
Dự kiến hôm nay 28-9, Sở Giao thông vận tải TP.HCM sẽ họp nghe các đơn vị báo cáo hiện trạng và giải pháp xử lý sự cố cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh, quận Bình Thạnh. Ngày 27-9, sở đã yêu cầu Trung tâm Quản lý hạ tầng giao thông đường bộ tổ chức cấm xe tải và xe trên 16 chỗ đi qua cầu vượt này để khắc phục sự cố cầu bị võng do đứt cáp nhịp chính.
Trước đó, trong quá trình khảo sát tại cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh, Trung tâm Quản lý hạ tầng giao thông đường bộ đã phát hiện tại nhịp chính dài 55,5m có hiện tượng bị võng. Đầu dầm bản của nhịp dẫn đã không còn kê trên gối cầu mà tách khỏi gối cầu và xà mũ một khoảng trung bình từ 3 - 5cm. Dầm xuất hiện các vết nứt, xuất hiện từ sườn dầm kéo dài hết đáy dầm và các vết nứt kéo dài trong phạm vi đáy dầm.