Hành động của cácchiến sĩ Công an thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng khi hung hăng ra đòn với 2 người chưa thành niên vi phạm giao thông thật khó để mà dung thứ; Bộ Công an yêu cầu xử nghiêm.
Khi nỗi đau về sự hy sinh của ba chiến sĩ cảnh sát PCCC chưa được lắng xuống thì xã hội lại một phen bàng hoàng trước hành động đánh người vi phạm giao thông chưa thành niên của một số chiến sĩ Công an thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng.
Dư luận ngỡ ngàng rồi phẫn nộ với những hình ảnh được lan truyền với tốc độ chóng mặt mà nếu như không có nó, ít ai có thể hình dung được chuyện ấy lại được hành xử bởi những người thực thi công vụ. Mọi người tự hỏi “khi xuống tay với những đòn nặng nề như thế, bản lĩnh nghề nghiệp và trái tim của anh đang để ở đâu”?
Trong cuộc sống, giữa bộn bề những khó khăn, vất vả, cuộc mưu sinh với cơm, áo, gạo, tiền nhiều khi làm cho con người “giận quá mất khôn”. Phàm đã là con người thì những hỷ, nộ, ái, ố luôn vây quanh như hình với bóng. Thế nhưng, khi khoác lên mình chiếc áo của lực lượng công an nhân dân và với bản lĩnh nghề nghiệp thì những buồn vui của cuộc sống xin hãy gác lại để nhường cho tinh thần “phụng công, thủ pháp, chí công, vô tư”.
Nói như vậy không có nghĩa là các anh không được quyền nóng giận nhưng đừng để sự nóng giận đó lấn át cả lý trí và con tim, để rồi có những hành vi thiếu chuẩn mực, thậm chí là vi phạm pháp luật.
Thông qua những hình ảnh trên video, có thể đoán rằng hai em này đã không chấp hành hiệu lệnh giao thông. Tuy nhiên, các em sai đến đâu thì đều có quy định pháp luật để xử lý. Do đó, việc các chiến sĩ công an đánh em vi phạm liên tục, tới tấp là khó có thể chấp nhận được dưới cả góc nhìn xã hội lẫn pháp lý. Thật khó để bênh vực cho các anh công an dù rằng hôm qua các anh đã tận tụy với nghề nhằm bảo đảm sự bình yên cho nhân dân.
Một chi tiết đáng lưu tâm là cả em ngồi sau xe cũng bị các anh xuống tay. Đây là điều khó có thể dung thứ!
Dưới góc độ pháp lý, các luật chuyên ngành như Luật Công an nhân dân, Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, Luật Xử lý vi phạm hành chính… cùng các văn bản hướng dẫn thi hành đều không hề cho phép sử dụng vũ lực trong trường hợp này.
Các văn bản pháp luật đều cho rằng việc sử dụng vũ lực, trói, khóa tay, chân, sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ chỉ được xem là hợp pháp khi được xác định là trường hợp cần thiết nhằm khống chế, vô hiệu hóa hành vi chống đối.
Khi hành vi chống đối không còn nữa thì tuyệt nhiên không được sử dụng vũ lực. Thông qua đoạn video, có thể thấy suốt 5 phút kể từ khi bắt đầu dừng xe cho đến khi kết thúc, hai em chưa thành niên hoàn toàn cam chịu và không có một sự phản kháng nào để có thể cho rằng họ có hành vi chống đối.
Dưới góc độ xã hội, việc thượng cẳng chân, hạ cẳng tay đối với những thanh niên đáng tuổi con, cháu mình trong trạng thái rúm ró, đứng trân mình chịu trận thật quá đỗi xót xa. Tại sao các anh không đặt mình vào vị trí người cha, người chú, người anh của các em để dằn bớt cơn giận? Hãy thử hình dung con, cháu mình ra đường bị người khác dùng mũ bảo hiểm đánh với những đòn nặng nề như vậy thì các anh có đau lòng không, có xót xa hay không?
Giờ đây, có lẽ các anh cũng đang dằn vặt, ăn năn về hành vi bạo lực của mình. Tuy nhiên, sai phạm của các anh vẫn cần phải được xử lý nghiêm.
Người dân sai thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật; những nhân viên chấp pháp sai cũng phải chịu trách nhiệm tương ứng trước pháp luật. Việc này không chỉ bảo đảm tính răn đe mà còn có ý nghĩa phòng ngừa, nhằm không để xảy ra những sự việc đáng tiếc tương tự trong tương lai.
Vụ công an đánh người vi phạm: Bộ Công an yêu cầu xử lý nghiêm
Chiều 29-9, liên quan đến vụ việc “công an đánh người vi phạm” ở Sóc Trăng, PV Pháp Luật TP.HCM đã có cuộc trao đổi với Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh văn phòng, người phát ngôn Bộ Công an.
Theo đó, Trung tướng Tô Ân Xô cho biết lãnh đạo Bộ Công an đã nhận được báo cáo của Công an tỉnh Sóc Trăng về việc một số cán bộ Công an thị xã Vĩnh Châu (tỉnh Sóc Trăng) vi phạm nghiêm trọng quy trình công tác, vi phạm lễ tiết, tác phong trong khi thi hành công vụ, có biểu hiện vi phạm pháp luật.
“Lãnh đạo Bộ Công an đã chỉ đạo Công an tỉnh Sóc Trăng làm rõ vụ việc và xử lý nghiêm minh những cá nhân vi phạm” - Trung tướng Xô thông tin.
Hai công an đánh người vi phạm sau khi dừng được phương tiện. (Ảnh cắt từ clip) |
Đánh người vi phạm giao thông
Trước đó, vào ngày 28-9, mạng xã hội lan truyền clip dài khoảng 5 phút, sau khi rượt đuổi, hai người trong trang phục cảnh sát bắt kịp hai người đi xe máy. Vừa đến nơi, một người lao đến đánh người điều khiển xe, dùng vật giống dùi cui tấn công đến mức văng cả dụng cụ này.
Không dừng lại, người trong trang phục CSGT sau khi đỗ phương tiện cũng lập tức lao vào đánh…
Người ngồi sau xe từ khi xảy ra vụ việc chỉ đứng ngoài nhìn nhưng sau đó cũng bị người mặc trang phục cảnh sát tấn công...
Ngày 29-9, Đại tá Lâm Thành Sol, Giám đốc Công an tỉnh Sóc Trăng, đã ký thông cáo báo chí để thông tin chính thức về vụ việc.
Theo đó, vào chiều 25-9, trong lúc tổ tuần tra thuộc Đội CSGT Công an thị xã Vĩnh Châu đang trên đường tuần tra thì phát hiện hai người điều khiển mô tô chạy ngược chiều, nghi vấn sử dụng rượu bia và chưa đủ tuổi điều khiển xe phân khối lớn nên ra hiệu dừng xe để kiểm tra.
Tuy nhiên, người cầm lái không chấp hành hiệu lệnh mà còn tăng tốc bỏ chạy với tốc độ cao trên đoạn đường gần 30 km, lạng lách, đánh võng, chèn ép xe của CSGT. Đến khi dừng được phương tiện, một số cảnh sát đã “không kiềm chế được nóng giận”, có hành vi sử dụng bạo lực (dùng tay, chân, gậy nhựa điều khiển giao thông, mũ bảo hiểm) đánh hai người vi phạm như trong video clip thể hiện...
Theo Công an tỉnh Sóc Trăng, người cầm lái sau đó thừa nhận vi phạm các lỗi: Không chấp hành hiệu lệnh, hướng dẫn của người kiểm soát giao thông; không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông; điều khiển xe lạng lách trên đường bộ ngoài đô thị; không có bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới và chưa đủ 18 tuổi nhưng điều khiển mô tô có dung tích xylanh trên 100 cm3.
Không bao che sai phạm
Cũng theo thông cáo báo chí của Công an tỉnh Sóc Trăng, hành vi của các cán bộ, chiến sĩ trong clip nêu trên là vi phạm quy tắc ứng xử theo Thông tư 27/2017 của Bộ Công an quy định về quy tắc ứng xử của công an nhân dân.
Ngay sau khi phát hiện sự việc, lãnh đạo Công an tỉnh Sóc Trăng đã đình chỉ công tác đối với bốn cán bộ, chiến sĩ có liên quan. Công an tỉnh này sẽ tiếp tục xác minh, làm rõ để xử lý nghiêm trên quan điểm không bao che sai phạm.
Nhận định về vụ việc, TS-luật sư (LS) Đặng Văn Cường, Đoàn LS TP Hà Nội, cho biết theo quy định của pháp luật thì người thi hành công vụ chỉ được sử dụng vũ lực trong những trường hợp thực sự cần thiết như bắt giữ tội phạm nguy hiểm; khi có hành vi đe dọa đến tính mạng, sức khỏe của bản thân người thi hành công vụ và người khác.
Tuy nhiên, theo những diễn biến thể hiện qua clip, hai người vi phạm sau khi dừng xe thì không hề có hành vi chống đối, thậm chí còn không có hành động tự vệ khi bị đánh tới tấp.
LS Cường cho rằng hành vi của hai công an là có tính chất rất hung hãn, thể hiện thái độ coi thường pháp luật và có thể có dấu hiệu của tội cố ý gây thương tích tại Điều 134 BLHS.
Ngoài ra, trong vụ việc này, dù công an phát hiện hành vi vi phạm pháp luật thì vẫn phải thực hiện nguyên tắc “sai đến đâu chịu trách nhiệm đến đó”. Không được phép sử dụng một hành vi vi phạm pháp luật để giải quyết một hành vi vi phạm pháp luật khác.
Gia đình đã gửi đơn tố cáo đến công an
Chiều 29-9, PV Pháp Luật TP.HCM đã đến nhà em NHĐ (16 tuổi, người điều khiển xe trong clip) để tìm hiểu thêm về vụ việc. Kể với PV, em Đ cho biết hiện các vết thương vẫn còn đau và bản thân em vẫn chưa hết bàng hoàng.Em Đ kể do hoảng sợ khi bị yêu cầu dừng xe nên đã bỏ chạy và “Trong lúc chạy đường có ổ gà, có người nên em điều khiển xe để tránh, hoàn toàn không có chuyện đánh võng như công an nói. Biết là chạy không thoát nên em có ý định xuống xin lỗi các chú nhưng chưa kịp dừng xe, chưa kịp nói gì thì bị chú áo xanh đánh tới tấp. Trong lúc bị đánh, em cũng có xin lỗi nhiều lần nhưng hai chú công an không nghe, vẫn đánh tiếp”.
Theo mẹ em Đ, ngày 29-9, bà đã gửi đơn tố cáo đến công an thị xã, giám đốc công an tỉnh và các nơi này bước đầu đã nhận đơn.
Ngoài ra, theo tìm hiểu của PV, ngày 27-9, em Đ đã nộp phạt năm lỗi vi phạm với số tiền 4.975.000 đồng. Đồng thời, dượng của em Đ cũng đã nộp phạt số tiền 1,4 triệu đồng vì đã giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông.