Phối cảnh Nhà hát Nhạc và Vũ kịch Opera Thủ Thiêm (TPHCM)
Về đề nghị sớm trình Quốc hội thông qua Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi), đưa ra các chính sách cụ thể hơn nữa để đảm bảo quyền lợi, lợi ích hợp pháp của một nhóm đối tượng đặc thù như trẻ em, phụ nữ, người cao tuổi, người khuyết tật và người dân tộc thiểu số..., Bộ VH-TT-DL đã tiếp thu và quy định các nội dung liên quan đến việc đảm bảo quyền lợi, lợi ích hợp pháp của một nhóm đối tượng đặc thù như trẻ em, phụ nữ, người cao tuổi, người khuyết tật và người dân tộc thiểu số tại Điều 4, Điều 5, Điều 14, Điều 33, Điều 34 và Điều 36 của dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi).
Về việc dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) đề cập đến quyền “được chọn nơi tạm lánh” của người bị bạo lực gia đình, trục xuất, yêu cầu người có hành vi bạo hành đi ra khỏi nhà hoặc phòng trọ nơi đã gây ra vụ việc…, Bộ VH-TT-DL đã tiếp thu và quy định về nội dung này tại khoản 5 Điều 25: “Khi áp dụng quyết định cấm tiếp xúc, người bị bạo lực gia đình được quyền lựa chọn chỗ ở trong thời gian cấm tiếp xúc” và quy định tại điểm c khoản 1 Điều 9 của Dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi).
Dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) đã được trình Quốc hội khóa XV thảo luận tại kỳ họp thứ 3, dự kiến Quốc hội sẽ xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 4 vào tháng 10.
Về đề nghị có thiết chế văn hóa, văn học nghệ thuật đồng bộ, có chính sách kêu gọi đầu tư từ các nguồn lực xã hội trong và ngoài nước nhằm xây dựng thiết chế văn hóa xứng tầm, biểu tượng văn hóa của thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, có những ưu đãi về giá thuê đất, thuế…, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng hồi đáp, hiện nay, Bộ VH-TT-DL đang xây dựng dự thảo chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục đẩy mạnh việc hoàn thiện, phát huy hiệu quả hoạt động của thiết chế văn hóa, thể thao các cấp. Trong đó có nội dung kiến nghị giao nhiệm vụ Bộ Tài chính theo thẩm quyền chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng và ban hành cơ chế, chính sách đầu tư về cơ sở vật chất kỹ thuật, kinh phí; cơ chế, chính sách khuyến khích xã hội hóa để huy động các nguồn lực hợp pháp từ các tổ chức, cá nhân tiếp tục hoàn thiện và tổ chức hoạt động của thiết chế văn hóa, thể thao các cấp.
Bên cạnh đó, hướng dẫn các địa phương về việc liên kết với các tổ chức, cá nhân trong việc sử dụng cơ sở vật chất đã được nhà nước đầu tư để tổ chức hiệu quả các hoạt động tại các thiết chế văn hóa, thể thao các cấp và nhiệm vụ của UBND cấp tỉnh: xây dựng và ban hành cơ chế, chính sách phù hợp nhằm thu hút, huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực xã hội hóa đối với thiết chế văn hóa, thể thao các cấp; chế độ ưu đãi đào tạo hạt nhân năng khiếu về văn hóa, nghệ thuật, thể dục thể thao.
Đối với lĩnh vực văn học nghệ thuật, biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp, Bộ VH-TT-DL đã báo cáo, tham mưu Chính phủ chấp thuận phân bổ kinh phí để thực hiện nhiều dự án xây dựng, nâng cấp thiết chế văn hóa, văn học nghệ thuật xứng tầm; trong đó có Nhà hát Nhạc và Vũ kịch Opera Thủ Thiêm (TPHCM)… nhằm mục đích kết nối cơ sở hạ tầng của địa phương và tăng liên kết vùng kinh tế - văn hóa một cách đồng bộ.
Tuy nhiên, bộ cho biết sẽ phối hợp với Bộ Tài chính trong quá trình đề xuất cơ chế, chính sách ưu đãi về giá thuê đất, thuế cho các nhà đầu tư nói chung, nhà đầu tư vào lĩnh vực văn hóa nghệ thuật để tránh tình trạng lợi dụng thiết chế văn hóa, văn học nghệ thuật để trục lợi, né tránh nghĩa vụ thuế làm thất thu ngân sách nhà nước và lãng phí tài nguyên đất.
Bên cạnh đó, Bộ VH-TT-DL cũng đã trả lời về chính sách chiến lược phát triển nguồn nhân lực, chính sách phát huy và bảo vệ giá trị văn hóa, văn học, nghệ thuật dân tộc, truyền thống; đổi mới trong công tác đào tạo trong các trường đại học chuyên ngành văn hóa, văn học nghệ thuật; chính sách đào tạo đội ngũ đạo diễn, diễn viên, biên tập, thiết kế quay phim, âm nhạc; tạo điều kiện đưa phim điện ảnh đi nước ngoài, tổ chức tuần phim Việt Nam tại các nước châu Âu - châu Á…