Để lựa chọn một cách an toàn hơn cho mâm cơm nhà mình¸ chị Trần Thị Thương (ngụ quận Bình Thạnh) đã chọn vào mua thực phẩm trong hệ thống các siêu thị, các cửa hàng rau sạch để mong muốn sẽ có nguồn thực phẩm chất lượng tốt hơn.
Nhưng sau vụ việc rau từ chợ đầu mối và nấm có nguồn gốc từ Trung Quốc được gắn mác rau VietGAP, những sản phẩm kém chất lượng được được phát hiện “ngụy trang” bày bán một cách công khai với giá cả đắt đỏ khiến chị không khỏi lo lắng.
Theo chị Thương, nếu mua ở siêu thị cũng không đảm bảo thì chẳng còn biết tin tưởng mua ở đâu nữa: “Cũng cảm thấy lo lắng vì mua rau siêu thị thì phải bỏ ra số tiền nhiều hơn so với ở ngoài. Nhưng gần đây nghe tin là rau không đảm bảo thì không biết mua ở đâu, tại vì ở trong siêu thị mà đã VietGAP mà không đảm bảo thì không biết mua ở đâu cho an toàn.”.
Chung tâm trạng với chị Thương, chị Trang (ngụ TP. Thủ Đức) bày tỏ bức xúc trước cách làm việc thiếu trách nhiệm của các siêu thị. Bản thân chị trước đây rất tin tưởng vào siêu thị nhưng sau khi biết thông tin rau trôi nổi bên ngoài bị tuồn vào, tự cảm thấy mình bị lừa dối: “Tôi cảm thấy rất là bức xúc khi mà mua phải thực phẩm kém chất lượng tại các hệ thống siêu thị, cái giá thành tôi bỏ ra nó cao hơn 3,4 lần so với cái việc mà ra ngoài chợ mua. Hệ thống siêu thị lớn như vậy mà làm việc thiếu trách nhiệm và không bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng”.
Theo luật sự Huỳnh Văn Nông (Đoàn luật sự TP.HCM), việc trà trộn hàng “chợ”, dán mác VietGAP để biến thành “rau sạch” là biểu hiện của hành vi lừa dối người tiêu dùng. Chính vì vậy, trong sự việc này cơ quan Quản lý thị trường cần nhanh chóng vào cuộc làm rõ hành vi gian dối của những cửa hàng này thực hiện như thế nào, diễn ra trong thời gian bao lâu và bao nhiêu người tiêu dùng đã mua phải rau sạch rởm. Thậm chí cơ quan chức năng cần điều tra có hay không hành vi làm giả chứng nhận VietGAP?
Ngoài ra, luật sự Nông cũng yêu cầu phải khởi tố vụ án hình sự để làm rõ vụ việc nhằm răn đe: “Trong trường hợp này có quy mô rất là lớn và nó có sự diễn biến lâu dài, thì tôi cho rằng, cần phải xử lý hình sự, cần phải khởi tố 1 vụ án hình sự để làm rõ, nhằm trừng trị những người kinh doanh thực phẩm bẩn, cũng như phòng ngừa chung cho xã hội về thực phẩm bần…”.
Có thể thấy, từ vụ việc trên, người tiêu dùng và những đơn vị sản xuất chân chính là chịu thiệt hại nhất. Và một thực tế nghe rất vô lý nhưng đang có thật tại TP.HCM, đó là người sản xuất, nông dân trồng nông sản sạch lại không bán được rau, trong khi nhiều loại rau đội lốt lại dễ dàng chen chân vào được các siêu thị.
Hợp tác xã Nông nghiệp sản xuất thương mại dịch vụ Phước An (huyện Bình Chánh, TP.HCM) là một ví dụ. Đơn vị có tổng cộng hơn 30 ha rau an toàn với 27 chủng loại rau ăn lá, ăn trái… đạt tiêu chuẩn VietGAP. Mỗi năm, các thành viên của HTX đã trồng được 7 vụ rau, với năng suất đạt trên 21-24 tấn/ha/năm.
Tuy nhiên đến nay, đã có 28 nhà vườn từ bỏ mô hình và hơn 34 nhà vườn còn lại đều giảm sản lượng, diện tích trồng trọt. Hiện tại, quy mô sản xuất của HTX duy trì chỉ còn 30% so với năm 2020 vì không có đầu ra.
Ông Trần Văn Thích (Giám đốc HTX Phước An) cho hay, đơn vị đã lỗ hàng trăm triệu đồng trong 6 đầu năm nay: "Đầu vào thì bao la, còn đầu ra không có. Hồi trước thì sản xuất liên tục liên tục luôn, bây giờ không cho sản xuất liên tục nữa, tại vì đất thì nhiều mà bây giờ cho sản xuất liên tục thì lượng rau tiêu thụ không hết. Thương lái ngoài bán chủ yếu lấy lại tiền hạt giống thui. Khổ lắm..”.
Công ty Nông Trại Xanh trước đây có quy mô 7 ha, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP chuyên cung cấp rau sạch cho các siêu thị, cửa hàng lớn. Đến nay, ông Mai Xuân Chiến, Giám đốc Công ty Nông Trại Xanh phải từ bỏ.
Lý giải về vấn đề này, ông Chiến chia sẻ: “Thứ nhất cấp cho họ giá thua bán ở chợ đầu mối, thứ hai là nợ tiền rất là lâu, và trừ đủ mọi thứ hết, tìm đủ mọi cái để trừ, kể cả cái lỗi không đáng cũng trừ, vẽ ra để mà trừ. Rồi cái phải nhặt sạch, sơ chế đi nó hao hụt rồi bao bì, tem nhãn nữa. Nếu là nói ngắn gọn đi là tốt nhất là bán chợ đầu mối sướng hơn rất nhiều lần, thứ nhất là tiền ngay, thứ hai là giá nó lợi hơn nhiều.”.
Quay trở lại câu chuyện tuồn “rau bẩn” gắn mác rau VietGAP vào siêu thị, có thể thấy, ở khâu cuối cùng đã bộc lộ “lỗ hổng” trong giám sát nguồn hàng. Rau vào siêu thị thiếu sự giám sát của chính siêu thị nên mới có chuyện rau chợ đầu mối ngang nhiên vào siêu thị được bán với giá cao, lừa dối người tiêu dùng.
Bà Phan Thị Việt Thu (Chủ tịch Hiệp hội bảo vệ người tiêu dùng TP.HCM) cho biết, sau vụ việc “rau bẩn” gắn mác rau VietGAP vào siêu thị, phía Hiệp hội đã có những kiến nghị gửi cơ quan chức năng để làm rõ: “Căn cứ theo pháp luật, pháp luật cho phép chức năng của Hội đến đâu thì chúng tôi được nói lên tiếng nói của người tiêu dùng, kiến nghị cho các cơ quan chức năng để cơ quan chức năng có biện pháp ngăn chặn, chế tài để bảo vệ cho quyền lợi người tiêu dùng.”.
Người tiêu dùng sẵn sàng chi nhiều tiền hơn, trả giá cao hơn để mua "rau sạch", "rau an toàn" và "đạt chuẩn VietGAP" bán tại các siêu thị. Nhưng họ không thể ngờ rằng một số công ty, đơn vị phân phối đã đi gom rau ở chợ, dán nhãn VietGAP rồi bán cho siêu thị.
Vậy cần làm gì để lấy lại niềm tin và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng như đảm bảo người trồng rau sạch tự tin bán được sản phẩm mình làm ra tại siêu thị. Quy trình rất cần sự giám sát một cách trách nhiệm hơn nữa của nhà cung cấp, các siêu thị, cơ quan chức năng...
Góc nhìn của VOV Giao thông: Gác cửa chặt chẽ để rau trôi nổi không gắn mác rau sạch bày bán tại siêu thị.
Hiện nay, sau vụ việc một số cơ quan báo chí phanh phui đường dây hô biến rau không rõ nguồn gốc, trôi nổi được bày bán trên siêu thị;các cơ quan chức năng đang vào cuộc để đánh giá mức độ sai phạm. Từ đó có hướng xử lý rõ ràng,dứt khoát.
Vấn đề lúc này là suốt một thời gian dài, nhiều nông dân ở miền Tây, miền Đông Nam bộ, vất vả một nắng hai sương, làm theo khuyến cáo trồng rau sạch theo chuẩn Vietgap nhưng luôn long đong lận đận tìm đầu ra.
Nhiều siêu thị, nhà nhập hàng khi nông dân trồng thì hứa hẹn đủ điều nhưng khi thu mua thì liên tục” bẻ chĩa”; chê ỉ ôi, nhiều hình nhiều vẻ. Đó là chưa kể còn ép giá, chậm thanh toán; câu” sản phẩm gắn liền với nhà sản xuất” chỉ là khẩu hiệu, vì thực tế không có nhiều siêu thị, cửa hàng gắn bó với người trồng rau hay có vùng nguyên liệu chất lượng đảm bảo để cung ứng. Vậy các cửa hàng, siêu thị đang bán hàng ngàn tấn rau gắn nhãn mác, rau sạch, rau an toàn mỗi ngày lấy nguồn hàng từ đâu?
Theo tìm hiểu, ngoài một số siêu thị tầm cỡ, có uy tín, luôn hợp đồng chặt chẽ với nông dân trồng rau sạch thông qua các hợp tác xã; tổ, đội nhóm; công ty hoặc tự xây dựng vùng chuyên canh nguyên liệu cho chính mình thì đa số nhập của nhiều doanh nghiệp phân phối khác. Điều đáng bàn là quy trình kiểm tra, giám sát nguồn gốc, xuất xứ của rau đã bị bỏ qua, hoặc là phó mặc chất lượng cho nhà phân phối. Hậu quả là có thể suốt một thời gian dài, rau bẩn, rau trôi nổi đã tìm cách đội nốt rau sạch, ngang nhiên, chễm trệ trên các siêu thị, cửa hàng tiện lợi. Người tiêu dùng vừa tin tưởng lại không có công cụ, đủ thời gian, trình độ để nhận biết nên đã mua nhầm để sử dụng.
Do vậy đã đến lúc, cơ quan quản lý nhà nước thường xuyên tổ chức các đợt thanh tra, kiểm tra đột xuất các cửa hàng,siêu thị xung quanh việc gắn mác rau sạch, rau an toàn đang bày bán. Các vi phạm về nhãn mác, sai tính chất kinh doanh phải bị xử lý. Các cửa hàng, siêu thị thể hiện trách nhiệm vì sức khỏe người tiêu dùng để phục vụ chu đáo, an toàn. Hành vi phó mặc cho nhà sản xuất, không quan tâm đến chất lượng để rau bẩn, rau không an toàn bày bán cho người tiêu dùng sẽ bị coi là lừa dối và phải bị xử lý. Không thể vô can khi phát hiện, thu hồi là xong.
Các nhà sản xuất rau an toàn, từ các nhà vườn đến các liên minh lớn hơn cũng cần hiểu rằng, không thể tồn tại nếu duy trì kiểu làm ăn chụp giựt, thậm chí là gian dối thu gom rau trôi nổi để cung cấp sản phẩm kém chất lượng mà lại gắn mác rau sạch. Hành vi này trước sau cũng bị phát giác, tẩy chay và xử lý.
Ở đây vai trò, kết nối cung cầu cũng rất quan trọng. Đa số người trồng rau tại nước ta đều ở vùng nông thôn. Trình độ canh tác tuy có được nâng lên nhưng để hình thành vùng nguyên liệu rau sạch ổn định, cần sự trợ giúp của các cơ quan quản lý; các siêu thị và cửa hàng; từ quy trình sản xuất, kỹ thuật canh tác đến thị trường đầu ra.
Không thể đứng một mình, đi một mình. Một hệ thống rau an toàn từ vùng sản xuất đến siêu thị, bàn ăn là một yêu cầu tất yếu khi mà nhu cầu sử dụng thực phẩm sạch đang trở lên rất cao.
Việc tạo ra các vùng chuyên canh rau sạch cung cấp ổn định cho thị trường hiện rất lớn. Điều này không chỉ phục vụ cho người tiêu dùng mà còn đảm bảo cho hàng triệu nông dân có công ăn việc làm và nguồn thu lâu dài từ nghề nông.
Nhà quản lý lúc này vì thế chính là trọng tài trong ký kết hợp đồng giữa nông dân và các công ty, siêu thị để đảm bảo quyền lợi cho các bên; cũng như giám sát chặt chẽ quy trình sản xuất cũng như tiêu thụ. Xử lý thích đáng các hành vi vi phạm.
Cuối cùng để rau trôi nổi, rau bẩn không đội nốt rau sạch, rau an toàn len lỏi vào các siêu thị, cửa hàng có uy tín thì tất cả các bên tham gia phải gác cửa thật chặt với các quy trình khắt khe, nghiêm túc. Có như vậy, rau an toàn, rau sạch mới thực sự có được niềm tin của người tiêu dùng.