Thời gian qua, Bộ Chính trị đã chỉ đạo Ban Kinh tế Trung ương chủ trì cùng với các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương tổng kết lý luận và thực tiễn, nghiên cứu xây dựng đề án trình Ban Chấp hành Trung ương tại hội nghị lần này xem xét, ban hành nghị quyết về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. 

Ngày 5-10, tại Hà Nội, Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII làm việc ngày thứ 3. Buổi sáng, Ban Chấp hành Trung ương Đảng làm việc tại hội trường, thảo luận về Đề án tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa X về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị; đồng chí Võ Văn Thưởng, Thường trực Ban Bí thư thay mặt Bộ Chính trị điều hành thảo luận. Buổi chiều, Ban Chấp hành Trung ương Đảng làm việc tại tổ, thảo luận về Đề án tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Về vấn đề tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong phát biểu khai mạc Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa là một chủ trương lớn, là nhiệm vụ chiến lược, nhiệm vụ trung tâm, quan trọng hàng đầu của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội.

Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) đã đề ra nhiệm vụ: “Đến giữa thế kỷ XXI, toàn Đảng, toàn dân ta phải ra sức phấn đấu xây dựng nước ta trở thành một nước công nghiệp hiện đại, theo định hướng xã hội chủ nghĩa” trên cơ sở đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Để quán triệt và triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, thời gian qua, Bộ Chính trị đã chỉ đạo Ban Kinh tế Trung ương chủ trì cùng với các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương tổng kết lý luận và thực tiễn, nghiên cứu xây dựng đề án trình Ban Chấp hành Trung ương tại hội nghị lần này xem xét, ban hành nghị quyết về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đây là một công việc rất cơ bản, phạm vi rất rộng lớn, tính chất hết sức phức tạp, ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước, xây dựng cơ sở vật chất, kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội; hiện vẫn còn những vấn đề chưa thật rõ và không ít những ý kiến khác nhau, nhất là trong bối cảnh, tình hình trong nước và thế giới đã, đang và sẽ có nhiều thay đổi dưới tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.