36 doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu ở TP.HCM và các tỉnh ĐBSCL đã gửi kiến nghị đến Chính phủ, phản ánh tình hình kinh doanh xăng dầu thời gian qua và đề xuất các giải pháp.
Theo đơn do đại diện các doanh nghiệp gửi đến Tuổi Trẻ Online ngày 7-10, các doanh nghiệp cho biết việc điều hành thời gian qua "có vấn đề", gây bất lợi đến doanh nghiệp, dẫn đến bất ổn thị trường kinh doanh xăng dầu.
Cụ thể, các doanh nghiệp lấy dẫn chứng nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu quy định thương nhân đầu mối và thương nhân phân phối bán xăng dầu không cao hơn giá điều hành do cơ quan nhà nước có thẩm quyền công bố.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp cho hay để xảy ra tình trạng chiết khấu âm, tức các doanh nghiệp phân phối đã tìm cách "lách" quy định để bán ra cho doanh nghiệp bán lẻ với giá cao hơn giá bán lẻ quy định bằng cách thu thêm phí vận chuyển vào một hóa đơn khác.
Các doanh nghiệp cho rằng nếu kinh doanh có lãi, doanh nghiệp sẽ nhập hàng, nên cần thay đổi cách tính giá cơ sở phù hợp với tình hình mới.
Các doanh nghiệp chỉ ra bất cập là kinh doanh trong cơ chế thị trường nhưng nhà cung cấp cứ thường xuyên thông báo hạn chế bán ra, sợ hết hàng. Trong khi nhiều giai đoạn doanh nghiệp bán lẻ càng bán ra càng lỗ vẫn phải bấm bụng bán nhưng không ai bù lỗ.
"Điều này dẫn đến một số doanh nghiệp bị âm vốn, khó có thể trụ nổi nếu tiếp tục với việc giá mua vào bằng hoặc cao hơn giá bán ra mà doanh nghiệp không được ngưng bán", các doanh nghiệp nêu trong đơn.
Các doanh nghiệp đề nghị khi kinh doanh xăng dầu chưa theo quy luật thị trường một cách hoàn toàn, cần áp dụng chiết khấu cố định theo định mức đối với doanh nghiệp bán lẻ, tránh tình trạng "thả nổi" chiết khấu.
Để giải quyết những bất cập của thị trường, các doanh nghiệp bán lẻ kiến nghị Chính phủ năm vấn đề.
Thứ nhất, các doanh nghiệp kiến nghị cần có sự chỉ đạo thống nhất, can thiệp kịp thời, đưa ra các giải pháp hợp tình, hợp lý đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các bên tham gia thị trường.
Thứ hai, đưa ra các giải pháp nhằm khắc phục hoàn toàn tình hình thua lỗ của các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu. Không để doanh nghiệp bán lẻ bị bắt buộc bán ra với giá thấp hơn giá mua vào.
Thứ ba, cần thay đổi công thức tính giá cơ sở hiện nay do chưa phù hợp, chưa tính đủ chi phí dẫn đến doanh nghiệp càng bán ra càng thua lỗ.
Thứ tư, doanh nghiệp kiến nghị khi xăng dầu chưa thể theo cơ chế thị trường hoàn toàn và chưa áp dụng theo công thức mới, trước mắt nên quy định áp dụng mức chiết khấu cố định theo định mức đối với doanh nghiệp bán lẻ theo tỉ lệ trên mỗi lít xăng dầu.
Thứ năm, doanh nghiệp kiến nghị xem xét loại bỏ quỹ bình ổn xăng dầu "vì hoạt động không khách quan" và doanh nghiệp đề xuất đưa công cụ điều tiết bằng thuế sẽ minh bạch hơn