"Báo hóa" tạp chí và "tư nhân hóa" báo chí cho thấy một bộ phận người làm báo đang dễ dàng đánh đổi giá trị cao quý của nghề báo để chạy theo giá trị vật chất tầm thường.
Báo chí là lực lượng tiên phong luôn ở tuyến đầu của đời sống xã hội, vì thế, nghề báo luôn nhận được sự trân trọng của xã hội, của tầng lớp nhân dân. Tuy nhiên, thời gian qua không ít doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức đã bị làm phiền, quấy nhiễu, thậm chí bị hăm dọa bởi các tổ chức, đơn vị, cá nhân mang danh báo chí. Gọi là mang danh báo bởi nhiều cơ quan không phải báo, chỉ là tạp chí của hội nghề nghiệp hay viện nghiên cứu, không có chức năng đưa tin tức, điều tra như một tờ báo. Đó chính là hiện tượng "báo hóa" tạp chí. Mới đây, Bộ Thông tin và Truyền thông đã công bố quyết định xử phạt hàng loạt tạp chí sai phạm, số tiền lên tới hơn 700 triệu đồng.
Bước đầu, Bộ Thông tin và Truyền thông xác định có khoảng 30 cơ quan báo chí có dấu hiệu báo hóa tạp chí, tư nhân hóa báo chí. Những xử phạt trong 6 tháng qua mới chỉ là giai đoạn 1. Từ tháng 10/2022, Bộ sẽ tiếp tục triển khai giai đoạn 2, thanh kiểm tra với khoảng 15 cơ quan báo chí. Bộ sẽ kiên quyết xử lý nghiêm nếu phát hiện sai phạm.
Nước ta hiện có gần 700 tạp chí. Đây là cơ quan lý luận học thuật khoa học của một tổ chức đoàn thể, để nghiên cứu, trao đổi nghiệp vụ về một lĩnh vực hẹp. Thế nhưng, không ít tạp chí điện tử đã cử phóng viên đi viết bài điều tra, chống tiêu cực ở mọi lĩnh vực, theo kiểu vạch lá tìm sâu, có hành vi vòi vĩnh, thậm chí dọa dẫm để xin được hợp đồng tài trợ quảng cáo. Trong khi những nội dung đó không nằm trong phạm vi tôn chỉ mục đích mà tạp chí được đăng tải.
"Có nơi còn buông lỏng, chưa khẳng định được vai trò của Hội đồng xử lý đạo đức nghề nghiệp, cũng như công tác kiểm tra giám sát. Có biểu hiện nhờn luật, có tạp chí sai phạm liên tục trong thời gian ngắn nhưng việc xử lý chưa thực sự nghiêm khắc nên dẫn tới hiện tượng có những tạp chí khác sai phạm y hệt như vậy, cuối cùng tình trạng vi phạm phức tạp hơn", nhà báo Nguyễn Mạnh Tuấn – Phó Trưởng ban Kiểm tra chuyên trách, Hội Nhà báo Việt Nam - chia sẻ về nguyên nhân xảy ra "báo hóa" tạp chí.
Một vấn đề nổi cộm khác nảy sinh là liên kết. Theo quy định, báo chí và tạp chí có quyền liên kết với trang điện tử tổng hợp của doanh nghiệp, để những trang này dẫn lại nguồn. Tuy nhiên, thực tế xảy ra tình trạng chính đối tác lại chi phối ngược lại, trở thành nơi sản xuất tin bài cho tạp chí đăng, tiềm ẩn nguy cơ tư nhân hóa báo chí. Thời gian qua, nhiều tạp chí đã buộc phải chấm dứt hợp tác cùng các trang điện tử.
Nhà báo Nguyễn Mạnh Tuấn – Phó Trưởng ban Kiểm tra chuyên trách, Hội Nhà báo Việt Nam
"Trong thời đại chuyển đổi số, công nghệ 4.0 khiến chúng ta làm sao để đưa tin nhanh nhất. Vì thế, nếu chúng ta không đặt vấn đề đạo đức, quyền lợi của nhân dân và tổ quốc lên trên thì sẽ sa vào việc chạy theo thông tin giật gân, câu khách rẻ tiền để thu hút sự quan tâm của người xem, nhằm tăng thêm vấn đề tài chính cho cơ quan báo chí, dễ dàng đánh đổi giá trị cao quý của nghề báo để chạy theo giá trị vật chất tầm thường", nhà báo Nguyễn Mạnh Tuấn nói thêm.
Nhìn ở khía cạnh khác, một số nguyên nhân khách quan dẫn đến sự chệch choạch của một số tạp chí là do khó khăn về tài chính. Cả tạp chí và báo đều đang đứng trước thách thức khi thị phần quảng cáo đang chảy vào mạng xã hội. Đây cùng là vấn đề toàn cầu. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng quảng cáo không còn là nguồn thu duy nhất và bền vững của các cơ quan truyền thông. Nhìn ra thế giới, các tạp chí tạo dựng nguồn thu từ những nghiên cứu khoa học chất lượng, đóng góp vào sự phát triển kinh tế quốc gia. Nhiều tờ báo hay hãng thông tấn tìm cách tăng doanh thu từ sản phẩm của mình, nhờ nội dung và công nghệ.
Tại Việt Nam, những chuyển động trên đã có tồn tại. Một số tờ báo điện tử đã có thu phí cho những nội dung chuyên sâu, đặc sắc. Theo kết quả nghiên cứu của Viện nghiên cứu báo chí Reuters năm 2020, có hơn một nửa lãnh đạo cơ quan báo chí tại 29 quốc gia đã khẳng định thu phí báo điện tử sẽ là trọng tâm trong thời gian tới. Muốn thực hiện điều đó, báo chí phải nâng cao chất lượng nội dung, trở thành nguồn thông tin đáng tin cậy, đáng giá mà người đọc tìm kiếm trước sự hỗn loạn thông tin trên mạng xã hội.