Nhiều tổ chức quốc tế tiếp tục đánh giá tích cực về tình hình kinh tế - xã hội của Việt Nam và dự báo lạc quan về tốc độ tăng trưởng năm 2022 và 2023, trong đó dự báo về tăng trưởng GDP năm 2022 hầu hết ở mức từ 7,5 - 8,2%, thuộc nhóm cao nhất Đông Nam Á.
Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 10/2022 để đánh giá tình hình kinh tế - xã hội tháng 10 và 10 tháng năm 2022; tình hình thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ, chương trình phục hồi và phát triển KT-XH, giải ngân vốn đầu tư công, 3 Chương trình mục tiêu quốc gia đồng thời bàn các nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới và một số vấn đề quan trọng khác.
Thủ tướng mong các thành viên Chính phủ tập trung trí tuệ, kinh nghiệm, đóng góp báo cáo, nhận định, đánh giá tình hình để có các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phù hợp đồng thời thông qua Nghị quyết phiên họp để lãnh đạo, điều hành trong tháng 11 và 12, kết thúc năm 2022 thắng lợi, đạt các mục tiêu đề ra.
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong tháng 10 và 10 tháng năm 2022, tình hình KT-XH khởi sắc trên hầu hết các lĩnh vực với nhiều điểm sáng. Kinh tế vĩ mô duy trì ổn định; lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng bình quân 10 tháng tăng 2,89%. Các cân đối lớn được bảo đảm, thu NSNN 9 tháng ước đạt 103,7% dự toán, tăng 16,2%; Kim ngạch XNK đạt trên 616 tỷ USD, tăng 14,1%, xuất siêu 9,4 tỷ USD, riêng tháng 10 xuất siêu 2,27 tỷ USD; An ninh lương thực được bảo đảm; cơ bản cung cấp đủ điện, xăng dầu; Cung ứng lao động cơ bản đáp ứng nhu cầu, số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tăng 0,8% so tháng trước và tăng 10,2% so cùng kỳ.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ giữ xu hướng tháng sau cao hơn tháng trước, tổng 10 tháng đạt gần 4,65 triệu tỷ đồng, tăng 20,2% so với cùng kỳ năm trước, tăng 13,9% so với cùng kỳ năm 2019. Khách quốc tế 10 tháng đạt gần 2,4 triệu lượt, tăng 18,8 lần so cùng kỳ.
Vốn FDI thực hiện 10 tháng đạt 17,45 tỷ USD tăng 15,2%, góp phần giảm áp lực lên cán cân thanh toán quốc tế trong ngắn hạn và tăng năng lực sản xuất mới.
Về Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH: Đã ban hành 15/17 văn bản cụ thể hóa các chính sách theo Nghị quyết 11/NQ-CP; Giải ngân đạt gần 66,3 nghìn tỷ đồng; Thủ tướng đã giao kế hoạch đầu tư vốn NSTW cho các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương với tổng số vốn 147.138 tỷ đồng cho 94 nhiệm vụ, dự án.
Về 3 chương trình mục tiêu quốc gia hiện đã ban hành 68 văn bản quản lý, điều hành và tổ chức thực hiện. Đồng thời, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ký, ban hành 05 Nghị quyết, 03 Công điện, 01 Chỉ thị, 02 thông báo và chủ trì 04 cuộc họp để chỉ đạo điều hành, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc và đôn đốc triển khai thực hiện. 63/63 địa phương đã kiện toàn Ban Chỉ đạo cấp tỉnh. Hầu hết các địa phương đang xây dựng, hoàn thiện văn bản quản lý, điều hành. 52/52 địa phương hoàn thành việc giao kế hoạch vốn.
Đáng chú ý, nhiều tổ chức quốc tế tiếp tục đánh giá tích cực về tình hình KT-XH của Việt Nam và dự báo lạc quan về tốc độ tăng trưởng năm 2022 và 2023, trong đó dự báo về tăng trưởng GDP năm 2022 hầu hết ở mức từ 7,5 - 8,2%, thuộc nhóm cao nhất Đông Nam Á. Trong đó IMF, Ngân hàng Standard Chartered, HSBC, Ngân hàng Singapore UOB dự báo mức tăng lần lượt là 7%, 7,5%, 7,6% và 8,2%...
Bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, báo cáo cũng nêu rõ, nền kinh tế trong 10 tháng qua cũng đã gặp phải không ít khó khăn, thách thức, nhất là do tác động của bối cảnh tình hình thế giới, trong nước ngày càng nhanh, phức tạp, khó lường; khó khăn, thách thức ngày càng nhiều hơn thuận lợi.
Đó là: Tăng trưởng của các yếu tố cả về cung và cầu của nền kinh tế tuy đã đạt ở mức cao nhưng cơ bản chưa bù đắp được mức giảm sút của năm trước do tác động của dịch COVID-19, mức bình quân 10 tháng vẫn thấp hơn so với cùng kỳ các năm trước dịch 2016-2019. Vẫn còn nhiều khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và công tác quản lý, điều hành kinh tế vĩ mô trong nước.
Thị trường tài chính, tiền tệ và chính sách điều hành đối mặt với áp lực ngày càng tăng do định hướng tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ, tăng lãi suất của FED và nhiều quốc gia. FDI đăng ký cấp mới mặc dù đã có dấu hiệu phục hồi trong tháng, nhưng tính chung 10 tháng vẫn giảm 23,7% so với cùng kỳ. Cân đối xăng dầu trong nước còn tiềm ẩn rủi ro, tình trạng một số cửa hàng bán lẻ xăng dầu hoạt động cầm chừng, thiếu hụt xăng dầu cục bộ tại một số địa phương...