Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại Thành phố Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) là một trong những đơn vị bán lẻ hiện đại đầu tiên tại Việt Nam, với thị phần bán lẻ tiêu dùng hiện đại khoảng 40%. Trong hơn 33 năm qua, Saigon Co.op đã làm cầu nối mang hàng hóa và dịch vụ chất lượng, tiện lợi đến với người tiêu dùng, góp phần kích thích phát triển kinh tế, bình ổn thị trường, kiềm chế lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội.
Lãnh đạo Saigon Co.op và tỉnh Đắk Lắk tham quan gian hàng tại Co.op mart Buôn Hồ.
Lãnh đạo Saigon Co.op và tỉnh Đắk Lắk tham quan gian hàng tại Co.op mart Buôn Hồ.

Trong 16 năm triển khai thực hiện nhiệm vụ bình ổn thị trường, tổng lượng hàng bình ổn của Saigon Co.op bình quân đạt 10.000 tấn/năm, trong đó, các mặt hàng bình ổn thiết yếu chiếm 70-80%.

So với năm đầu tiên tham gia chương trình (2006), đến năm 2021, sản lượng hàng bình ổn của Saigon Co.op đã tăng gấp 8 lần; tỷ lệ hàng Việt tăng từ 80% lên hơn 90% trong cơ cấu hàng hóa, riêng các mặt hàng bình ổn luôn bảo đảm 100% là hàng Việt. Số lượng điểm bán bình ổn cũng được mở rộng đến nhiều tỉnh, thành phố khác, tăng từ 17 điểm bán (2006) lên hơn 600 điểm bán trên cả nước (riêng tại Thành phố Hồ Chí Minh là 422 điểm bán).

Hằng năm, Saigon Co.op đều chủ động lên kế hoạch tham gia chương trình bình ổn suốt cả năm với 9 nhóm hàng chính (gạo, đường, dầu ăn, thịt gia súc, thịt gia cầm, trứng gia cầm, thực phẩm chế biến, rau củ quả, thủy hải sản) và các mặt hàng phục vụ cho mùa tựu trường, kinh doanh các mặt hàng của những nhà cung cấp tham gia Chương trình bình ổn thị trường.

Thông qua những chương trình thiết thực như ký kết hợp tác phát triển giữa Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố, các hội nghị “Kết nối cung-cầu hàng hóa”, các chuyên đề hợp tác với các cơ quan ban, ngành, Saigon Co.op thường xuyên thực hiện các hoạt động liên kết, hợp tác phát triển nguồn hàng, đặc biệt là bao tiêu, tiêu thụ nông sản đặc trưng tại các vùng, miền, hàng OCOP, nâng cao chất lượng sản phẩm, định hướng đầu ra..., qua đó kích thích phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn thành phố cũng như cả nước, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động.

Bên cạnh nguồn hàng nhập từ các nhà cung cấp, Saigon Co.op tiếp tục đẩy mạnh phát triển Hàng nhãn riêng trong nhiều năm qua, bình quân mỗi năm phát triển 70 đến 100 mặt hàng mới với mức giá thấp hơn các mặt hàng cùng loại từ 5 đến 20%, qua đó cũng đóng góp rất tích cực cho công tác bình ổn thị trường.

Ngoài ra, Saigon Co.op cũng tích cực hưởng ứng chương trình “Đưa hàng Việt về nông thôn”, hằng năm có hơn 1.000 chuyến bán hàng lưu động mang hàng hóa bình ổn đến với người tiêu dùng tại các vùng sâu, vùng xa, khu chế xuất, khu công nghiệp, vùng bị ảnh hưởng thiên tai, dịch bệnh,... Đặc biệt, trong 3 năm từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, Saigon Co.op đã chủ động triển khai nhiều giải pháp phòng ngừa và phản ứng nhanh trong các tình huống phát sinh rất phức tạp, cung ứng kịp thời nhu yếu phẩm cho người dân.

Qua đó thể hiện tinh thần trách nhiệm cao đối với đất nước và đồng bào bằng sự tận tụy, dấn thân, thực hiện tốt nhiệm vụ do UBND thành phố giao về bình ổn thị trường, người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, tăng cường bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, chất lượng hàng hóa, góp phần tích cực thực hiện mục tiêu phòng, chống dịch bệnh, phục hồi phát triển kinh tế-xã hội.

Trong giai đoạn 2022-2023 sắp tới, dưới góc độ là nhà phân phối bán lẻ, Saigon Co.op có một số đề xuất: Thúc đẩy nhanh việc áp dụng Quy chế triển khai Chương trình bình ổn thị trường trên địa bàn thành phố nhằm cụ thể hóa hơn nữa cơ chế, chính sách hỗ trợ, phân định trách nhiệm, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tham gia chương trình; tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện để tiếp cận với các vị trí mặt bằng phù hợp để phát triển điểm bán nhằm tăng độ phủ thương mại hiện đại, đáp ứng tốt hơn việc cung ứng hàng hóa cho người dân; ủng hộ và tạo điều kiện thuận lợi trong công tác quy hoạch, xây dựng hệ thống logistics, kho trung tâm phân phối hiện đại, đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa trên địa bàn thành phố cũng như các tỉnh, thành khác; đẩy mạnh kết nối cung-cầu, phát triển chuỗi giá trị hàng hóa, chuỗi cung ứng, gắn chặt với các chương trình, kết hợp tăng cường kiểm soát chất lượng, nguồn gốc xuất xứ hàng hóa; có chính sách hỗ trợ đổi mới công nghệ, chuyển đổi số để nâng cao năng lực quản trị, năng lực cạnh tranh và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp; tăng cường công tác tuyên truyền Chương trình bình ổn thị trường ra khắp cả nước.