Mối quan hệ song phương Việt Nam - Trung Quốc từ lâu đã vượt qua mối quan hệ láng giềng hữu nghị thuần túy.

Hơn cả một láng giềng thuần túy - Ảnh 1.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng bắt tay với Tổng bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh chiều 12-1-2017 -Ảnh: TTXVN

Tháng 11-2017, Tổng bí thư Tập Cận Bình đã chọn Việt Nam là điểm đến đầu tiên ở nước ngoài ngay sau Đại hội toàn quốc Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 19.

Từ ngày 30-10 đến 1-11 vừa qua, Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng trở thành khách mời nước ngoài đến thăm Trung Quốc đầu tiên của Tổng bí thư Tập Cận Bình ngay sau Đại hội Đảng lần thứ 20.

Sự đặc biệt trong thời điểm các chuyến thăm này bắt nguồn từ mối quan hệ "láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt" đã được bồi đắp và củng cố từ nhiều năm qua.

Đầu tiên, chính sự tương đồng về ý thức hệ đã giúp hai nước gần gũi nhau hơn, không chỉ về mô hình quản trị đất nước mà còn là đường lối phát triển. 

Trong buổi tiếp Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình nhấn mạnh Trung Quốc, Việt Nam cũng như các nước xã hội chủ nghĩa khác đã thành công trong việc đi theo xu thế thời đại và tìm ra con đường hiện đại hóa phù hợp với điều kiện của đất nước và chủ nghĩa xã hội ngày càng phát triển mạnh mẽ.

Về kinh tế, Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong nhiều năm liên tục và là nguồn nhập khẩu chính các nguyên liệu thô, nguyên liệu đầu vào và máy móc cho các lĩnh vực sản xuất quan trọng của nền kinh tế đang phát triển nhanh của Việt Nam.

Ở chiều ngược lại, Việt Nam cũng là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong số các nước thành viên ASEAN. Ngoài ra, Việt Nam còn là nền kinh tế quan trọng trong Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) đang được Trung Quốc dẫn dắt và thúc đẩy mạnh mẽ.

Chính tầm quan trọng về vai trò mỗi bên, không chỉ trong mối quan hệ song phương mà còn ở các thiết chế đa phương, đã giúp gia tăng sự bền vững trong quan hệ hai nước.

Khi thế giới đang ở trong tình trạng bất ổn và chuỗi cung ứng toàn cầu có hiện tượng bị đứt gãy do thương chiến Mỹ - Trung kéo dài, đại dịch COVID-19 và cuộc xung đột tại Ukraine, nhu cầu tăng cường quan hệ song phương Việt - Trung ngày càng trở nên mạnh mẽ để thúc đẩy mục tiêu phục hồi kinh tế, hội nhập khu vực và tăng cường khả năng thích ứng trước khủng hoảng.

Thị trường rộng lớn với khoảng 1,4 tỉ dân của Trung Quốc với thu nhập bình quân đầu người khoảng 12.000 USD trong năm 2021 mang lại cơ hội to lớn cho các ngành công nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các sản phẩm trái cây, nông nghiệp và thủy sản. 

Trong khi đó, Việt Nam là quốc gia gần trung tâm sản xuất của Trung Quốc, tỉnh Quảng Đông, nên thuận lợi cho việc dịch chuyển của các công ty sản xuất Trung Quốc và là cửa ngõ đi vào ASEAN cho hàng hóa Trung Quốc.

Chúng ta không thấy ở chuyến thăm của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng những hợp đồng thương mại lớn, nhưng thành quả đạt được còn quan trọng hơn thế nhiều lần. 

Đó là 13 văn kiện đã được ký kết, thiết lập các cơ chế hợp tác bao gồm các vấn đề chiến lược lớn, cũng như tạo nền tảng sự tin cậy lẫn nhau về chính trị, kinh tế và vạch ra lộ trình cho quan hệ Việt - Trung trong tương lai.

Chuyến thăm của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng được kỳ vọng sẽ tạo ra những chuyển biến mới, tích cực trong quan hệ hợp tác bình đẳng, cùng có lợi giữa hai nước trong các lĩnh vực như kinh tế, thương mại, đầu tư, cũng như tăng cường hợp tác quốc phòng - an ninh, phát triển quan hệ trong giáo dục, đào tạo cán bộ và thúc đẩy giao lưu hợp tác giữa các đoàn thể, nhân dân hai nước và nhiều lĩnh vực khác.

Điều quan trọng hơn hết, trong chuyến thăm của Tổng bí thư, hai bên đã đồng ý tăng cường xây dựng lòng tin, trao đổi thông tin, thiết lập đường dây nóng về việc quản lý các tranh chấp nhằm duy trì hòa bình và ổn định khu vực.