Đoàn công tác Hội Nhà báo Việt Nam có chuyến công tác tại khu vực các tỉnh Nam Sông Hậu, với các buổi làm việc với Thường trực Tỉnh ủy, UBND, các sở ban ngành, Hội Nhà báo các tỉnh Trà Vinh, Sóc Trăng, Cà Mau…
Nhà báo Nguyễn Đức Lợi - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam khẳng định: Là năm đầu tiên triển khai Nghị quyết của Hội Nhà báo Việt Nam, các buổi làm việc lần này nhằm kiện toàn lại công tác tổ chức ở các Hội địa phương, tìm hiểu hoạt động cụ thể tại địa phương để tiến tới một mô hình hoạt động thống nhất.
Nhiều khó khăn đang là rào cản trong hoạt động
Hội Nhà báo khu vực Nam Sông Hậu trong đó có Trà Vinh, Sóc Trăng, Cà Mau đều có nét tương đồng là có những khó khăn chung về cơ sở vật chất, đa số người làm công tác ở Hội là kiêm nhiệm... Cũng vì khó khăn đó mà nhiều hoạt động của Hội địa phương khu vực này dù có nhiều nỗ lực nhưng vẫn gặp những hạn chế nhất định.
Tại buổi làm việc giữa Đoàn Công tác Hội Nhà báo Việt Nam với Tỉnh ủy Sóc Trăng ngày 2/11, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Sóc Trăng Tạ Đình Nghĩa báo cáo với đoàn công tác về thực tiễn hoạt động nhiều năm qua của Hội. Theo đó, Hội Nhà báo tỉnh Sóc Trăng còn có những hạn chế nhất định, hoạt động hiện còn thiếu sự đồng bộ và ổn định. Phương thức tổ chức hoạt động của Hội trong giai đoạn trước khi có bộ máy chuyên trách mang tính hình thức, còn lúng túng, bị động; chưa tạo ra được những phong trào hoạt động mang tính hấp dẫn, thiết thực để thu hút hội viên tích cực tham gia hoạt động. Từ khi có cán bộ chuyên trách thì tình trạng trên dần được cải thiện. Ban Chấp hành tuy có 15 ủy viên nhưng hoạt động chưa đều. Do hầu hết đều là kiêm nhiệm - nhất là cán bộ chủ chốt nên trong quá trình công tác còn bị nặng về hoạt động chuyên môn của cơ quan, thiếu quan tâm đầu tư thời gian, tâm huyết cho công tác Hội.
Một vài thành viên do cơ cấu, nhận thức còn hạn chế về vai trò, vị trí, chức năng, trách nhiệm của tổ chức Hội Nhà báo; lại chưa được bồi dưỡng tập huấn đúng mức nên thiếu chuyên môn, còn lơ là với công tác Hội. Vẫn còn cán bộ Hội chưa nhiệt tình, thiếu năng động, linh hoạt trong hoạt động. Ý thức xây dựng Hội của một số hội viên còn mờ nhạt, không ít hội viên thiếu cầu tiến trong hoạt động nghiệp vụ, thiếu ý thức tham gia đóng góp xây dựng tổ chức Hội vững mạnh và cả những hoạt động mang lại lợi ích thiết thực cho chính bản thân hội viên…
Thêm vào đó, công tác bồi dưỡng nghiệp vụ, tập huấn kỹ năng chuyên môn cho hội viên, phóng viên, biên tập viên luôn được Hội Nhà báo tỉnh Sóc Trăng coi đây là một trong những nhiệm vụ chủ yếu, thường xuyên; nhưng dù hàng năm luôn có đề xuất kế hoạch, kiến nghị vẫn chưa được lãnh đạo tỉnh cấp kinh phí đào tạo, bồi dưỡng. Việc quán triệt, triển khai thực hiện Chỉ thị 37-CT/TW trước đây và Chỉ thị 43-CT/TW hiện nay chưa thực sự sâu, rộng, chưa được một số cơ quan chức năng hữu quan quan tâm đúng mức hoặc quan tâm chưa đầy đủ nên triển khai thực hiện còn chậm, hiệu quả chưa cao.
Vẫn còn nhận thức theo kiểu “đánh đồng” Hội Nhà báo Việt Nam với các tổ chức xã hội - nghề nghiệp khác. Đối với việc xây dựng các nghị quyết, chương trình hành động, cụ thể hóa đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về hoạt động báo chí tại địa phương cũng chưa thực sự được triển khai thường xuyên.
Vai trò của Hội Nhà báo ở địa phương trong việc tham gia ý kiến với các cơ quan Đảng và Nhà nước về quy hoạch, phát triển, chỉ đạo, quản lý báo chí cũng như việc bổ nhiệm, đề bạt, miễn nhiệm, điều động nhân sự lãnh đạo, cán bộ quản lý các cơ quan báo chí còn mờ nhạt, chưa thật sự được quan tâm đúng mức và càng chưa phù hợp các yêu cầu, quy định của Bộ, ngành Trung ương, pháp luật Nhà nước.
Tất nhiên, thời gian qua, với sự nỗ lực, các hoạt động của Hội Nhà báo Sóc Trăng đã có chuyển biến, ngày càng đi vào nề nếp, nâng cao chất lượng hoạt động Hội. Bà Hồ Thị Cẩm Đào - Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Sóc Trăng nhận định: Hội Nhà báo tỉnh từng bước kiện toàn tổ chức bộ máy từ tỉnh đến các chi hội, CLB; Nỗ lực đổi mới phương thức hoạt động, nâng cao vai trò là tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp của những người làm báo địa phương; Tập trung cho công tác giáo dục tư tưởng, chính trị, rèn luyện phẩm chất cách mạng, đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ người làm báo tỉnh nhà.
Thường trực Hội Nhà báo tỉnh đã rất năng động, sáng tạo triển khai nhiều giải pháp nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ cho hội viên; Quan tâm động viên, khen thưởng kịp thời cho hội viên, bảo vệ quyền lợi chính đáng và hợp pháp của nhà báo; còn nỗ lực tham mưu cho lãnh đạo tỉnh về chủ trương, chính sách quy hoạch báo chí, lãnh đạo, chỉ đạo công tác báo chí,... Hoạt động của Hội luôn hướng về hội viên, với nhiều phong trào đa dạng, phong phú, thiết thực và bổ ích...
Bài toán nhân sự và kinh phí
Vấn đề nhân sự và kinh phí hoạt động quả thực là những vấn đề trăn trở của không ít Hội Nhà báo địa phương thời gian qua. Tại các cuộc làm việc, Hội Nhà báo Trà Vinh, Hội Nhà báo Sóc Trăng đều chia sẻ rằng, thực tế lâu nay, việc bố trí cán bộ chuyên trách cho Hội không chỉ gặp khó khăn về biên chế mà còn khó ngay từ nhận thức của những người có năng lực, trình độ không muốn về làm công tác Hội (thu nhập, điều kiện hoạt động nghiệp vụ). Điều ấy đã ảnh hưởng không nhỏ đến những hoạt động của các Hội Nhà báo trong khu vực này.
Chính vì vậy, tại buổi làm việc ngày 2/11, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Sóc Trăng Tạ Đình Nghĩa kiến nghị Thường trực Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với các cấp, ngành có thẩm quyền thể chế hóa các quy định liên quan đến tổ chức Hội Nhà báo ở địa phương cả về biên chế, chức danh nghề nghiệp, chế độ chính sách đối với người làm công tác Hội và điều kiện tài chính, cơ sở vật chất cũng như vai trò, trách nhiệm, quyền hạn trong hoạt động, việc tham gia giám sát phản biện xã hội của Hội Nhà báo, theo chủ trương của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Luật Báo chí.
Ngoài ra, nhà báo Tạ Đình Nghĩa cũng cho rằng, Hội Nhà báo Việt Nam cần sớm có văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế và hướng dẫn cụ thể đối với việc thực hiện Quyết định 979/QĐ-HNBVN (ngày 16/4/2018), Hướng dẫn số 646/HD-HNBVN (ngày 11/9/2018) và Công văn số 03/CV-HNBVN (03/01/2019) của Hội Nhà báo Việt Nam về việc sinh hoạt của hội viên là phóng viên thường trú của các cơ quan báo chí tại địa phương.
Đối với Chương trình Hỗ trợ sáng tạo tác phẩm báo chí chất lượng cao, ông cũng cho rằng, hàng năm nên sớm triển khai thông báo phân bổ kinh phí, chỉ tiêu tác phẩm để các Hội Nhà báo địa phương chủ động hơn trong xây dựng quy chế, kế hoạch và triển khai các thủ tục thực hiện nhằm nâng cao hiệu quả, chất lượng tác phẩm tham gia chương trình.
Tại buổi làm việc lần này, các lãnh đạo Hội Nhà báo Sóc Trăng cũng đặc biệt trăn trở về kinh phí hoạt động. Từ năm 2020 đến nay, kinh phí phân bổ cho Hội Nhà báo tỉnh theo quyết định UBND tỉnh để thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn (tổ chức Hội báo Xuân, họp mặt kỷ niệm 21/6,…) và cả kinh phí hoạt động thường xuyên từng bước bị cắt giảm đáng kể. Riêng năm 2022, theo Quyết định số 3476/QĐ-UBND (ngày 10/12/2021), dự toán chi từ ngân sách tỉnh được giao là hơn một tỷ đồng. Nhưng đến cuối tháng 6/2022 mới có quyết định phê duyệt dự toán chi tiết kinh phí hoạt động chuyên ngành là 416 triệu đồng - giảm khoảng hai trăm triệu đồng so với năm 2021 và giảm hơn bốn trăm triệu đồng so với năm 2020.
Thường trực Tỉnh đã xây dựng kế hoạch chi tiêu các khoản, mục đúng quy định trên tinh thần tiết kiệm tối đa phục vụ cho hoạt động. Tuy nhiên so với yêu cầu nhiệm vụ được giao thì hoàn toàn khó có thể đáp ứng. Chính vì vậy, Hội Nhà báo tỉnh Sóc Trăng đã kiến nghị với Tỉnh ủy - UBND tỉnh và các sở ngành chức năng địa phương quan tâm chỉ đạo.
“Cụ thể là quan tâm thực hiện các cơ chế, chính sách về tổ chức, biên chế, tài chính và các điều kiện cần thiết khác, đảm bảo cho Hội Nhà báo địa phương hoạt động có hiệu quả thiết thực, thực hiện đúng quyền và nghĩa vụ của Hội Nhà báo Việt Nam theo quy định của pháp luật. Tạo môi trường và điều kiện thuận lợi để Hội Nhà báo tỉnh phát huy tốt vai trò, vị trí của mình trong xã hội, các nhà báo - hội viên thực hiện tốt trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân… theo đúng định hướng của Đảng và pháp luật của Nhà nước” - ông Nghĩa nhấn mạnh.
Có thể nói, chuyến công tác của Hội Nhà báo Việt Nam đã khảo sát được thực tế các hoạt động của các cấp Hội Nhà báo địa phương nhằm thống nhất các vấn đề về công tác tổ chức cũng như các hoạt động của Hội, hướng đến thực hiện hiệu quả Nghị quyết của Đại hội Hội Nhà báo Việt Nam đề ra…