Chiều 4/11, tại TP. Cà Mau, Hội Nhà báo Việt Nam (HNBVN) tổ chức tọa đàm "Nâng cao chất lượng báo chí địa phương trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch".
Tham dự tọa đàm có các đồng chí Nguyễn Đức Lợi Phó Chủ tịch Thường trực HNBVN, Trần Trọng Dũng Phó Chủ tịch HNBVN, Nguyễn Bé nguyên Phó Chủ tịch HNBVN, Nguyễn Thanh Dũng Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Cà Mau, các đồng chí trong Ban Thường vụ, BCH HNBVN và đại biểu Hội Nhà báo các tỉnh thành miền Đông và Tây Nam bộ.
Phát biểu khai mạc tọa đàm, đồng chí Nguyễn Đức Lợi Phó Chủ tịch Thường trực HNBVN gợi mở một số vấn đề cần tập trung để thảo luận như: Vai trò của báo chí truyền thông trong việc nhận điện đúng đối tượng, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch và phản bác những quan điểm sai trái, góp phần định hướng dư luận bảo vệ Đảng và Nhà Nước; Về hoạt động thực tế, yêu cầu đặt ra trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng đối với báo chí địa phương hiện nay; Những đặc thù trong đấu tranh phản bác sai trái, thù địch của mỗi địa phương với yếu tố địa lý chính trị khác nhau, các vấn đề văn hoá dân tộc, tôn giáo, văn hóa vùng miền riêng biệt; Làm rõ các kết quả đạt được, nhận diện những khó khăn thách thức nảy sinh trong thực tiễn đấu tranh; Nâng cao phẩm chất chính trị, bồi dưỡng trình độ chuyên môn cho những người làm công tác bảo vệ nền tảng, đào tạo rèn luyện lực lượng tham gia đấu tranh phản bác trong tình hình mới.
Tham luận và trao đổi ý kiến tại buổi tọa đàm, nhiều Hội Nhà báo từ các địa phương đã nêu lên các hình thức đấu tranh chống các thế lực thù địch để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng với một số nội dung chính như: Tăng cường quản lý báo chí, internet, mạng xã hội; hoạt động xuất bản đấu tranh yêu cầu các tổ chức cá nhân gỡ bỏ các clip, tài khoản có nội dung sai trái độc hại (HNB Cà Mau);
Báo chí Hậu Giang không đứng ngoài cuộc, luôn chủ động tích cực tuyên truyền trên báo in, báo điện tử, sóng phát thanh truyền hình,... bằng các sản phẩm mang nội dung bảo vệ đó là nói đúng, đầy đủ, kịp thời về đường lối chủ trương của Đảng, của cấp uỷ, thành quả đạt được và đấu tranh thuyết phục (HNB Hậu Giang).
Từ đầu năm 2021 đến nay, chuyên mục đặc biệt "Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng" đã được đăng tải trên báo Cần Thơ điện tử. Nội dung chú trọng lan tỏa thông tin tích cực, định hướng dư luận xã hội góp phần tạo môi trường chính trị ổn định, không để các thế lực thù địch cơ hội, chính trị lợi dụng xuyên tạc, hình thành điểm nóng để chống phá trên địa bàn Cần Thơ (HNB Cần Thơ)
Đối với Hội Nhà báo Long An, các tác phẩm được đăng tải trên báo Long An và phát sóng trên Đài Phát thanh - Truyền hình Long An tập trung vào những thông tin tích cực với phương châm "Lấy cái đẹp dẹp cái xấu, lấy cái tích cực đẩy lùi tiêu cực", tuyên truyền chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước nhằm khắc phục tình trạng thiếu thông tin dẫn đến mơ hồ, mất cảnh giác trước âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, phản động lợi dụng Internet, mạng xã hội để phát tán thông tin suy diễn xuyên tạc bịa đặt chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ.
Theo Nhà báo Đỗ Phú Thọ - chuyên gia Ban chỉ đạo 35 Quân uỷ Trung ương, tiêu chí tác phẩm báo chí hay về đề tài bảo vệ nền tảng của Đảng với 8 chữ Đ: "Đảng, Đúng, Đủ, Đẹp, Đi, Đến, Đọc, Đánh".
Trong đó, phải đảm tính Đảng, tính Đúng đòi hỏi người làm báo trước hết phải có bản lĩnh vững vàng, nhiệt tình, tâm huyết với Đảng. Đồng thời, phải là người có nghiệp vụ tốt, có kiến thức, hiểu biết sâu sắc về Đảng mới làm được những tác phẩm báo chí sinh động hấp dẫn thu hút công chúng, bài viết vừa đủ, ảnh đẹp, phải đi phải đến cơ sở, phải đọc tài liệu và phải đánh vào những yếu kém, để đánh có hiệu quả người làm báo cần phải có dũng khí, dám hy sinh vì lẽ phải .
Nhà báo Phan Đăng Trường - Phó Tổng biên tập báo Công an Nhân dân cho rằng: “Làm thế nào để có bài hay, thu hút người đọc?”.
Chống "Diễn biến hoà bình" là một thể loại báo chí chính luận, nếu thiếu sự đổi mới dẫn đến khô khan, kén người đọc khi đó hiệu quả việc tuyên truyền đấu tranh phản bác khó hiệu quả. Do vậy về nội dung cần bám sát các sự kiện chính trị, ngoại giao của đất nước diễn ra trong năm; Bám các vấn đề, vụ việc xảy ra thường ngày gây chú ý dư luận nhất là các vụ việc khởi tố bắt giam những đối tượng có hành vi chống phá Đảng, Nhà nước. Kẻ địch thường lợi dụng những vấn đề này để xuyên tạc chống phá, do đó cần có cái bài viết phản bác kịp thời.
Cũng theo nhà báo Phan Đăng Trường, về hình thức nên tổ chức theo từng đợt các chủ điểm cụ thể, thể hiện đa dạng các thể loại, tạo dấu ấn đậm nét và hình thức thể hiện sinh động thuyết phục triển khai theo các hướng như dùng lý lẽ phản bác, chứng minh thực tiễn sinh động, uy tín, khách quan...
Theo đồng chí Trần Trọng Dũng Phó Chủ tịch HNBVN phụ trách phía Nam, những địa bàn trọng yếu như Hà Nội, TP HCM và các thành phố lớn thì Hội Nhà báo địa phương cần tham gia Ban chỉ đạo 35 (NQ số 35-NQ/TƯ), để hỗ trợ trong công tác định hướng tuyên truyền của các cơ quan báo chí.
Ngoài ra, cần tập trung đầu tư cho các cây bút trong các cơ quan báo chí thực hiện các đề tài, có kinh phí để thực hiện các tuyến bài, các thể loại báo chí,... phối hợp với các cơ quan báo Trung ương trong việc lan tỏa các bài viết hay trên báo điện tử, tranh thủ những người uy tín của xã hội để có những tác phẩm đáp ứng yêu cầu về nội dung.
Toạ đàm thu hút sự quan tâm của các Hội Nhà báo địa phương nhất là trong việc bảo vệ hội viên, nhà báo, các cơ quan báo chí khi thực hiện các đề tài và sẵn sàng dấn thân vào cuộc đấu tranh đầy cam go này. Qua toạ đàm cũng có nhiều Hội Nhà báo nêu lên cách làm, đề tài nội dung, hình thức thể hiện và các vấn đề các báo địa phương cần phải làm trong thời gian đến nhằm thực hiện tốt công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.