Tình trạng thiếu chỗ đậu xe, nhất là với ô tô đang ngày càng trầm trọng tại TPHCM, gây thiệt hại lớn cho người dân, doanh nghiệp và cả xã hội. Trong khi đó, nhiều giải pháp căn cơ của TP vẫn đang bị bỏ ngỏ.

Một bãi đậu xe container trên đường Võ Chí Công, TP Thủ Đức, TPHCM

Một bãi đậu xe container trên đường Võ Chí Công, TP Thủ Đức, TPHCM

Đậu xe tràn lan

Đường Võ Chí Công (TP Thủ Đức) khá hẹp, nhưng vào giờ cao điểm, nhất là buổi trưa, chiều tối, xe container vẫn đậu gần hết lòng đường. Một buổi trưa đầu tháng 11, tại khu vực cầu Bà Cua thuộc phường Bình Trưng Đông (TP Thủ Đức), nhiều xe tải nặng, xe container đậu thành hàng dưới lòng đường Võ Chí Công, che chắn tầm nhìn, rất nguy hiểm cho các phương tiện khác qua lại khu vực này. 

Thiếu bãi đậu xe, nhiều “đầu nậu” đã lập ra những bãi xe tự phát, hoạt động không đảm bảo các điều kiện an toàn. Trên đường Võ Chí Công (phường Bình Trưng Đông, TP Thủ Đức), chỉ một đoạn khoảng 1km nhưng có hàng chục bãi xe tự phát “mọc” lên dọc đường. Trước mỗi bãi xe có để bảng quảng cáo “nhận đậu xe vào giờ cấm, giá 100.000 đồng/xe”. Ngoài giữ xe, nhiều bãi xe còn tổ chức làm dịch vụ rửa, sửa xe, thay nhớt... Tuy nhiên, hầu hết các bãi xe tự phát này đều không được trang bị hệ thống, trang thiết bị phòng cháy chữa cháy; bỏ qua các quy định về môi trường. Còn tại vòng xoay Phú Hữu, đầu đường Nguyễn Duy Trinh có đặt biển cấm xe tải trên 3,5 tấn theo giờ, nhưng hàng ngày, tài xế xe container vẫn bất chấp, ngang nhiên đậu dưới lòng đường, không theo khung giờ quy định.

Anh Lê Văn Hải (38 tuổi), tài xế xe tải gửi xe tại một bãi đậu xe bên đường Võ Chí Công, cho biết: “Tụi em đậu được ở đây là nhờ chủ xe đăng ký, trả tiền trước theo tháng. Còn xe vãng lai rất khó tìm chỗ đậu trong bãi, vì nhu cầu rất lớn. Nhiều tài xế không tìm được bãi đậu, phải chạy lòng vòng, hoặc liều mạng đậu dưới lòng đường”.

Càng vào khu vực trung tâm TPHCM, càng khó tìm chỗ đậu xe, nhất là với ô tô. Thiếu chỗ đậu xe, nhiều tuyến đường bỗng dưng thành bãi đậu xe. Trên hai tuyến đường Hàn Thuyên và Alexandre de Rhodes (quận 1) luôn có xe hơi đậu hàng dài dưới lòng đường, bất chấp biển cấm. Còn tại các trục đường như Pasteur, Ngô Thời Nhiệm, Trương Định (quận 3)…, đều có biển cấm đậu xe nhưng nhiều tài xế vẫn bật đèn khẩn cấp để dừng, nhằm đối phó với cơ quan chức năng. Anh Hoàng Thế Nam, lái xe cho một doanh nghiệp ở quận Tân Bình, nói: “Mỗi lần chở sếp ra quận 1 làm việc, mình rất khó tìm chỗ đậu xe. Nhiều hôm chạy cả tiếng đồng hồ trong quận 1 vẫn tìm không ra chỗ đậu, đành bật đèn khẩn cấp đậu dưới đường. Biết đậu xe như vậy là phạm luật giao thông, nhưng không còn cách nào khác”.

Thiệt hại lớn

Tình trạng thiếu bãi đậu xe không chỉ làm khó chủ xe, tài xế mà làm ảnh hưởng tiêu cực đến toàn xã hội. Khi doanh nghiệp trả phí đậu xe lớn, sẽ đẩy giá hàng hóa, dịch vụ lên cao, hậu quả là khách hàng, người tiêu dùng lãnh đủ. Ngoài ra, xe dừng đậu tràn lan sẽ gây ùn ứ, thậm chí ùn tắc giao thông. 

Theo thống kê mới nhất của ngành chức năng, hiện tại tổng số phương tiện giao thông của TPHCM là gần 9 triệu. Đó là chưa kể cả triệu phương tiện vãng lai đang hàng ngày lưu thông tại đô thị lớn nhất nước này. Đây là những con số khổng lồ, trực tiếp gây áp lực cho giao thông đô thị nói chung và mạng lưới giao thông tĩnh (bến bãi) nói riêng. Rất nhiều người dân tại TPHCM ngán ngẩm khi phải chạy ô tô cá nhân vào khu vực trung tâm TP, bởi tìm một chỗ đậu cho ô tô thật không đơn giản. 

Để giải bài toán thiếu chỗ đậu xe, thời gian qua, ngành chức năng TP đã lập quy hoạch, triển khai một số dự án bãi đậu xe ngầm, cho đậu xe có thu phí tại 23 tuyến đường khu vực trung tâm. Tuy nhiên, sau hơn chục năm triển khai, các dự án bãi đậu xe ngầm vẫn còn trên giấy. 

Theo ông Bùi Văn Quản, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TPHCM, hầu hết doanh nghiệp phải tự thuê các khu đất trống để làm bãi đậu xe tạm. Với cách này, chi phí rất cao, lại dễ gặp rủi ro cháy nổ. Trong khi đó, các khu vực được quy hoạch làm bãi đậu xe thì giá đất đắt đỏ, vượt khả năng đầu tư của phần lớn doanh nghiệp. Do đó, giải pháp khả thi nhất là nhà nước phải dành các quỹ đất công phục vụ cho giao thông công cộng vì trong bối cảnh giá đất cao như hiện nay, chỉ có nhà nước mới đảm trách nổi. 

Ngoài ra, vị trí đất để làm bãi đậu xe phải đáp ứng các tiêu chí như: Có sự đồng thuận giữa đơn vị vận tải và tổ chức, cá nhân có chủ quyền sử dụng đất (thời gian thỏa thuận 5-10 năm); đường giao thông tiếp cận vị trí khu đất có bề rộng mặt đường hiện hữu tối thiểu đáp ứng cho 2 làn xe tải lưu thông; lộ trình vận chuyển của phương tiện phù hợp với tổ chức giao thông khu vực… Theo ông Bùi Văn Quản, để đáp ứng các tiêu chí này thật khó.

Theo Sở GTVT TPHCM, hiện hệ thống bến bãi ở TP chỉ đạt khoảng 20% quy hoạch, thiếu hơn 900ha so với chỉ tiêu gần 1.200ha. TPHCM đang có 35 bến bãi, thấp hơn nhiều so với 126 vị trí được quy hoạch. Do vậy, để đáp ứng nhu cầu dừng, đậu xe trong đô thị, Sở GTVT đang cân nhắc việc xây các bãi đậu xe thông minh trong công viên.