Sáng 18-11, tại Đồng Tháp đã diễn ra Hội thảo phát triển bền vững ĐBSCL giải pháp từ cây lúa. Tham dự hội thảo có lãnh đạo các tỉnh, thành vùng ĐBSCL, các viện, trường trong khu vực.
 
Tổ chức lại sản xuất đất lúa theo hướng tập trung vào chất lượng thay vì sản lượng ảnh 1
Quang cảnh hội thảo

Tại hội thảo, đồng chí Lê Quốc Phong, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp cho biết: “Có lẽ chưa bao giờ ĐBSCL nhận được sự quan tâm nhiều như giai đoạn hiện nay. Trong bối cảnh thế giới nhiều biến động, với vị thế của một vùng đất nông nghiệp, vựa lúa lớn nhất nước, ĐBSCL đang kỳ vọng chờ đón nhiều chính sách, giải pháp để bứt phá, phát triển. Khát vọng cho một vùng đồng bằng giàu tiềm năng chuyển mình, thoát trũng, phát triển bền vững là khát vọng của nhiều thế hệ, của đông đảo người dân các tỉnh trong khu vực”.

Theo Báo cáo kinh tế thường niên vùng ĐBSCL, điểm sáng lớn nhất của vùng trong hai năm 2020 - 2021 là nông nghiệp. Vượt qua những tác động bất lợi từ dịch bệnh trong năm 2021, khu vực nông nghiệp của ĐBSCL vẫn tăng trưởng mạnh (3,4%), cao hơn so với mặt bằng chung của cả nước. Xuất khẩu nông sản, thủy sản của vùng đóng vai trò then chốt trong việc duy trì thặng dư thương mại của Việt Nam.

Diện tích sản xuất lúa của ĐBSCL luôn đứng đầu cả nước, trung bình chiếm 52% diện tích gieo trồng lúa của cả nước. ĐBSCL đã phát huy lợi thế là vựa lúa lớn nhất cả nước, khi đóng góp hơn 90% sản lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam, góp phần khẳng định vai trò, vị thế xuất khẩu gạo trong nhóm dẫn đầu của thế giới; bảo đảm an ninh lương thực quốc gia và ổn định cuộc sống cho 65% dân cư nông thôn của vùng.

“Với Đồng Tháp chúng tôi, cây lúa có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Cùng với xoài, cá tra, sen, hoa kiểng, lúa gạo là một trong 5 ngành hàng nông nghiệp chủ lực của tỉnh. Để nâng cao giá trị cây lúa, nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp tiên tiến như "1 phải - 5 giảm", "3 giảm - 3 tăng", ứng dụng cơ giới hóa toàn diện, nông nghiệp thông minh và chuyển đổi số, giảm phát thải khí nhà kính, canh tác theo hướng hữu cơ, các mô hình xen canh, hợp canh (lúa- cá;)…, các mô hình sản xuất cánh đồng lớn, ứng dụng công nghệ thông tin; đẩy mạnh số hóa trong một số mô hình đã được triển khai nhằm nâng cao chất lượng, giảm giá thành sản xuất đã giúp tăng thêm thu nhập trung bình cho người nông dân trồng lúa từ 5,3 - 7,7 triệu đồng/ha”,  Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Quốc Phong cho biết.  

Tuy nhiên, ngành hàng lúa gạo vẫn còn đó những khó khăn, trăn trở; thu nhập của nông dân trồng lúa chưa ổn định, vẫn còn thấp so với các loại nông sản khác. Những bất ổn liên quan nguyên liệu đầu vào, chi phí tăng, thị trường không ổn định, giá bán thấp tiếp tục đe dọa đến thu nhập của nông dân trồng lúa khiến cuộc sống người dân thiếu bền vững.

Tổ chức lại sản xuất đất lúa theo hướng tập trung vào chất lượng thay vì sản lượng ảnh 2
GS-TS Võ Tòng Xuân phát biểu tại hội thảo

Tại hội thảo, các đại biểu đã dành nhiều thời gian thảo luận về giải pháp để triển khai 1 triệu héc-ta lúa chất lượng cao, hiến kế để cải thiện thu nhập cho nông dân ĐBSCL. Trong đó, GS-TS Võ Tòng Xuân đã nhấn mạnh đến khâu tổ chức lại sản xuất đất lúa theo hướng tập trung vào chất lượng thay vì sản lượng. Xây dựng vùng lúa chất lượng cao gắn với đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm để xuất khẩu vào các thị trường khó tính, giúp nông dân trồng lúa gia tăng lợi nhuận.