Chủ trì hội thảo có các đồng chí: Phạm Bình Minh, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ; Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM; Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Bùi Văn Nghiêm, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Vĩnh Long.
Cùng dự hội thảo có các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, TPHCM các thời kỳ, các nhà khoa học và đại diện gia đình đồng chí Võ Văn Kiệt.
Những bài học từ cuộc đời đồng chí Võ Văn Kiệt
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh, nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết cùng các vị lãnh đạo, đại biểu tham quan triển lãm về cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Ảnh: VIỆT DŨNG
Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh khẳng định, hội thảo là sự kiện có ý nghĩa rất quan trọng và thiết thực để chúng ta cùng nhau ôn lại cuộc đời, sự nghiệp vẻ vang và tri ân những đóng góp to lớn của đồng chí Võ Văn Kiệt đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Đồng thời, đúc kết những bài học có giá trị lý luận và thực tiễn để giáo dục tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, lý tưởng cách mạng, góp phần đẩy mạnh sâu rộng và toàn diện công cuộc đổi mới, xây dựng, phát triển và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Theo Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh, với 86 tuổi đời, 69 tuổi Đảng, gần 70 năm hoạt động cách mạng liên tục, đồng chí Võ Văn Kiệt đã trải qua nhiều hy sinh, gian khổ, gắn liền với những chặng đường lịch sử vẻ vang của Đảng và dân tộc ta.
Các đồng chí lãnh đạo chủ trì hội thảo khoa học cấp quốc gia “Đồng chí Võ Văn Kiệt – nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng và cách mạng Việt Nam”. Ảnh: VIỆT DŨNG
“Dấu ấn Võ Văn Kiệt” đã in đậm trong những quyết sách lớn, những dự án, công trình trọng điểm quốc gia thời kỳ đầu đổi mới, giữa bối cảnh tình hình trong nước và quốc tế có nhiều khó khăn, thách thức lớn. Từ đó góp phần đưa sự nghiệp đổi mới đạt được những thành tựu quan trọng, đưa đất nước ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội, bước vào thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
“Đồng chí Võ Văn Kiệt đã để lại cho chúng ta những bài học quý báu về tấm gương của một chiến sĩ cộng sản chân chính, một nhà lãnh đạo có tầm tư duy chiến lược, lý luận gắn liền với thực tiễn, dám nhìn thẳng vào sự thật, sâu sát cơ sở, luôn lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân. Đồng thời luôn giữ vững nguyên tắc, kiên định lập trường, trí tuệ, bản lĩnh, mưu lược, tiên phong, không ngừng đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, quyết liệt hành động vì lợi ích chung để giải quyết những vấn đề bức thiết, những đòi hỏi của nhân dân và thực tiễn cách mạng, vì mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội”, đồng chí Phạm Bình Minh nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh phát biểu khai mạc hội thảo. Ảnh: VIỆT DŨNG
Phó Thủ tướng Thường trực tin tưởng, thông qua hội thảo, với sự chuẩn bị công phu, nghiêm túc, tâm huyết, trách nhiệm của các chuyên gia, nhà khoa học và các nhà hoạt động thực tiễn, những nhân chứng lịch sử, thể hiện lòng biết ơn và kính trọng đối với đồng chí Võ Văn Kiệt. Qua đó, làm sáng rõ hơn, sâu sắc hơn nữa, đầy đủ và sống động hơn nữa phẩm chất, tài năng, công lao, cống hiến to lớn của đồng chí Võ Văn Kiệt, cũng như rút ra bài học kinh nghiệm đối với tiến trình phát triển của Đảng và cách mạng Việt Nam. Trước hết là thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, bảo vệ vững chắc thành quả cách mạng, xây dựng đất nước ta ngày càng giàu đẹp, phồn vinh, hạnh phúc.
Phát biểu đề dẫn hội thảo, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng đề nghị hội thảo tập trung thảo luận làm rõ một số nội dung theo chủ đề để làm nổi bật lên những phẩm chất, đóng góp của đồng chí Võ Văn Kiệt cho sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Đó là người lãnh đạo sâu sát cơ sở, kiên trung năng động sáng tạo, nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng và Nhà nước, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tấm gương mẫu mực suốt đời vì nước vì dân. Cùng với đó là chủ đề đồng chí Võ Văn Kiệt với quê hương Vĩnh Long và với TPHCM – nơi đồng chí Võ Văn Kiệt dành nhiều tâm huyết và để lại dấu ấn đậm nét trong cuộc đời và sự nghiệp của mình.
Bản lĩnh ở những “bước ngoặt”
Phát biểu tại hội thảo, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh, lịch sử dựng và giữ nước trải qua nhiều chặng đường vẻ vang, kiên cường, đã sản sinh bao anh hùng hào kiệt, hàng triệu người đã hiến dâng cả cuộc đời cho quê hương đất nước. Đồng chí Võ Văn Kiệt là một trong những nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng, của cách mạng Việt Nam, là người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên phát biểu tại hội thảo. Ảnh: VIỆT DŨNG
Gần 70 năm hoạt động cách mạng liên tục, sôi nổi, vượt qua bao nhiêu cam go thử thách, từ một thanh niên yêu nước đến khi trở thành Thủ tướng Chính phủ, cuộc đời đồng chí Võ Văn Kiệt đã đi cùng năm tháng hào hùng của Đảng, Nhà nước, Nhân dân, nhất là TPHCM. “Trong những thời điểm khó khăn có tính chất bước ngoặt, thì tài năng, trí tuệ, sự sắc sảo, phẩm chất bản lĩnh của đồng chí được hiển lộ rõ nét nhất”, đồng chí Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh.
Theo đồng chí Bí thư Thành ủy TPHCM, hội thảo khoa học lần này không chỉ tưởng nhớ đến nhân cách, tri ân đến đồng chí Võ Văn Kiệt, mà quan trọng hơn, qua hội thảo có thể tìm ra chất liệu nào đã tạo nên nhà chính trị, văn hóa lớn như đồng chí Võ Văn Kiệt. Đồng chí Nguyễn Văn Nên nhìn nhận, khi mọi người nhắc về chú Sáu Dân cũng thầm mong đất nước có nhiều người như chú Sáu. Cuộc đời đồng chí nhắc nhở rằng các thế hệ nối tiếp phải biết tự học, học thật, làm thật, sống thật với nhân dân, nhưng vẫn sáng tạo trong bối cảnh, nhiệm vụ, yêu cầu mới, tạo giá trị mới, để góp phần đưa đất nước phát triển.
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi trò chuyện cùng Phu nhân cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Ảnh: VIỆT DŨNG
Với tinh thần đó, Bí thư Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh, Thành ủy TPHCM tiếp tục đẩy mạnh học tập làm theo tư tưởng đạo đức phong cách Hồ Chí Minh, phấn đấu học tập rèn luyện, gắn với thực hiện có hiệu quả Kết luận 14 của Bộ Chính trị, phấn đấu thực hiện ước mơ hoài bão của đồng chí Bí thư Thành ủy Võ Văn Kiệt đã từng mong ước, quyết tâm xây dựng TPHCM để không hổ thẹn với sự hi sinh vô bờ bến của các đồng chí.
Còn đối với quê hương, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long Bùi Văn Nghiêm cho biết, với tư duy năng động, nhạy bén, kinh nghiệm hoạt động thực tiễn phong phú và tầm nhìn chiến lược, đồng chí Võ Văn Kiệt đã gợi ý cho lãnh đạo tỉnh nhà những ý kiến hết sức quý báu. Đó là những gợi ý về chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, đặc biệt là cơ cấu lại sản xuất ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị, phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu; chú trọng phát triển công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, gắn với xây dựng nông thôn mới, phát triển đô thị.
Các đại biểu tham dự hội thảo. Ảnh: VIỆT DŨNG
Đồng chí nhắc nhở các đồng chí lãnh đạo tỉnh phải luôn chú ý vai trò quyết định của công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao. Trong đó, chú trọng giữ gìn đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, giữ gìn và củng cố quan hệ mật thiết giữa Đảng và nhân dân; nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng; phòng chống tham nhũng và các hiện tượng tiêu cực trong cán bộ, đảng viên; quan tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trẻ.
Mỗi chuyến về thăm quê hương Vĩnh Long, đồng chí Võ Văn Kiệt đều đề nghị xuống thăm cơ sở. Từ đó, đồng chí hiểu thêm những vấn đề đặt ra với các địa phương, đơn vị để có hướng giải quyết thiết thực.
Các đại biểu tham gia hội thảo. Ảnh: VIỆT DŨNG
“Với quê hương, đất nước, đồng chí Võ Văn Kiệt đã sống trọn vẹn nghĩa tình. Đồng chí đã cống hiến biết bao tâm huyết, sức lực cho khát vọng độc lập, tự do, hạnh phúc và sự vươn lên mạnh mẽ của một dân tộc anh hùng. Sẽ còn mãi vang vọng đến mai sau lời căn dặn ân tình của đồng chí: “Còn dân là còn tất cả. Có dân sẽ làm nên tất cả””, đồng chí Bùi Văn Nghiêm bày tỏ.
Quang cảnh hội thảo “Đồng chí Võ Văn Kiệt – nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng và cách mạng Việt Nam”. Ảnh: VIỆT DŨNG
Đồng chí Võ Văn Kiệt tên khai sinh là Phan Văn Hòa, bí danh: Sáu Dân; sinh ngày 23-11-1922, tại xã Trung Hiệp, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long. Đồng chí mất ngày 11-6-2008. Năm 1938, đồng chí tham gia hoạt động trong phong trào Thanh niên phản đế. Tháng 11-1939, đồng chí được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương, làm Bí thư Chi bộ, Huyện ủy viên và tham gia cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ ở huyện Vũng Liêm.
Trong sự nghiệp cách mạng của mình, đồng chí đã trải qua nhiều vị trí, làm Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Bộ Chính trị, giữ các chức vụ Bí thư Thành ủy TPHCM, Thủ tướng Chính phủ, Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đại biểu Quốc hội các khóa VI, VIII, IX.
Đồng chí là một nhà lãnh đạo kiên cường với tư duy đổi mới, sâu sát thực tiễn và hành động quyết liệt vì lợi ích của nhân dân; một nhà lãnh đạo tài năng, đầy bản lĩnh và nhân cách, luôn dấn thân và kiến tạo. Đồng chí Võ Văn Kiệt đã để lại nhiều dấu ấn trong lòng đồng bào, đồng chí, nhân dân và bạn bè quốc tế. Đó là những dấu ấn gắn với công việc được giao qua những chặng đường cách mạng; dấu ấn gắn với công trình ích nước, lợi dân; dấu ấn của con người tiên phong, bất chấp hiểm nguy và thử thách; dấu ấn về cách xử sự đối với con người và công việc.
|