Chương trình nghệ thuật biểu diễn tại buổi lễ
Tham dự buổi lễ có các đồng chí: Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ; Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội; Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM; Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Bùi Văn Nghiêm, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long; bà Phan Lương Cầm, phu nhân Thủ tướng Võ Văn Kiệt.
Cùng dự có các đồng chí: Nguyễn Minh Triết, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước; Trương Tấn Sang, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước; Nguyễn Tấn Dũng, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thủ tướng Chính phủ; Nguyễn Văn An, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Quốc hội; Nguyễn Thị Kim Ngân, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Quốc hội; Nguyễn Thiện Nhân, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy TPHCM...
Lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước tham dự lễ kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Thủ tướng Võ Văn Kiệt
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên tham dự lễ Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Thủ tướng Võ Văn Kiệt
Tại lễ kỷ niệm, Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ lòng thành kính tưởng nhớ và tri ân một người cộng sản kiên trung, nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta: “Cuộc đời đồng chí là tấm gương sáng để đồng bào, cán bộ, chiến sĩ cả nước yêu quý, kính trọng và mãi mãi noi theo”.
Thủ tướng nói: “Chúng ta nguyện học tập và làm theo phong cách, đạo đức của đồng chí, nêu cao tinh thần chủ động, sáng tạo, nói đi đôi với làm, gắn lý luận với thực tiễn cuộc sống, đặt lợi ích của nhân dân, của Tổ quốc lên trên hết, trước hết; tuyệt đối trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng, một lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân”.
Tại lễ kỷ niệm, Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ: “Cuộc đời đồng chí là tấm gương sáng để đồng bào, cán bộ, chiến sĩ cả nước yêu quý, kính trọng và mãi mãi noi theo”. Ảnh: VGP
Thủ tướng yêu cầu toàn thể cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ, hãy ra sức học tập, noi gương đồng chí Võ Văn Kiệt và các vị cách mạng tiền bối; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, tinh thần tự lực, tự cường; chủ động, linh hoạt, sáng tạo; huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực; kết hợp hài hòa, hiệu quả giữa nguồn lực bên trong và bên ngoài, giữa Trung ương và địa phương, giữa sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; phấn đấu xây dựng thành công một nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc, hùng cường.
Thông tin về tình hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Thủ tướng cho biết tính đến năm 2022, quy mô nền kinh tế ước đạt gần 400 tỷ USD; thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 4.000 USD; quy mô thương mại khoảng 750 tỷ USD, thuộc nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế. Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với 190/193 quốc gia thành viên Liên hợp quốc; là thành viên tích cực và có trách nhiệm của nhiều tổ chức quốc tế như: hai lần được bầu làm Ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc; Phó Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc (khóa 77); thành viên Ủy ban Nhân quyền Liên hợp quốc, ASEAN, APEC, ASEM, WTO...
Đồng thời, ký kết 15 Hiệp định thương mại tự do với trên 60 quốc gia và vùng lãnh thổ; thực hiện thành công các chương trình mục tiêu quốc gia như các chương trình “Xóa đói giảm nghèo”; “Nước sạch nông thôn”,“Xây dựng nông thôn mới”...
Đặc biệt, chương trình “Xóa nạn mù chữ, phổ cập trình độ tiểu học cho toàn dân” đã hoàn thành trước thời hạn mục tiêu Thiên niên kỷ của Liên hợp quốc. Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế ước đạt 92%, tiến tới mục tiêu 100% người dân được hưởng bảo hiểm; tốc độ tăng trưởng GDP cao nhất khu vực Đông Nam Á, nằm trong số ít các quốc gia đạt mức tăng trưởng cao trên thế giới (khoảng 8% năm 2022); chủ quyền quốc gia, biển đảo tiếp tục được giữ vững.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: “Đồng chí Võ Văn Kiệt đã cùng tập thể các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân tiến hành công cuộc đổi mới đưa đất nước ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội, đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, cải thiện đời sống nhân dân, tăng cường xây dựng hệ thống chính trị, giữ vững quốc phòng - an ninh, không ngừng mở rộng quan hệ đối ngoại và nâng cao vị thế của đất nước ta trên trường quốc tế”.
Những công trình trọng điểm của đất nước mang đậm dấu ấn đồng chí Võ Văn Kiệt, như: Đường dây tải điện 500KV Bắc - Nam; đường Hồ Chí Minh; đường Bắc Thăng Long - Nội Bài; công trình Thủy điện Trị An; chương trình khai phá Đồng Tháp Mười và tứ giác Long Xuyên; Nhà máy lọc dầu Dung Quất; xây dựng khu công nghệ cao Hòa Lạc, Làng văn hóa các dân tộc Việt Nam… đã phát huy hiệu quả, góp phần tạo nên những thành tựu to lớn trong công cuộc đổi mới đất nước.
Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã trực tiếp tham gia thúc đẩy tiến trình bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc (1991); với Hoa Kỳ (1995); gia nhập Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á - ASEAN (1995); chỉ đạo thiết lập sự liên kết kinh tế với các nước trong khu vực và các tổ chức kinh tế quốc tế, nhằm khơi dậy và phát huy các nguồn lực bên trong và bên ngoài, từng bước đưa đất nước thoát khỏi khủng hoảng, phá vỡ thế bao vây cấm vận, đưa nước ta bước vào kỷ nguyên hội nhập, phát triển.
|
Các đại biểu thực hiện nghi thức cắt băng khánh thành cầu Cái Cam 2
* Sáng cùng ngày, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự lễ khánh thành cầu Cái Cam 2. Cầu bê tông cốt thép, chiều dài toàn cầu 482m, bề rộng cầu tại nhịp chính 34m. Công trình được khởi công vào ngày 30-10-2020 và hoàn thành ngày 15-11-2022.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long Lữ Quang Ngời, cầu Cái Cam 2 hoàn thành sẽ có thêm tuyến đường mới nối liền phường 9 với phường Trường An. Việc lưu thông được rút ngắn, vận chuyển hàng hóa vào trung tâm thành phố dễ dàng, góp phần phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội của TP Vĩnh Long.