Tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt khoảng 26.479 tỷ đồng (đạt hơn 115% kế hoạch năm), ước đến cuối năm 2022 đạt 28.000 tỷ đồng (đạt 121,7% kế hoạch năm). |
Chủ tịch UBND quận Bình Tân Nguyễn Minh Nhựt nêu lên những khó khăn, tồn tại. Trong đó, một số dự án nhà ở triển khai kéo dài, hầu hết các nền đất đã chuyển nhượng và xây dựng nhà ở nhưng chưa bàn giao hạ tầng kỹ thuật (giao thông, thoát nước, chiếu sáng…), chưa cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân, các chủ đầu tư không kịp thời duy tu...
Chiều 25-11, đồng chí Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM, làm việc với quận Bình Tân về tình hình, kết quả phát triển kinh tế - xã hội và giải quyết các kiến nghị, đề xuất của quận.
Cùng dự buổi làm việc có đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy TPHCM, nguyên Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TPHCM, ĐBQH khóa XV, cùng các ĐBQH đơn vị số 6, quận Bình Tân.
Tổng thu ngân sách cao nhất trong 20 năm qua
Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND quận Bình Tân Nguyễn Minh Nhựt cho biết, qua 10 tháng đầu năm 2022, tình hình kinh tế - xã hội tại quận Bình Tân có nhiều chuyển biến tích cực, phục hồi mạnh mẽ đạt được những kết quả nổi bật.
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cùng các ĐBQH đơn vị số 6 làm việc với quận Bình Tân chiều 25-11. Ảnh: VIỆT DŨNG
Trong đó, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công tại quận Bình Tân đạt yêu cầu, đã giải ngân hơn 1.889 tỷ đồng (đạt hơn 73,6% kế hoạch vốn). Trong đó, nguồn vốn bố trí cho 58 công trình, dự án với tổng số vốn hơn 2.565 tỷ đồng (trong đó có khoảng 2.100 tỷ đồng là kinh phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư).
Báo cáo thêm về tình hình thu ngân sách, Chủ tịch UBND quận Bình Tân cho biết, tổng thu ngân sách nhà nước đạt 3.241,1 tỷ đồng (vượt 9,17% chỉ tiêu pháp lệnh năm và tăng 31,45% so với cùng kỳ). Đến cuối năm 2022, quận ước tính đạt 3.615 tỷ (vượt 21,75% so với dự toán, tăng 12,12% so với cùng kỳ). Đây là con số thu ngân sách cao nhất trong 20 năm qua, từ khi thành lập quận Bình Tân.
Dù vậy, Chủ tịch UBND quận Bình Tân cũng nêu lên một số khó khăn, tồn tại. Trong đó, quy hoạch hiện hữu chưa đảm bảo diện tích đất công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội theo dân số thực tế. Theo quy hoạch trước đây, định hướng dân số quận khoảng 550.000 dân, trong khi hiện nay dân số của quận đã trên 800.000 dân.
Do vậy, các dự án đầu tư phát triển nhà ở, cấp phép xây dựng nhà ở đều bị giới hạn dân số theo quy hoạch được duyệt nên việc triển khai kế hoạch phát triển nhà ở xã hội gặp khó khăn, chưa phát huy được tiềm năng và lợi thế của quận Bình Tân để phát triển bền vững toàn diện.
Một số dự án nhà ở triển khai kéo dài, hầu hết các nền đất đã chuyển nhượng và xây dựng nhà ở nhưng chưa bàn giao hạ tầng kỹ thuật (giao thông, thoát nước, chiếu sáng…), chưa cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân, các chủ đầu tư không kịp thời duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa. Quận không có pháp lý để duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa từ nguồn ngân sách được người dân, cử tri phản ánh, kiến nghị nhiều lần tại các buổi tiếp xúc, đối thoại.
Qua buổi làm việc, Chủ tịch UBND TPHCM lắng nghe những kiến nghị, tháo gỡ khó khăn để quận Bình Tân phát triển hơn trong thời gian tới. Ảnh: VIỆT DŨNG
Cụ thể một số dự án như: Khu dân cư Hương Lộ 5 do Công ty Địa ốc 10 làm chủ đầu tư, Khu dân cư Nam Long, Khu dân cư Việt Tài, Khu dân cư Phú Lâm C mở rộng, Khu dân cư Vĩnh Lộc…
Chủ tịch UBND quận Bình Tân cho biết thêm, tình hình tai nạn giao thông tăng trên cả 3 mặt so với cùng kỳ. Đây là vấn đề đáng báo động, nguyên nhân chủ yếu do người điều khiển phương tiện giao thông có nồng độ cồn, thiếu kỹ năng tham gia giao thông, ý thức chấp hành quy định pháp luật về tham gia giao thông chưa cao…
Kiến nghị chuyển một số công ty, doanh nghiệp thâm dụng lao động
Theo lãnh đạo quận Bình Tân, hiện nay, quận đối mặt những khó khăn nhất định, nhiều vấn đề phát sinh phức tạp tác động mạnh mẽ đến phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của quận. Trong đó, quá trình phát triển đô thị, chịu áp lực gia tăng dân số cơ học trong khi hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội chưa đầu tư theo kịp sự phát triển kinh tế - xã hội, nhất là hệ thống giao thông, hệ thống thoát nước, hệ thống trường học các cấp, y tế… ảnh hưởng nhất định đến điều kiện phát triển kinh tế và đời sống người dân trên địa bàn trong những năm qua.
Chủ tịch UBND quận Bình Tân Nguyễn Minh Nhựt kiến nghị nhiều nội dung quan trọng tại buổi làm việc. Ảnh: VIỆT DŨNG
Theo đó, quận Bình Tân vẫn còn một số khó khăn thuộc về cơ chế, ngoài thẩm quyền của quận nên chưa giải quyết được. Do vậy, trong thời gian tới, Chủ tịch UBND quận Bình Tân kiến nghị, UBND TPHCM quan tâm xem xét, giải quyết, tháo gỡ khó khăn trong thực hiện các chương trình, công trình trọng điểm góp phần thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu theo Nghị quyết Đại hội XII của Đảng bộ quận Bình Tân, nhiệm kỳ 2020 – 2025.
Trong đó, quận kiến nghị TPHCM phê duyệt, cập nhật đề án định hướng quy hoạch Bình Tân vào điều chỉnh quy hoạch chung TPHCM làm cơ sở cho quận triển khai các đồ án quy hoạch phân khu mang tính khả thi và phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội, qua đó tạo động lực phát triển.
Cụ thể, với các nội dung đề xuất về định hướng phát triển dân cư đến năm 2040 là 1,2 triệu dân và năm 2060 là 1,6 triệu dân; định hướng phân vùng phát triển đô thị và chuyển đổi đất công nghiệp hiện hữu; định hướng phát triển giao thông và định hướng phát triển cảnh quan.
Cùng với đó, kiến nghị UBND TPHCM xem xét, chấp thuận chủ trương bốc mộ tập trung dự án di dời Nghĩa trang Bình Hưng Hòa (giai đoạn 1). Kiến nghị UBND TPHCM chỉ đạo Sở Tài chính TPHCM rà soát, đề xuất chấp thuận chủ trương giao UBND quận Bình Tân tiếp nhận, đầu tư xây dựng trường học và công viên theo quy hoạch đối với 7 địa chỉ nhà đất hiện đang bỏ trống, không sử dụng trên địa bàn quận.
Ngoài ra, quận kiến nghị rà soát, đề xuất chấp thuận chủ trương cấp giấy chứng nhận đối với 104 nền đất tái định cư tại Khu dân cư - Trung tâm thương mại xã Tân Nhựt, huyện Bình Chánh (do Công ty TNHH TM-DV Huỳnh Thông làm chủ dự án) để bố trí tái định cư dự án tiêu thoát nước và cải thiện ô nhiễm kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên.
Bên cạnh đó, quận Bình Tân kiến nghị TPHCM chấp thuận chủ trương, tạo điều kiện để quận Bình Tân chuyển một số công ty, doanh nghiệp thâm dụng lao động, sử dụng lao động chủ yếu tại Long An, đến hoạt động, sản xuất tại Khu công nghiệp Tiền Giang, Long An, Tiền Giang.
Chủ tịch UBND quận Bình Tân cũng kiến nghị thêm nhiều nội dung quan trọng khác, trong đó liên quan đến xem xét bổ sung danh mục đầu tư công trung hạn 2021 - 2025 đối với 8 dự án.
Cùng với đó, kiến nghị chấp thuận chủ trương nghiên cứu lập báo cáo tiền khả thi 3 dự án, đó là Dự án Mở rộng đường Mã Lò (từ Tỉnh lộ 10 đến Tân Kỳ Tân Quý); Dự án Mở rộng đường Tỉnh lộ 10 (từ đường An Dương Vương đến đường Võ Văn Vân); Dự án đầu tư nâng cấp mở rộng theo quy hoạch các tuyến đường An Dương Vương - Phan Anh - Bình Long - Hương Lộ 3.