Sáng 3-12, tại Trung tâm Hành chính TP Đà Lạt, Ban Quản lý an toàn thực phẩm TPHCM phối hợp với Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN–PTNT) tỉnh Lâm Đồng tổ chức hội nghị sơ kết công tác quản lý và kết nối tiêu thụ nông sản, thực phẩm trong chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn giữa TPHCM và các tỉnh, thành phố giai đoạn 2021-2025. Hội nghị có sự tham gia của đại diện Sở NN-PTNT 15 tỉnh, thành phố như: Lâm Đồng, Đồng Nai, Sóc Trăng, Bình Dương, TP Cần Thơ, TP Phan Thiết… và các chuỗi tiêu thụ nông sản tại TPHCM.
Tại hội nghị, đại diện các sở - ban - ngành tập trung chia sẻ việc quản lý và kết nối tiêu thụ nông sản, đảm bảo nguồn thực phẩm an toàn trước khi đưa về TPHCM, kiểm soát chặt chẽ từ khâu sản xuất đến tiêu thụ đều truy xuất được nguồn gốc, xuất xứ.
Theo bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban Quản lý an toàn thực thẩm TPHCM, thời gian qua, hoạt động sản xuất nông nghiệp tại TPHCM chỉ đáp ứng được khoảng 20 - 30% nhu cầu thực phẩm của người dân thành phố, còn lại phải nhập từ các tỉnh hoặc qua nhiều đường khác nhau.
Tính đến cuối tháng 10-2022, đơn vị đã thẩm định và cấp giấy chứng nhận “chuỗi thực phẩm an toàn” cho 302 cơ sở trên cả nước, đảm bảo cung cấp nguồn thực phẩm an toàn cung cấp vào bếp ăn trường học, hệ thống kinh doanh, chợ đầu mối, chợ truyền thống. Ngoài ra, Ban Quản lý đã cấp giấy chứng nhận chuỗi cung cấp cho 284 cơ sở kinh doanh trên địa bàn TPHCM, tăng gấp 2-3 lần so với cuối năm 2016.
Mặc dù chất lượng, an toàn thực phẩm thực phẩm những năm qua đã được cải thiện đáng kể nhưng không ổn định; việc truy xuất, minh bạch nguồn gốc xuất xứ còn thấp, số vụ vi phạm về an toàn thực phẩm, ghi nhãn hàng hóa, truy xuất nguồn gốc vẫn còn. Từ thực tế đó, Ban Quản lý an toàn thực phẩm TPHCM và Sở NN-PTNT thôn các tỉnh đã thống nhất xây dựng và phát triển đề án chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, bền vững giai đoạn 2022-2025.
“Thời gian tới, chúng tôi sẽ chú trọng công tác thanh tra kiểm tra, kịp thời xử lý các vi phạm để giảm thiểu các vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra. Bên cạnh đó, việc kiểm nghiệm thực phẩm sẽ thực hiện thường xuyên để triệt tiêu hoàn toàn các hóa chất, chất cấm. Hiện nay, chúng tôi đã xây dựng chuyên đề kiểm tra đột xuất tại các siêu thị, các chợ đầu mối, chợ truyền thống để đảm bảo nguồn thực phẩm an toàn trong dịp cuối năm”, bà Phạm Khánh Phong Lan cho biết thêm.
Với chuỗi sản phẩm thực phẩm thực vật, ông Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Lâm Đồng, chia sẻ, trong năm 2022, tăng trưởng của ngành nông nghiệp của tỉnh đã đạt mức 5,04%, sản lượng rau củ quả các loại cung cấp cho TPHCM khoảng 60%, các tỉnh Nam Bộ khoảng 10%, số còn lại là các tỉnh miền Bắc, miền Trung và Tây Nguyên. Tuy số lượng chuỗi liên kết nhiều nhưng sản lượng tiêu thụ thông qua hình thức liên kết sản xuất thì vẫn còn chiếm tỷ lệ thấp so với tổng sản lượng toàn tỉnh.
Đối với sản phẩm thủy hải sản, ông Nguyễn Tấn Nhơn, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT TP Cần Thơ, cho biết, từ 2018 đến nay, đơn vị đã phối hợp với Ban Quản lý an toàn thực phẩm TPHCM xây dựng phát triển 13 chuỗi cung ứng thủy sản cung ứng cho thị trường TPHCM. Sản lượng bình quân hàng năm hơn 5.600 tấn thủy sản và sản phẩm thủy sản các loại, được kiểm soát chặt chẽ về an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, kết quả này vẫn chưa tương xứng với khả năng sản xuất, cung ứng nguồn thực phẩm của TP Cần Thơ với các tỉnh, thành phố trong cả nước và ngược lại, đặc biệt với thị trường lớn như TPHCM.
Kết thúc hội nghị, đại diện Ban Quản lý an toàn thực phẩm TPHCM đã thống nhất tập trung hỗ trợ, tạo điều kiện tìm đầu ra cho sản phẩm, sản xuất theo quy trình sản xuất an toàn (VietGAP, GAP, GlobalGAP, nông nghiệp hữu cơ…), các sản phẩm OCOP, sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Hỗ trợ các doanh nghiệp tiêu thụ tại hệ thống siêu thị, các chợ ở TPHCM; thường xuyên khảo sát vùng sản xuất nông sản, thực phẩm an toàn của các tỉnh để ký kết, hỗ trợ bao tiêu sản phẩm. Song song đó, hỗ trợ các cơ sở sản xuất nông sản thực phẩm hoàn thiện thủ tục, quy định truy xuất nguồn gốc thực phẩm để tiêu thụ tại TPHCM.