Trong vụ án này, Nguyễn Thái Luyện (Chủ tịch HĐQT Công ty Alibaba) và em ruột là Nguyễn Thái Lĩnh (Tổng Giám đốc Công ty Alibaba) và Nguyễn Thái Lực; Võ Thị Thanh Mai (vợ Luyện) và 18 bị can bị đưa ra xét xử về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Bị cáo Võ Thị Thanh Mai, Nguyễn Thái Lực, Huỳnh Thị Kim Thắng (kế toán Công ty Alibaba) bị xét xử về tội “Rửa tiền”.
Phiên tòa do thẩm phán Trần Minh Châu làm chủ tọa. Đại diện Viện KSND TPHCM có 3 kiểm sát viên gồm: bà Lê Thị Đông, ông Phạm Văn Hiền và ông Châu Hoàng Sơn.
Khoảng 7 giờ 45 cùng ngày, bị cáo Nguyễn Thái Luyện được áp giải tới tòa. Bị cáo Luyện trông gầy hơn so với thời điểm bị bắt.
Đây là vụ án với hồ sơ khoảng 1 triệu bút lục, riêng cáo trạng vụ án và phụ lục được diễn giải 500 trang. Cơ quan tố tụng đã phải sử dụng 2 xe tải để chở hồ sơ. Bên cạnh đó, có gần 5.000 người tham gia tố tụng gồm 3.980 bị hại và 100 người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, hơn 40 luật sư bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp...
Vì thế, để phục vụ cho phiên xét xử, TAND TPHCM đã phải dựng rạp, chuẩn bị ghế, quạt, lắp loa, trang bị màn hình lớn ở sân tòa. Do số lượng bị hại đặc biệt lớn, để đảm bảo các đương sự được tham gia trình bày ý kiến tại phiên tòa, TAND TPHCM đã có thông báo về thời gian tham gia phiên tòa.
TAND TPHCM đề nghị các bị hại lên phiên tòa theo đúng dự án và thời gian cụ thể. Khi đi mang theo phiếu thu, hợp đồng chuyển nhượng và giấy tờ tùy thân. Các bị hại trong 58 dự án sẽ tham gia xét hỏi dự kiến từ ngày 13 đến ngày 21-12-2022.
Theo cáo trạng, năm 2016, Luyện thành lập Công ty Alibaba với vốn điều lệ 1 tỷ đồng. Một năm sau, công ty thay đổi lần thứ 3 với số vốn điều lệ nâng lên 1.600 tỷ đồng. Đồng thời, Luyện cho thành lập 22 công ty trực thuộc Công ty Alibaba hoạt động trong các lĩnh vực như bất động sản, vận tải...
Cụ thể, các đối tượng hoạt động với phương thức, thủ đoạn tinh vi, “núp bóng” hoạt động kinh doanh bất động sản nhưng thực chất là lừa đảo thông qua hình thức huy động vốn theo phương thức đa cấp (sử dụng đất nền trong dự án “ma” làm mồi nhử). Luyện và đồng phạm tự vẽ ra 58 dự án, trong đó tự phân lô, tách thửa trái pháp luật, lừa bán cho hàng ngàn người, chiếm đoạt hơn 2.100 tỷ đồng.
Luyện dùng phần nhỏ tiền cá nhân và phần lớn tiền chiếm đoạt từ khách hàng để người thân, nhân viên thân tín thuộc Công ty Alibaba đứng tên nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp với số lượng lớn tại các tỉnh Đồng Nai, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu.
Sau đó, lập hợp đồng ủy quyền cho các công ty pháp nhân do Luyện lập ra để tự vẽ dự án không có thật trên đất nông nghiệp, phân lô, tách thửa trái quy định. Sau khi nhận ủy quyền, các pháp nhân với tư cách là chủ đầu tư các dự án không có thật này sẽ dùng truyền thông để quảng cáo, tìm kiếm khách hàng.
Nhằm tạo lòng tin và thu hút khách hàng, Luyện và đồng phạm hứa hẹn sẽ mua lại đất nền với giá cao hơn từ 30% sau 12 tháng hoặc 38% sau 15 tháng kể từ ngày khách nộp tiền. Khách hàng còn được tư vấn rót mật vào tai là cho thuê lại với giá 2%/ tháng kể từ ngày ký nếu thanh toán 95% giá trị hợp đồng.
Với phương thức này, hầu hết khách hàng nhận chuyển nhượng đất dưới dạng nền thổ cư do Công ty Alibaba chào bán đều không nhận được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất như cam kết khi đến hạn. Tất cả được Công ty Alibaba chuyển sang hình thức trả lãi hoặc thu mua trở lại theo các hợp đồng quyền chọn hoặc phụ lục hợp đồng kèm theo.
Ngoài hoạt động lừa đảo trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản như nêu trên, Công ty Alibaba cùng 22 pháp nhân trực thuộc không có thêm hoạt động kinh doanh hợp pháp nào khác. Toàn bộ 22 pháp nhân trực thuộc cùng chi nhánh, đều không có hoạt động kê khai, báo cáo, nộp thuế liên quan đến hoạt động kinh doanh, chỉ khai báo nộp thuế môn bài.
------------------------------------
Bất ngờ với lý lịch của lãnh đạo, giám đốc thuộc Công ty Alibaba khi chỉ học tới lớp 12
Bị cáo Nguyễn Thái Luyện (bên phải) tại tòa. Ảnh: CHÍ THẠCH
Ngày 8-12, TAND TPHCM mở phiên xét xử sơ thẩm vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản và rửa tiền tại Công ty cổ phần Địa ốc Alibaba (gọi tắt là Công ty Alibaba).
Trong vụ án này, Nguyễn Thái Luyện (Chủ tịch HĐQT Công ty Alibaba) và em ruột là Nguyễn Thái Lĩnh (Tổng Giám đốc Công ty Alibaba) và Nguyễn Thái Lực; Võ Thị Thanh Mai (vợ Luyện) và 18 bị can bị đưa ra xét xử về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Bị cáo Võ Thị Thanh Mai, Nguyễn Thái Lực, Huỳnh Thị Kim Thắng (kế toán Công ty Alibaba) bị xét xử về tội “Rửa tiền”.
Trong phần thẩm tra lý lịch, nhiều người tới dự phiên tòa bất ngờ khi đa số bị cáo này chỉ học hết lớp 12. Nhiều bị cáo không có bằng đại học hay bằng cấp đào tạo liên quan lĩnh vực bất động sản nhưng vẫn được bổ nhiệm giám đốc, lãnh đạo trực thuộc của Công ty Alibaba.
Trong đó, bị cáo Nguyễn Thái Lĩnh khai chỉ học hết lớp 12 và không học đại học hay đào tạo liên quan lĩnh vực bất động sản. Bị cáo Nguyễn Văn Kiên (sinh năm 1981, ngụ tỉnh Ninh Bình) cho biết, bị cáo chỉ học hết lớp 12 và làm nghề kinh doanh, buôn bán tự do. Tháng 3-2017, bị cáo Kiên vào làm ở Công ty Alibaba và sau đó được bổ nhiệm giữ chức Giám đốc Công ty CP Địa ốc Spartaland làm việc cho tới khi bị khởi tố.
Tương tự các bị cáo khác như: Nguyễn Thái Lực (em của Luyện, trợ lý Chủ tịch HĐQT Công ty Alibaba), Trương Thị Hồng Ngọc (sinh năm 1989, ngụ tỉnh Bình Dương, nguyên Giám đốc Công ty Tia Chớp), Bùi Minh Đức (sinh năm 1971, ngụ tỉnh Bình Thuận, nguyên Phó Tổng Giám đốc Đầu Tư thuộc Công ty Alibaba; Tổng Giám đốc Công ty TLLAND)… cũng chỉ học đến lớp 12.
Đáng chú ý, bị cáo Nguyễn Huỳnh Tú Trinh (sinh năm 1995, ngụ tỉnh Tiền Giang, nhân viên pháp lý Công ty Alibaba) từng hầu tòa tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vì chống đối, đập xe đoàn cưỡng chế "dự án ma”. Bị cáo Trinh bị phạt 3 năm 6 tháng về 2 tội "Gây rối trật tự công cộng" và "Cố ý làm hư hỏng tài sản", cũng chỉ học đến lớp 12.
Trong vụ án này, bị cáo Trinh bị cáo buộc phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản với vai trò giúp sức cho Luyện. Theo đó, bị cáo Trinh thành lập 20 pháp nhân trực thuộc Công ty Alibaba, tham gia tìm quỹ đất nông nghiệp, thực hiện các thủ tục pháp lý để cá nhân thuộc Công ty Alibaba nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp.
Trinh cũng soạn thảo các văn bản như: Biên bản họp HĐQT Công ty Alibaba về việc chấp thuận chủ trương thực hiện dự án; giấy ủy quyền của cá nhân đứng tên nhận chuyển nhượng đất cho pháp nhân thuộc hệ thống Công ty Alibaba làm chủ đầu tư; hợp đồng hợp tác giữa pháp nhân làm chủ đầu tư với Công ty Alibaba để tìm kiếm khách hàng, tiếp thị, ký hợp đồng thỏa thuận chuyển nhượng, thu tiền, nhận cọc… theo chỉ đạo của Luyện để lập hồ sơ pháp lý cho các dự án dân cư không có thật.
Bị cáo Trinh trực tiếp thực hiện các thủ tục nêu trên tại dự án Alibaba Dimond City, giúp Luyện lập 93 hợp đồng, với tổng số tiền gây thiệt hại là hơn 64,2 tỷ đồng. Cơ quan điều tra đã làm việc với 80 bị hại với số tiền chiếm đoạt là gần 58 tỷ đồng, còn lại 13 trường hợp không đến làm việc.
CHÍ THẠCH - TRUNG DŨNG