Sáng nay 7.12 tại Singapore, hãng xe hơi thương hiệu Việt VinFast chính thức công bố nộp hồ sơ niêm yết đăng ký phát hành lần đầu ra công chúng lên Ủy ban Giao dịch Chứng khoán Mỹ (SEC)

Cụ thể, VinFast Trading & Investment Pte. Ltd. công bố đã nộp hồ sơ đăng ký theo Mẫu F-1 lên Ủy ban Giao dịch Chứng khoán Mỹ (SEC) để phát hành cổ phiếu phổ thông lần đầu ra công chúng. Số lượng cổ phần chào bán và khoảng giá dự kiến vẫn chưa được xác định. VinFast dự kiến niêm yết cổ phiếu phổ thông trên sàn Nasdaq Global Select Market với mã VFS.

"Ông lớn" bảo lãnh phát hành

Citigroup Global Markets Inc., Morgan Stanley & Co. LLC, Credit Suisse Securities (USA) LLC và J.P. Morgan Securities LLC sẽ đóng vai trò ngân hàng dựng sổ chính, kiêm đại diện của các nhà bảo lãnh phát hành cho đợt chào bán được đề xuất. BNP Paribas Securities Corp., HSBC Securities (USA) Inc., RBC Capital Markets, LLC và Wolfe/Liên minh Nomura cũng sẽ là các bên đồng dựng sổ. Robert W. Baird & Co. Incorporated sẽ đóng vai trò đồng quản lý.

VinFast chính thức nộp hồ sơ niêm yết lên sàn chứng khoán Mỹ - ảnh 1
Nhà máy sản xuất ô tô hiện đại VinFast, có quy mô hàng đầu khu vực đặt tại Hải Phòng, Việt Nam với mức độ tự động hóa lên đến 90%.

Đ.Đ.H

 

Việc chào bán chỉ được thực hiện bằng một bản cáo bạch. Bản sao của bản cáo bạch dự thảo, có thể được thu thập từ: SEC tại www.sec.gov; Citigroup, c/o Broadridge Financial Solutions, 1155 Long Island Avenue, Edgewood, NY 11717, qua điện thoại theo số 800-831-9146; hoặc Morgan Stanley & Co. LLC, Người nhận: Phòng Bản cáo bạch, 180 Varick Street, 2nd Floor, New York, NY 10014.

Theo VinFast Trading & Investment Pte. Ltd : Một tuyên bố đăng ký liên quan đến các chứng khoán này đã được nộp cho SEC nhưng vẫn chưa có hiệu lực. Những chứng khoán này không được bán, cũng như không được chấp nhận đề nghị mua trước thời điểm tuyên bố đăng ký có hiệu lực. "Thông cáo báo chí này không cấu thành một đề nghị bán hoặc chào mời chào mua bất kỳ chứng khoán nào và sẽ không cấu thành một đề nghị, chào mời hoặc bán ở bất kỳ khu vực tài phán nào trong đó chào hàng, chào mời hoặc bán như vậy là bất hợp pháp trước khi đăng ký hoặc đủ điều kiện theo luật chứng khoán của khu vực tài phán đó"- Thông báo ghi rõ.

Mở nhà máy ở Mỹ, xuất khẩu xe ô tô điện qua Mỹ

Công ty TNHH sản xuất và kinh doanh VinFast là nhà sản xuất ô tô và xe máy điện của Việt Nam được thành lập năm 2017, thành viên của Tập đoàn Vingroup. Tên gọi công ty được viết tắt từ cụm từ "Việt Nam – Phong cách – An toàn – Sáng tạo – Tiên phong". Gần 1 năm sau khi thành lập, VinFast đã giới thiệu các thiết kế đầu tiên được dành riêng cho thị trường Việt Nam tại Triển lãm xe hơi Paris năm 2018 ở Pháp. Những mẫu xe này được dự kiến ra mắt vào tháng 9 năm 2019 nhưng đã bàn giao ngày 28 tháng 7 cùng năm. Sau xe hơi, VinFast bắt đầu sản xuất, bán ra thị trường các dòng xe máy điện và ô tô điện.

VinFast chính thức nộp hồ sơ niêm yết lên sàn chứng khoán Mỹ - ảnh 2

999 ô tô điện VinFast lên tàu qua Mỹ và sẽ tới tay khách hàng ở nước này vào cuối tháng 12.2022

Đ.Đ.H

Tháng 3.2022, VinFast và bang North Carolina (Mỹ) đã ký kết ghi nhớ về việc xây dựng nhà máy với mức đầu tư 2 tỷ USD trong giai đoạn 1. Nhà máy của VinFast sẽ được đặt tại khu công nghiệp Triangle Innovation Point, Hạt Chatham với diện tích khoảng 800 ha. Ba khu vực chính gồm khu vực sản xuất và lắp ráp ôtô điện và buýt điện; khu vực sản xuất pin và khu vực công nghiệp phụ trợ cho các nhà cung cấp.

Nửa tháng trước khi công bố nộp hồ sơ niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ, ngày 25/11/2022 - VinFast đã tổ chức lễ xuất khẩu lô ô tô điện thông minh đầu tiên, gồm 999 chiếc VF8 cho thị trường Mỹ. Đây là lô xe đầu tiên xuất khẩu ra thị trường quốc tế trong số 65.000 đơn đặt hàng xe điện VinFast VF 8 và VF 9 trên toàn cầu. Được biết, ngay sau thị trường Mỹ, VinFast sẽ xuất khẩu các lô xe VF 8 tiếp theo tới thị trường Canada và châu Âu để kịp bàn giao cho khách hàng vào năm 2023. Bên cạnh nhóm khách hàng cá nhân, VinFast cũng nhận được sự quan tâm đặc biệt của nhóm khách hàng doanh nghiệp. Ngay trong triển lãm Los Angeles Auto Show 2022 (17-28/11/2022) đang diễn ra tại Mỹ, VinFast đã nhận được đơn hàng 2.500 xe từ công ty cho thuê xe lớn nhất Hoa Kỳ - Autonomy.

VinFast chính thức nộp hồ sơ niêm yết lên sàn chứng khoán Mỹ - ảnh 3
“Chúng ta có thể tự hào khi những chiếc ô tô mang thương hiệu Việt vươn ra thị trường toàn cầu..."- Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại lễ xuất khẩu lô xe ô tô điện thông minh đầu tiên sang Mỹ của Tập đoàn VinGroup

Đ.Đ.H

Phát biểu về sự kiện này, ngài Marc Knapper, Đại sứ Mỹ đặc mệnh toàn quyền tại Việt Nam cho biết, đó là một ngày rất đặc biệt đối với cá nhân ông khi những chiếc xe ô tô điện đầu tiên của Việt Nam sẽ đến quê hương của ông ở Los Angeles. “Tôi xin được cảm ơn Vingroup, VinFast đã đặt niềm tin vào tương lai của xe điện ở Mỹ, khi đã tin tưởng đặt nhà máy tại Bắc Caroline và đặt niềm tin vàp lực lượng lao động ở Mỹ, xây dựng nhà máy ở Mỹ, tạo ra hàng nghìn công ăn việc làm ở Mỹ. Tôi rất tự hào khi thấy quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ đang ngày một lớn mạnh. Và tôi có thể hình dung, mối quan hệ này còn tiếp tục phát triển hơn nữa khi VinFast đưa những chiếc xe đầu tiên tới tay người tiêu dùng Mỹ. Năm 2023 kỷ niệm 10 năm quan hệ Đối tác Toàn diện Việt Nam – Hoa Kỳ và tôi không thể nghĩ ra món quà nào tuyệt hơn thế này khi những chiếc xe mang thương hiệu Việt Nam, những chiếc xe điện đầu tiên được xuất sang Hoa Kỳ cũng như sẽ sản xuất những chiếc xe này tại đất Mỹ, bởi những công nhân người Mỹ”.

Sự kiện xuất khẩu lô xe điện đầu tiên do Việt Nam làm chủ và sản xuất đã mở ra kỷ nguyên mới cho ngành công nghiệp ô tô nước nhà, không chỉ khẳng định đẳng cấp và trí tuệ Việt mà còn hiện thực hóa được khát vọng làm chủ công nghiệp ô tô của nhiều thế hệ cha anh, góp phần nâng tầm vị thế quốc gia trên trường quốc tế.

VinFast - công ty thành viên của Tập đoàn Vingroup - với tầm nhìn trở thành thương hiệu xe điện thông minh thúc đẩy mạnh mẽ cuộc cách mạng xe điện toàn cầu. Được thành lập vào năm 2017, VinFast sở hữu tổ hợp nhà máy sản xuất ô tô hiện đại, có quy mô hàng đầu khu vực đặt tại Hải Phòng, Việt Nam với mức độ tự động hóa lên đến 90%.