Liên minh châu Âu xem việc thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại với Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) là ưu tiên. Mối quan hệ hợp tác này sẽ giúp các nhà sản xuất châu Âu ở châu Á đa dạng hóa lựa chọn ngoài Trung Quốc.
Đây là một trong những vấn đề trọng tâm tại Hội nghị thượng đỉnh EU - ASEAN trong tuần này, khi các lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) và Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) khởi động sự kiện thượng đỉnh trực tiếp đầu tiên ở Brussels (Bỉ), kỷ niệm 45 năm quan hệ ngoại giao.
Hôm 13-12, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam cũng đã tới Bỉ, bắt đầu thăm chính thức Vương quốc Bỉ và dự sự kiện Hội nghị cấp cao kỷ niệm 45 năm quan hệ ASEAN- EU, diễn ra trong 3 ngày từ 13 tới 15-12.
Đánh giá về sự kiện thượng đỉnh năm nay, các quan chức EU cho rằng EU và ASEAN có cơ hội thực hiện cam kết trong mối quan hệ Đối tác chiến lược, cũng như theo đuổi một trật tự thế giới dựa trên luật pháp giữa bối cảnh căng thẳng địa chính trị toàn cầu.
Trong số các vấn đề được quan tâm, căng thẳng địa chính trị và kinh tế ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương có vị trí trung tâm. Các quan chức EU đặt ưu tiên cho việc thúc đẩy quan hệ thương mại cùng ASEAN.
Một quan chức ASEAN nói với Đài Deutsche Welle (Đức): "Châu Âu muốn giữ quan hệ thương mại với ASEAN dựa trên một số điểm. Đầu tiên là việc EU muốn tìm nguồn nguyên liệu thô như lithium, thứ hiện nay ASEAN có thể cung cấp. Lúc này, bất kỳ cuộc thảo luận thương mại nào cũng sẽ tập trung vào việc kiềm chế tầm ảnh hưởng áp đảo của Nga và Trung Quốc".
Khi EU xem ASEAN như thị trường đầy tiềm năng và nhấn mạnh khả năng ASEAN đóng vai trò trong việc đa dạng hóa sản xuất và nguồn cung, nhiều người kỳ vọng về một thỏa thuận thương mại tự do giữa hai khối.
Tuy nhiên giới quan sát cho rằng ít nhất vào thời điểm hiện tại, một thỏa thuận EU - ASEAN như vậy sẽ khó có khả năng xảy ra.
EU chủ yếu xuất sang ASEAN các sản phẩm hóa học, máy móc, giao thông… trong khi các mặt hàng xuất khẩu của ASEAN sang EU gồm máy móc, thiết bị, giao thông, sản phẩm nông nghiệp, dệt may và quần áo.
EU và ASEAN đã bắt đầu thảo luận về một hiệp định thương mại hai khối từ năm 2007, nhưng sau đó châu Âu chọn cách ký thỏa thuận song phương với các nước riêng lẻ.
Việt Nam và Singapore là những quốc gia đã có hiệp định thương mại tự do với EU. Phía châu Âu được biết cũng đang có thảo luận về thương mại với Thái Lan, Malaysia, Philippines, và Indonesia.
Theo Ủy ban châu Âu, các thỏa thuận song phương đã có sẽ đóng vai trò nền tảng cho Hiệp định thương mại tự do EU - ASEAN trong tương lai.
"Vẫn còn rất nhiều tiềm năng chưa được khai phá ở ASEAN, vốn đang trên đường thành nền kinh tế lớn thứ năm thế giới trong bốn hoặc năm năm tới, và chúng tôi muốn hoàn thành thêm nhiều hiệp định thương mại song phương. Việc đa dạng hóa chuỗi cung ứng và nhu cầu cũng rất quan trọng đối với chúng tôi", một quan chức EU nói với phóng viên.
Theo Deutsche Welle, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula Von Der Leyen dự kiến sẽ thúc đẩy một gói đầu tư của EU với ASEAN, tập trung vào phát triển năng lượng tái tạo, giao thông, ngành kỹ thuật số và cơ sở hạ tầng.