Hưởng ứng thi đua, triển khai phong trào “Xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí”, ngày 16/12, Liên Chi hội nhà báo Cơ quan Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam (CQTW HNBVN) trang trọng tổ chức Lễ ký kết giao ước thi đua xây dựng môi trường văn hóa và Tọa đàm về người làm báo văn hóa.
Tại Lễ ký kết, đồng chí Trần Thái Sơn, Chủ tịch LCH Nhà báo CQTW HNBVN cho biết: Vào đúng ngày báo chí cách mạng Việt Nam 21/6/2022, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông và Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp tổ chức phát động Phong trào thi đua Xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí, ban hành Tiêu chí cơ quan báo chí văn hóa và văn hóa của người làm báo Việt Nam.
Phong trào thi đua có ý nghĩa to lớn và rất kịp thời trong việc nâng cao nhận thức về văn hóa, tạo lập không gian văn hóa trong hoạt động báo chí, góp phần đưa nền báo chí nước ta phát triển lành mạnh hơn, bền vững hơn.
Theo đồng chí Trần Thái Sơn, CQTW Hội có vai trò quan trọng trong việc định hướng, triển khai mọi hoạt động lớn của Hội Nhà báo Việt Nam, bồi dưỡng trình độ chuyên môn cho các cấp Hội, gìn giữ ngọn lửa say nghề, đồng thời nâng cao bản lĩnh chính trị, trau dồi đạo đức nghề nghiệp của hội viên. Để hoàn thành tốt được những nhiệm vụ chính trị quan trọng này, hội viên của Liên Chi hội nhà báo CQTW Hội với vai trò nòng cốt càng cần gương mẫu đi đầu, đề cao chất văn hóa trong hoạt động chuyên môn, trong các sản phẩm báo chí, nêu cao tinh thần đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau, ứng xử chân thành, thân ái với đồng nghiệp, chuẩn mực trong các mối quan hệ công tác.
"BCH Liên Chi hội xin kêu gọi các Chi hội, từng hội viên quán triệt các Tiêu chí văn hóa đã đề ra, trong năm 2023 tới đây có kế hoạch, có chương trình cụ thể để áp dụng thiết thực, hiệu quả trong công tác, góp phần vào sự đoàn kết, phát triển của cơ quan, xây dựng CQTW Hội trở thành một mái nhà thực sự đoàn kết, ấm áp, đầy chất văn hóa trong công việc hàng ngày", đồng chí Trần Thái Sơn nói.
Phát biểu chỉ đạo tại Lễ ký kết, đồng chí Nguyễn Đức Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, Thủ trưởng Cơ quan Trung ương Hội nhận định: “Xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí” là một nhu cầu cấp thiết. Việc phát động phong trào thi đua quan trọng nhưng điều quan trọng hơn nữa là duy trì phong trào, duy trì trong các cơ quan Trung ương hội, trong các cấp. "Phát" cho "động", không phải phát để đấy, không phải "đánh trống bỏ dùi". Để phong trào được lan toả và có hiệu quả cao cần có sự quan tâm chỉ đạo của các cấp uỷ, sự quan tâm tạo điều kiện của các cấp chính quyền; đặc biệt là sự vào cuộc mạnh mẽ của các cơ quan Trung ương Hội và sự hưởng ứng nhiệt tình của các hội viên. Đã có phong trào thi đua này các đơn vị phải có việc sơ kết, tổng kết để nhìn lại rút kinh nghiệm và đề ra những bước đi mới.
Đồng chí Nguyễn Đức Lợi yêu cầu, hoạt động tác nghiệp của phóng viên phải hạn chế tối đa những hành vi "lệch chuẩn" về văn hoá, tập trung vào những sản phẩm báo chí mang tính chất văn hoá cao. Trong hành vi, ứng xử của các phóng viên, biên tập viên phải có văn hoá kể cả việc tiếp xúc với công chúng, với những người khai thác thông tin và hành vi ứng xử của những đồng nghiệp với nhau.
Tiếp nối Lễ ký kết là Toạ đàm về người làm báo văn hóa, đồng chí Trần Thái Sơn, Chủ tịch LCH và đồng chí Trần Lan Anh, Phó Chủ tịch LCH nhà báo CQTW Hội chủ trì tọa đàm.
Chia sẻ đầy tâm huyết tại tọa đàm, nhà báo chiến trường Phạm Việt Tùng, nguyên phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam, phóng viên Điện ảnh Công an nhân dân đã kể về những năm tháng tác nghiệp của ông cùng những kỉ niệm với Bác Hồ kính yêu. Câu chuyện ông như nhắc nhớ về hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh- một nhà văn hóa lớn, một nhà báo lớn mà mỗi người làm báo hôm nay luôn phấn đấu học tập và noi theo.
Chia sẻ tại Toạ đàm nhà báo Nguyễn Thu Hà, Phó Giám đốc Trung tâm tin tức VTV24, Đài Truyền hình Việt Nam cho rằng, hiện nay đạo đức nhà báo, văn hoá của người làm báo đã đến ngưỡng báo động; đã đến lúc chúng ta phải chấn chỉnh và thay đổi toàn diện. Nói đến văn hoá người làm báo không chỉ là những buổi ký kết, là những tiêu chí mà cần thay đổi nhận thức nền tảng của cả toà soạn; nâng cao vị thế của phóng viên đưa tin về văn hoá trong toà soạn.
"Mỗi cơ quan báo chí cần xây dựng quy tắc ứng xử, nguyên tắc tác nghiệp cho phóng viên, biên tập viên trong khi làm nghề cũng như hoạt động trên môi trường mạng xã hội", nhà báo Nguyễn Thu Hà cho hay.
Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng, báo Nông thôn ngày nay nhận định, việc khó nhất trong việc tạo ra môi trường có văn hoá trong cơ quan báo chí là xác định thái độ của người cầm bút làm sao để phụng sự cho độc giả phù hợp với tôn chỉ mục đích một cách minh bạch nhất.
"Phụng sự độc giả của người cầm bút như những nhà báo như tôi tham gia vào lực lượng điều tra báo chí nghiệm ra một điều, trước khi xây dựng tác phẩm phải thận trọng từ đầu, chứ không phải đến khi viết. Nếu có đạo đức nhưng không có kỹ năng, trí tuệ sẽ dẫn đến viết sai ngay cả khi trong sáng, trung thực, vậy nên rèn luyện liên tục năng lực nghiệp vụ cũng là bí quyết để không vi phạm đạo đức của người cầm bút", nhà báo Đỗ Doãn Hoàng nói.
Bàn về vấn đề nâng cao đạo đức, văn hoá cho người làm báo, nhà báo Nguyễn Vĩnh Quyên, nguyên PGĐ Truyền hình Quốc hội khẳng định, đặt ra việc xây dựng một môi trường có văn hoá không thể nào phát động là sẽ được ngay, môi trường đó cần nhiều năm xây dựng, vun đắp...
Theo nhà báo Nguyễn Vĩnh Quyên, tất cả các tiêu chí đều đã có rồi, nhưng từ những tiêu chí ấy khi đặt trong hoàn cảnh tác nghiệp lại là những câu chuyện rất riêng; những tình huống tác nghiệp rất khác nhau khi đó người làm báo sẽ phải ứng xử ra sao lại là một thách thức. Vào những trường hợp như vậy cần phải có những chỉ đạo từ người lãnh đạo để phóng viên rút ra những bài học tác nghiệp đúng đắn hơn trong tương lai.
Ngoài ra, buổi toạ đàm còn nhận được nhiều ý kiến phát biểu, góp ý thiết thực của những nhà báo, lãnh đạo của các cơ quan trung ương hội trong việc xây dựng môi trường có văn hoá trong cơ quan báo chí.
Đồng chí Trần Lan Anh, Phó Chủ tịch LCH Nhà báo CQTW Hội, Phó Tổng biên tập Phụ trách báo Nhà báo & Công luận cho rằng, mỗi phóng viên cũng như những nhà quản lý nếu không hiểu vấn đề xây dựng môi trường có văn hoá trong cơ quan báo chí một cách sâu sắc, không tự nhìn lại và "nắn mình" thì phong trào dù có ý nghĩa rất lớn cũng sẽ chỉ mang tính hình thức.
"Sau lễ ký kết ngày hôm nay, tôi mong muốn các chi hội sẽ có những chương trình hành động riêng phù hợp với từng đơn vị để làm sao, năm sau khi tổng kết sẽ nhìn lại được chặng đường chúng ta đi, chí ít là thấy được chúng ta đã có những hưởng ứng như thế nào, tiến bộ như thế nào. Từ đó, tiếp tục hoàn thiện hơn nữa việc xây dựng các cơ quan báo chí có văn hoá, môi trường làm báo có văn hoá, người làm báo có văn hoá", đồng chí Trần Lan Anh cho hay.