TTO - Những ngày qua, nhiều chuyến xe chở chuối, rau, măng tươi của người dân từ các huyện vùng cao tỉnh Quảng Nam về Đà Nẵng, tiếp sức cho người dân chống dịch.

Người Cơ Tu xuống núi, tiếp sức chống dịch - Ảnh 1.

Người dân ở xã Ating (huyện Đông Giang, Quảng Nam) góp từng trái chuối, nấu măng rừng ủng hộ người dân Đà Nẵng chống dịch - Ảnh: Linh Trang

Dẫn đường, kết nối cho những chuyến xe yêu thương là những thanh niên Cơ Tu.

"Dù giá trị không lớn nhưng tất cả món quà đều từ tấm lòng người Cơ Tu, mong sao cuộc sống người dân Đà Nẵng sớm trở lại bình thường" -  Cơ Lâu Lanh chia sẻ.

Tiếp tế từ cọng rau, nải chuối

12h trưa, chiếc xe tải chở cá từ Đà Nẵng lên cung cấp cho các buôn làng vùng cao ở các huyện Đông Giang, Tây Giang, Nam Giang của Quảng Nam bắt đầu chuyển bánh quay đầu về hướng biển. 

Dù vậy, rất nhiều chuyến xe máy của người dân từ các ngôi làng, chở từng nải chuối, bó sả, rau xanh và cả những củ măng chưa lột vỏ, còn dính bùn đất tiếp tục đổ về để kịp gửi xuống Đà Nẵng.

Không phụ lòng của bà con, cô gái Cơ Tu xinh xắn Cơ Lâu Lanh (28 tuổi) ra hiệu cho tài xế bố trí thêm người lên thùng xe để xếp hết đồ mọi người gửi. 

"Mỗi quả chanh hay cọng rau đều là tấm lòng của người Cơ Tu gửi về bà con thành phố để chống dịch, phải tiếp nhận bằng hết, để gửi đến các y bác sĩ dưới đó" - Lanh nói.

Phải đến 13h chiếc xe tải sau khi nêm chật thùng xe những sản vật của bà con Cơ Tu từ xã Ating mới có thể nhích bánh. Mất hơn 2 tiếng đồng hồ, xe "cõng hàng" về đến địa chỉ 22 Lê Thanh Nghị (TP Đà Nẵng). 

Ở địa chỉ này cùng với một ngôi nhà khác trên đường Triệu Nữ Vương, TP Đà Nẵng nhiều ngày qua trở thành điểm tập kết hàng tiếp tế từ núi. 

Các mặt hàng được tình nguyện viên phân loại, chế biến thành các món ăn, thức uống, chế phẩm sinh học gửi người dân và cán bộ làm nhiệm vụ tại các vùng dịch.

Cơ Lâu Lanh - chủ khu lưu trú Nấm Homestay ở thôn Ra Ê, xã Ating (huyện Đông Giang) - cho biết chứng kiến câu chuyện các bác sĩ và người dân tại Đà Nẵng vật lộn trong những ngày dịch quá vất vả, bạn đã trao đổi với những thanh niên giàu nhiệt huyết trong huyện để xuống tận làng mời gọi bà con quyên góp đồ đạc gửi xuống TP Đà Nẵng, hỗ trợ chống dịch.

"Khi mình vào từng nhà nói chuyện với các trưởng thôn, già làng... ai nấy đều giơ tay đồng ý. Họ bảo người Cơ Tu mình ở trên cao nên đang bình yên nhưng người dân Đà Nẵng thì lại rất khổ" - Lanh kể.

Tìm mọi cách góp công góp của chống dịch, bà con vào rừng hái măng rồi đem về tách vỏ, luộc chín đóng thành bao; người thì ra rừng kiếm rau, hái lá; nhà nào có vườn chanh thì hái những trái to nhất... rồi gom lại, gửi đến điểm tập kết do Lanh và các bạn trẻ khác phụ trách để chuyển đi.

Mong Đà Nẵng mau hết dịch

Khoảnh sân trước nhà anh Lưu Lạc Sơn - thanh niên Cơ Tu ở xã Ating - cùng sân nhà của Cơ Lâu Lanh chất đầy những món quà mộc mạc và đầy tình nghĩa của bà con miền núi.

Anh Lưu Lạc Sơn - một trong ba thành viên phát động chiến dịch kêu gọi bà con đồng bào Cơ Tu ở Đông Giang tiếp sức cho người Đà Nẵng - cho biết để đưa các món quà này đến tận nơi, nhóm đã liên lạc với các thành viên, các nhà hàng tại TP Đà Nẵng. 

Do giao thông bị cắt đứt để phục vụ chống dịch nên các bạn thanh niên Cơ Tu tự liên hệ với một xe chở cá thường xuyên đưa hàng từ Đà Nẵng ngược lên cung cấp hải sản cho bà con vùng cao, khi quay về chủ xe tải này đồng ý chở hàng tiếp phẩm mà bà còn Cơ Tu gửi xuống Đà Nẵng.

Cơ Lâu Lanh chia sẻ bạn cũng bỏ hết thời gian để gọi thêm anh em bạn bè ngồi tiếp nhận hàng hóa của bà con chở tới. 

"Mọi người đều tự nguyện, họ bảo ủng hộ Đà Nẵng hết mình để đánh bại con corona nhé" - Lanh thuật lại. Không chỉ góp đồ, bà con còn cùng nhau cho hàng vào các thùng cactông, luộc măng, nấu bánh.

"Ngày đầu tiên phát động, tụi mình gom được một xe tải chất đầy chuối, bánh, nhiều nhất là chanh tươi, măng luộc. Từ ngày thứ hai trở đi, bà con gửi nhiều hơn, đến nỗi xe chở mỗi ngày hai chuyến vẫn không hết. Chưa bao giờ thấy bà con mình vui như những ngày qua. 

Dù giá trị không lớn nhưng tất cả món quà đều từ tấm lòng người Cơ Tu, mong sao cuộc sống người dân Đà Nẵng sớm trở lại bình thường" - Cơ Lâu Lanh bày tỏ.

THÁI BÁ DŨNG