Tháng 4-1971, sau khi tốt nghiệp Khoa Ngữ văn Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội và dự lớp viết văn trẻ của Hội Nhà văn Việt Nam, anh Vũ Ân Thy cùng nhiều bạn bè vượt Trường Sơn vào chiến trường B2 (Nam bộ), được phân công về công tác tại Đài Phát thanh Giải Phóng, làm biên tập viên theo dõi, nghiên cứu văn hóa - văn nghệ, viết tin bài về phong trào hoạt động cách mạng của giới trí thức yêu nước ở đô thị miền Nam.

Tôi bất ngờ, đau đớn, xót xa nhận được tin anh Vũ Ân Thy đột ngột qua đời sau một cơn đau tim nặng. Anh là bạn học, là đồng đội, đồng nghiệp, đồng chí, là người bạn chí thiết của tôi suốt 55 năm qua. Anh mất đi khiến lòng tôi vô cùng đau đớn tiếc thương như vừa bị mất một người thân ruột thịt!

Anh Vũ Ân Thy là một nhà báo - nhà thơ, là một đảng viên gương mẫu, năng nổ, tích cực hoạt động từ ngày vào đời cho đến ngày về hưu!

Thương tiếc nhà báo - nhà thơ Vũ Ân Thy! ảnh 1

Nhà báo Vũ Ân Thy (bìa phải) với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và nhà văn Nguyễn Quang Sáng trong buổi gặp mặt các văn nghệ sĩ tại TPHCM năm 2000. Ảnh: AN DUNG

Sau Hiệp định Paris năm 1973, tình hình cách mạng miền Nam phát triển, anh Vũ Ân Thy là một phóng viên hăng hái, xông xáo đến nhiều chiến trường ở miền Đông Nam bộ, từ Lộc Ninh, Bình Phước, Dầu Tiếng, Trảng Bàng, cho đến Củ Chi, Biên Hòa… Đến đâu anh cũng mau chóng nắm tình hình viết nhanh tin bài gửi về cho Đài Phát thanh Giải Phóng sử dụng kịp thời. Và ngày 30-4-1975, anh cùng anh em cán bộ, phóng viên Đài Phát thanh Giải Phóng vào tiếp quản Đài Phát thanh Sài Gòn.

Từ ngày đất nước hòa bình, thống nhất, anh Vũ Ân Thy là phóng viên của Đài Tiếng nói Việt Nam 2 và sau đó, từ năm 1983 được chuyển về công tác tại Báo Sài Gòn Giải Phóng. Công tác tại cơ quan báo của Đảng bộ Thành phố mang tên Bác suốt 25 năm, anh là nhà báo chuyên sâu về văn hóa - văn nghệ, lăn lộn trong thực tiễn, gắn bó, sâu sát anh chị em giới văn nghệ sĩ ở TPHCM và cả nước. Anh nắm chắc tình hình và vấn đề nên đã thực hiện nhiều bài viết sâu sắc được bạn đọc quan tâm. Anh được đề bạt làm Trưởng ban Văn hóa - Văn nghệ của báo trong nhiều năm, cho đến ngày nghỉ hưu.

Cùng với việc viết báo, làm báo, anh Vũ Ân Thy còn là một nhà thơ, được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam từ sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Anh sáng tác thơ khá sớm, có thơ đăng báo từ thời học phổ thông. Ở chiến trường, anh vừa kịp thời viết bài gửi về cho Đài Phát thanh Giải Phóng, vừa làm thơ ca ngợi chiến công của chiến sĩ, đồng bào… Anh viết khá nhiều. Thơ anh đằm thắm, sâu nặng ân tình với đất nước, quê hương, có nhiều bài được bạn đọc yêu thích.

Anh Vũ Ân Thy là một đảng viên đã được trao tặng huy hiệu 55 năm tuổi Đảng. Anh được kết nạp vào Đảng từ thời còn học phổ thông. Là một đảng viên hăng hái, năng nổ, có trách nhiệm cao trong mọi công việc được phân công, có tác phong vui vẻ, chan hòa, sống khiêm nhường, được quần chúng tín nhiệm, được nhiều bạn bè yêu mến. Với gia đình, anh nhất mực thương yêu mẹ, yêu thương vợ con, chăm lo cho các con cháu nên người. Anh coi đó là niềm hạnh phúc nhất của cuộc đời mình.

Anh Vũ Ân Thy với tôi là một đôi bạn có cơ duyên với nhau suốt 55 năm qua, đã từng trải qua nhiều khó khăn gian khổ thời đại học sơ tán ở Thái Nguyên, đã cùng vất vả gian lao, nguy hiểm vượt Trường Sơn suốt mấy tháng trời và đã cùng nhau trở thành phóng viên của Đài Phát thanh Giải Phòng, cùng sống trong một nhà, một đơn vị, cùng tác nghiệp trên một chiến trường… Và mối cơ duyên càng sâu đậm khi tôi và anh lại được cùng nhau công tác tại Báo Sài Gòn Giải Phóng trong 5 năm cuối thế kỷ XX. Bởi thế cho nên nhận được tin anh đột ngột qua đời sau một cơn đau tim nặng, lòng tôi vô cùng đau đớn tiếc thương như vừa bị mất một người thân ruột thịt. Anh là bạn học, là đồng đội, đồng nghiệp, đồng chí, là một người bạn chí thiết của cuộc đời tôi. Kính cẩn nghiêng mình tiễn biệt anh, tôi thương tiếc nhắc lại lời tâm sự thiêng liêng của anh viết cho tôi từ hơn 50 năm trước:

Đất nước bao la theo tầm mắt ta nhìn

Đất nước lớn cao theo tầm đêm ta nghĩ

Giấc ngủ trên Trường Sơn hùng vĩ

Nóng bỏng tim ta ngày mai ra đi