Chiều 25/6, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã tiếp Ngài Ousmane Dione, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam.

Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam và cá nhân Ngài Giám đốc đối với sự phát triển của Việt Nam trên nhiều lĩnh vực, nhất là giúp Việt Nam phát triển thể chế và xây dựng hạ tầng cơ sở. Nhiều dự án luật, dự án kinh tế, xã hội mà Quốc hội thông qua đã có dấu ấn sâu sắc về sự hỗ trợ chuyên môn và kỹ thuật của Ngài Ousmane Dione nói riêng và Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam nói chung.

Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao sự đóng góp của Ngài Ousmane Dione trong việc chỉ đạo xây dựng Khung đối tác Quốc gia Việt Nam - Nhóm Ngân hàng Thế giới giai đoạn 2018-2022 nhằm hỗ trợ Việt Nam chuyển đổi sang nước có thu nhập trung bình với bốn ưu tiên chính là: Tăng trưởng bao trùm và sự tham gia của khu vực tư nhân; Đầu tư vào con người và tri thức; Tăng cường tính bền vững, khả năng phục hồi môi trường và Quản trị tốt. Ngân hàng Thế giới cũng đã hỗ trợ Việt Nam hiện thực hóa tầm nhìn và triển khai các khuyến nghị chính sách trong Báo cáo chiến lược “Việt Nam 2035”.

Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam đánh giá cao Quốc hội Việt Nam mới thông qua Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA), nhất là trong bối cảnh gia tăng chủ nghĩa bảo hộ hiện nay.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tiếp Ngài Ousmane Dione - Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam. Ảnh: quochoi.vn

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tiếp Ngài Ousmane Dione - Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam. Ảnh: quochoi.vn

Ngài Ousmane Dione chia sẻ trong mấy năm qua, các cán bộ, chuyên gia của Ngân hàng Thế giới đã cho ra đời trên 200 báo cáo với nội dung chia sẻ những nghiên cứu để hiểu rõ hơn về xu hướng phát triển trên thế giới hiện nay. Liên quan đến EVFTA, Ngân hàng Thế giới cũng đã đưa ra khuyến nghị những lợi ích từ Hiệp định này.

Theo Ngài Ousmane Dione, những bước tiến, tầm nhìn trong 5 -10 năm tới đóng vai trò quan trọng đối với Việt Nam, nên xây dựng chiến lược trong giai đoạn tới là rất quan trọng. Việt Nam là nền kinh tế mở, logistic đóng vai trò quan trọng trong hội nhập kinh tế, do đó vấn đề đặt ra là làm sao để phát triển logistic và hạ tầng.

Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam chia sẻ, Việt Nam có thể tranh thủ được lợi ích của một nước thu nhập trung bình, cần tăng cường hiệu quả bộ máy triển khai công việc nhà nước, hiện đại hóa thể chế, tăng cường đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Việt Nam có thể hoàn thiện hơn nữa đảm bảo hòa nhập xã hội, tiếp tục tinh thần “không ai bị bỏ lại phía sau”.

Nhân dịp này, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho rằng, với tinh thần cởi mở, Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong tập hợp các quốc gia trong lưu vực sông Mekong để bàn thảo cách giải quyết các vấn đề chung liên quan đến sông Mekong.

Về nội dung này, Chủ tịch Quốc hội chia sẻ, Việt Nam nằm ở hạ nguồn sông Mekong nên những biến động trên con sông đều tác động đến khoảng 21 triệu người dân đang sinh sống ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Năm nay, vùng này bị khô hạn và xâm nhập mặn nặng nhất. Đời sống sinh hoạt của người dân, trồng trọt canh tác… bị ảnh hưởng nặng nề mặc dù đây là vùng trọng điểm xuất khẩu gạo, góp phần đảm bảo an ninh lương thực thế giới.

Là quốc gia vùng hạ nguồn Mekong có trách nhiệm, Việt Nam luôn mong muốn bảo đảm môi trường sinh thái tự nhiên chung cho những người dân khu vực sông Mekong, trong đó có hạ lưu con sông, nên những biến động liên quan đến dòng sông cần phải được đánh giá tác động...

Cho biết Việt Nam đang trong quá trình phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định những khuyến nghị về chính sách, những nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới sẽ rất có giá trị để Chính phủ Việt Nam có thể lấy đó làm cơ sở đưa ra những quyết sách phù hợp. Chủ tịch Quốc hội cho rằng, những tài liệu, nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới có đóng góp rất thiết thực cho quá trình hình thành chính sách ở Việt Nam.

Về ý kiến đánh giá của Ngài Ousmane Dione cho rằng Việt Nam thành công trong thu hút đầu tư nước ngoài (FDI), Chủ tịch Quốc hội cho biết, trên tinh thần tăng trưởng kinh tế phải gắn với bảo vệ môi trường, Việt Nam sẵn sàng đón nhận làn sóng đầu tư mới với sự chọn lọc, ưu tiên những dự án đầu tư công nghệ cao, góp phần thúc đẩy kinh tế số...

Thế Vũ